MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thúc đẩy sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi

29-11-2016 - 13:38 PM | Thị trường

Năm 2016, dự tính Việt Nam sẽ sản xuất 17 triệu tấn thức ăn chăn nuôi nhưng chỉ chủ động được khoảng 60-65% nguyên liệu (ngô, cám gạo, sắn khô, bột cá). Các loại thức ăn bổ sung khác vẫn phải nhập khẩu tới 98-99%.

Ngày 28/11, Báo Nhân dân tổ chức tọa đàm “Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập”.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, Việt Nam phải nhập từ 95-98% nguyên liệu premix, vitamin, axit amin, các chất phụ gia màu, mùi sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi. Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, các nước châu Âu và Nhật Bản.

Đi sâu phân tích nguyên nhân, theo ông Vang, đó là do các doanh nghiệp Việt Nam không đầu tư sản xuất mặc dù Nhà nước kêu gọi và khuyến khích. Cụ thể, đầu tư vào lĩnh vực này vừa khó về công nghệ vừa phải chi phí lớn. Trình độ kỹ thuật của cán bộ của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, thị trường các nguyên liệu này trên thế giới quá nhiều, đa dạng mà giá lại không quá đắt.

Về việc nhập khẩu nguyên liệu cũng như sản xuất thức ăn chăn nuôi, theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp là một trong những ngành hàng có tốc độ phát triển nhanh và quy mô lớn. Trong giai đoạn 2010-2015, tốc độ phát triển của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 8,4%/năm.

Ông Vân phân tích thêm ở góc độ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ cân nhắc tính cạnh tranh về lợi nhuận và chất lượng để quyết định nhập khẩu hay đầu tư sản xuất. Việc quy hoạch sản xuất ngô, đậu tương, bột cá làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng cần phải xem xét lợi thế so sánh với các nước khác. Nếu thu hút được ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi nói riêng, sản xuất các thiết bị máy móc phục vụ chăn nuôi và nông nghiệp nói chung, Việt Nam sẽ vừa chủ động được sản xuất vừa tạo ra nhiều việc làm và rút bớt được lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp.

Năm 2015, Việt Nam đã sản xuất 15,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và dự báo năm nay con số này khoảng 17 triệu tấn. Trong số 17 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp, Việt Nam chỉ chủ động được khoảng 60- 65% nguyên liệu (ngô, cám gạo, sắn khô, bột cá). Các loại nguyên liệu khác như bột thịt xương... và các loại thức ăn bổ sung khác phải nhập khẩu 98-99%.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi là ngành đòi hỏi công nghệ cao và vốn rất lớn. Doanh nghiệp nội mặc dù số lượng đông hơn nhưng đang yếu hơn doanh nghiệp FDI về vốn, công nghệ cũng như thị phần. Bởi vậy, thời gian tới, cần c ó những hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam phát triển mạnh hơn lĩnh vực này.

Cũng theo ông Vân, hiện, Việt Nam có 207 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 58 doanh nghiệp FDI và 149 doanh nghiệp nội với thị phần tương ứng là 60%/40%. Trong số đó, 5 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (Dabaco, Masan, GreenFeed, Vina, Lái Thiêu) chiếm 23% thị phần; 5 doanh nghiệp FDI lớn nhất (CP, Deheus, ANT, Jafa comfeed, Cargill) chiếm 37% thị phần. Khi doanh nghiệp đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, Nhà nước luôn tạo điều kiện bình đẳng để doanh nghiệp nội và ngoại phát triển, cạnh tranh lành mạnh.

Theo Đỗ Hương

Chinhphu.vn

Trở lên trên