MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thúc đẩy tiêu dùng, tạo “bệ đỡ” cho tăng trưởng

Qua 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Qua 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Theo chuyên gia, thúc đẩy tiêu dùng - 1 trong 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, là nhiệm vụ quan trọng lúc này. Nhiều giải pháp đang được gấp rút triển khai.

Thúc đẩy tiêu dùng, tạo “bệ đỡ” cho tăng trưởng - VTV.VN

Trên thực tế, không chỉ nông, thủy sản, mà nhiều ngành nghề khác đang đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa các thị trường để đưa hàng Việt ra nhiều thị trường nhất có thể trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh mở rộng kênh xuất khẩu, việc đánh thức tiềm năng thị trường nội địa với gần 100 triệu người tiêu dùng cũng là cách để doanh nghiệp đa dạng doanh thu.

Báo cáo tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm vừa được công bố đã tiếp tục cho thấy sức phục hồi ổn định từ khu vực bán lẻ, dịch vụ, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Cắt giảm chi phí, thắt lưng buộc bụng..., là cách giúp Saigon Co.op có doanh thu năm 2022 tăng hơn so với năm trước. Trong đó mảng thương mại điện tử lần đầu ghi nhận đạt gần 4% tổng doanh thu, tương ứng hơn 1.200 tỷ đồng. Tiếp tục mở rộng kênh trực tuyến là cách doanh nghiệp ứng phó với rủi ro sức mua sụt giảm hiện nay.

"Thương mại điện tử không phải là công cụ để tăng tổng cầu lên, nhưng lại là công cụ để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, đảm bảo đáp ứng khi người tiêu dùng dịch chuyển từ kênh truyền thống, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết.

Qua 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các cấu phần liên quan đến tiêu dùng du lịch có mức tăng mạnh từ 30% đến hơn 120%.

Dù vậy, Hội đồng Tư vấn Du lịch đánh giá, tốc độ phục hồi của mảng quốc tế còn chậm, khách nước ngoài đến Việt Nam qua 2 tháng năm nay đạt chưa tới 60% so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch. Hội đồng này kiến nghị cần tiếp tục có cải thiện chính sách để thúc đẩy tiêu dùng của khách du lịch.

"Khi khách đến Việt Nam làm sao để việc lấy visa tại cửa khẩu, đặc biệt tại 2 cửa khẩu lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất được thuận lợi, dễ dàng. Nếu chúng ta tiếp tục không nâng cấp, mất gần 2 tiếng để nhập cảnh tại 2 cửa khẩu chính trong giờ cao điểm thì quả thật đó là ấn tượng không tốt với khách quốc tế đến Việt Nam", ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, đánh giá.

Theo giới chuyên gia, trong lúc các trụ cột tăng trưởng như: xuất khẩu" gặp khó; "đầu tư" cần thời gian để lan tỏa, việc thúc đẩy trụ cột "tiêu dùng" sẽ sớm tạo ra bệ đỡ cho tăng trưởng, nhờ lợi thế thị trường tiêu dùng nội địa trăm triệu dân.

"Sức mua của thị trường nội địa vẫn còn, như vậy các trung tâm kinh tế lớn của các đô thị lớn của Việt Nam sẽ có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của cả nước, vì vậy cần đảm bảo thị trường thông thoáng, môi trường kinh doanh ổn định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định.

Các chuyên gia đánh giá, ngay từ thời điểm đầu năm, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời như giảm thuế, phí để hỗ trợ nền kinh tế.

Lãnh đạo chính quyền TP Hồ Chí Minh trong các hội nghị đối thoại doanh nghiệp gần đây cũng nhiều lần nhấn mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, sớm có giải pháp chủ động từ phía thành phố để khắc phục bất cập về hạ tầng, cảng hàng không, góp phần thúc đẩy dịch vụ tiêu dùng.

Theo Chinh Vũ

VTV News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên