MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thừa Thiên Huế góp ý phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Mô hình thành lập cũng cần xem xét các yếu tố lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, đặc điểm tự nhiên - Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Mô hình thành lập cũng cần xem xét các yếu tố lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, đặc điểm tự nhiên - Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Tại Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lần thứ 10 mới đây, hầu hết các ý kiến thống nhất cao với Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đề xuất tên gọi TP. Huế và chọn phương án 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện.

Các phương án cho mô hình thành phố

Theo Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trình tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI có 2 phương án.

Trong đó, phương án 1 gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Với phương án này, TP. Huế sau khi sắp xếp, thành lập có 32 phường chia thành 2 quận: Quận phía bắc gồm 13 phường, quận phía nam gồm 19 phường. Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở địa giới hành chính của huyện Phong Điền. Thành lập quận Hương Thủy gồm 7 phường.

Nhập huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc thành 1 huyện mới. Thị xã Hương Trà sẽ có 10 đơn vị hành chính cấp xã do chuyển xã Dương Hòa từ Thị xã Hương Thủy. Giữ nguyên hiện trạng 3 đơn vị hành chính cấp huyện là Quảng Điền, A Lưới và Phú Vang.

Với phương án này, số đơn vị hành chính cấp huyện không tăng, giảm 10 đơn bị hành chính cấp xã.

Tại Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phương án 1 được đánh giá phân loại đô thị loại I đạt khoảng 80,05 điểm. Đánh giá tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận phía nam đạt 21/25 tiêu chí, quận phía bắc đạt 19/25 tiêu chí, quận Hương Thủy đạt 16/25 tiêu chí.

Phương án 2 gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Mô hình này tương tự phương án 1, chỉ giữ nguyên hiện trạng Thị xã Hương Thủy và Thị xã Hương Trà. Đánh giá phân loại đô thị đạt 83 điểm.

Về phương án lựa chọn tên gọi, phương án 1 là TP. Huế, phương án 2 là TP. Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, còn dự kiến phương án tên gọi của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đảm bảo được mục tiêu trong sự hài hòa, hợp lý

Góp ý vào các phương án, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10, hầu hết các ý kiến đều có sự thống nhất cao với Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đề xuất tên gọi TP. Huế và chọn phương án 1.

Lãnh đạo huyện A Lưới đồng tình cao với phương án 1 và cho rằng, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cần tính đô thị cao, có nhiều đô thị vệ tinh, và phương án này đáp ứng được các tiêu chí đó.

Một số ý kiến khác lưu ý trong quá trình hoàn thiện đề án cần nghiên cứu, tính toán lại việc tách một số địa phương, đồng thời, cần chú trọng bảo đảm tổ chức, thế trận an ninh-quốc phòng sau khi sắp xếp các đươn vị hành chính để bảo đảm sự ổn định, phát triển...ở buổi thảo luận tổ, ông Nguyễn Đại Viên, Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế phát biểu làm rõ thêm nguyên tắc về đươn vị hành chính.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, việc điều chỉnh, sắp xếp địa giới hành chính phải trải qua nhiều bước, thủ tục, trình tự khác nhau, trong đó, phải bảo đảm được mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và sự hài hòa, hợp lý.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế sẽ chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu, rà soát trong việc xây dựng, hoàn thiện Đề án, xin ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương thẩm định.

Theo GT

Báo Chính phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên