Lỗ hơn trăm tỷ với hàng không Hải Âu, hợp tác bất thành với AirAsia, ông Trần Trọng Kiên vẫn quyết thành lập hãng hàng không mới KiteAir
Lỗ lũy kế của Hàng không Hải Âu tính tới cuối năm 2018 lên tới 139 tỷ đồng. Dù vậy, điểm tích cực là doanh thu của Hải Âu đang tăng trưởng rất tốt và số lỗ qua các năm giảm dần. Trong năm 2018, Hải Âu chỉ ghi nhận khoản lỗ 4,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm trước đó.
- 17-06-2019Câu chuyện du lịch 4.0 của Thiên Minh Group: Từ đội quân 35 người vật vã cầm bảng đón 1.000 khách/ngày, nghe khách "chửi" như cơm bữa, nay giảm xuống còn 1 người, doanh thu tăng 10 triệu USD
- 17-06-2019CEO Thiên Minh Group Trần Trọng Kiên kỳ vọng iVivu sẽ vượt Agoda trong 3 năm tới
- 29-04-2019Chủ tịch Thiên Minh Group lần đầu nói về việc kết thúc hợp tác liên doanh với AirAisa, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục làm hàng không
Mới đây, CTCP Hàng không Thiên Minh thuộc sở hữu của ông Trần Trọng Kiên đã gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đề nghị phê duyệt Dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Theo bản kế hoạch, Thiên Minh đề xuất đầu tư tổng cộng 30 máy bay tới năm 2024, trong đó có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A321.
Thiên Minh hay ông Trần Trọng Kiên không còn là cái tên xa lạ trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong ngành không Việt Nam. Trước khi nộp hồ sơ thành lập KiteAir, Tập đoàn Thiên Minh (công ty mẹ của hàng không Thiên Minh) từng có kế hoạch cùng AirAsia thành lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam, nhưng đến tháng 4/2019 mọi việc đã đổ bể do 2 bên không tìm được tiếng nói chung.
Một thương vụ đầu tư đình đám khác vào lĩnh vực hàng không của ông Trần Trọng Kiên là việc mua lại hãng hàng không Hải Âu vào năm 2013.
Khác với các hãng hàng không đang hoạt động trên thị trường, Hải Âu lựa chọn phân khúc ngách là cung cấp dịch vụ bay hành trình, bay ngắm cảnh tới những địa điểm nổi tiếng tại Việt Nam như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng hay Huế bằng thủy phi cơ. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đến lúc này kinh doanh du lịch bằng thủy phi cơ.
Để phục vụ hoạt động kinh doanh, Hải Âu đã đầu tư đội bay gồm 3 chiếc thủy phi cơ Cessna Grand Caravan 208B – EX và chuyến bay đầu tiên của công ty đã được khai trương vào tháng 9/2014. Khi đó, ông Lương Hoài Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không khi từng đảm nhiệm vai trò quản lý cấp cao tại Vietnam Airlines, Air Mekong đã được mời về làm Tổng Giám đốc hàng không Hải Âu.
Là loại hình kinh doanh khá độc đáo tại Việt Nam nhưng hoạt động kinh doanh của Hải Âu những năm qua chưa thực sự hiệu quả và thường trong trạng thái dư thừa công suất, trong khi vẫn phải trả chi phí nhân công, khấu hao.
Trong năm 2015, Hải Âu ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 17,3 tỷ đồng nhưng lỗ tới 57,4 tỷ đồng, qua đó kéo lỗ lũy kế sau 2 năm đầu vận hành lên con số 81,3 tỷ đồng. Cũng trong năm 2015, ông Lương Hoài Nam đã chia tay Hải Âu để đầu quân cho Vietstar Airlines.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình kinh doanh, lãnh đại Hải Âu cho biết, về phương thức bay, phần lớn nhu cầu của Hàng không Hải Âu là bay bằng mắt ngoài đường hàng không. Tuy nhiên, hãng này lại thường xuyên bị "ép" bay theo các đường hàng không. Khi đường hàng không bị "đóng" (ví dụ đường hàng không từ Hà Nội đi Hải Phòng), Hàng không Hải Âu buộc phải bay vòng theo các đường hàng không khác với thời gian và chi phí tăng lên nhiều.
Hoạt động Hải Âu đang dần tích cực hơn trong những năm gần đây
Dù vậy, trong những năm gần đây hoạt động kinh doanh của Hải Âu đang dần có những chuyển biến tích cực khi doanh thu tăng trưởng đều qua các năm, trong khi số lỗ đang ngày càng giảm dần.
Theo số liệu có được, trong năm 2018, hàng không Hải Âu ghi nhận doanh thu 66 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và gấp gần 4 lần so với năm 2015. Trong khi đó, số lỗ trong năm 2018 chỉ còn 4,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số lỗ 19,2 tỷ đồng trong năm trước. Dù vậy, lỗ lũy kế của Hải Âu tính tới cuối năm 2018 vẫn lên tới 139 tỷ đồng do "hậu quả" của những năm đầu vận hành.