Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Để thúc đẩy tốc độ giải ngân, khâu thanh toán cũng cần phải được thực hiện ngay khi có khối lượng nghiệm thu. Ảnh minh họa.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, để thúc đẩy tốc độ giải ngân, khâu thanh toán cũng cần phải được thực hiện ngay khi có khối lượng nghiệm thu.
- 01-06-2022Bình Định cần hơn 7.473 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam
- 01-06-2022Đà Nẵng gỡ nút thắt về quỹ đất, ngóng dự án tầm cỡ khu vực
- 01-06-2022Vi phạm trong chứng khoán, trái phiếu: Bằng cách nào qua mắt các cơ quan quản lý dễ dàng?
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 147,8 nghìn tỷ đồng, bằng gần 28% kế hoạch năm. Mặc dù tỷ lệ giải ngân này tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn được đánh giá là còn thấp, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư công đang được Chính phủ thúc đẩy quyết liệt để tạo động lực phục hồi kinh tế. Việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc được cho là nhiệm vụ cần thiết lúc này để đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường... là những đơn vị có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng cao nhất. Đứng đầu nhóm Bộ ngành với tỷ lệ giải ngân đạt gần 29%, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, một số giải pháp được liên tục thực hiện như đôn đốc, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các ban quản lý dự án trong việc đảm bảo tiến độ giải ngân hay điều chuyển vốn từ đơn vị giải ngân kém sang đơn vị giải ngân tốt.
"Từ tháng 5 - 10 trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi để thi công các công trình như cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt, các công trình của ngành giao thông vận tải, vì vậy trong thời gian tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu tập trung thi công 3 ca 3 kíp để tận dụng tiết thuận lợi như vậy", ông Lưu Quang Thìn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
5 tháng đầu năm, vốn đầu tư công thực hiện do Trung ương quản lý đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng, bằng gần 25% kế hoạch năm và vốn do địa phương quản lý thực hiện được khoảng 122,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28% kế hoạch.
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân được chỉ ra bao gồm ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính , để thúc đẩy tốc độ giải ngân, khâu thanh toán cũng cần phải được thực hiện ngay khi có khối lượng nghiệm thu.
"Riêng kho bạc thì giao trách nhiệm phải thanh toán ngay trong ngày, hồ sơ nào chậm nhất cũng không quá 3 ngày; còn chỗ nào làm chậm sẽ thanh tra và kỷ luật ngay. Thực tế, thời gian qua chúng tôi đã kỷ luật và điều chuyển công tác một số giám đốc kho bạc làm chậm", ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương có sự linh hoạt, chủ động. Thành lập tổ công tác riêng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đứng đầu để đôn đốc, sát sao ngay tại hiện trường dự án. Đồng thời, yêu cầu các sở ngành liên quan công bố các đơn giá, hệ số nguyên vật liệu định kì hàng tháng để sát thực tế.
VTV