Thúc đẩy xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới
Việc áp dụng các nền tảng thương mại điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế nhanh chóng, hiệu quả mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
- 27-06-20245 thị trường xuất khẩu chục tỷ USD của Việt Nam
- 23-06-2024Vẫn cần những cú hích cho “chân kiềng tăng trưởng xuất khẩu”
- 21-06-2024Xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực
“Tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử xuyên biên giới, để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu, đang được Chính phủ và cộng đồng DN ngày một đánh giá cao và tập trung khai thác. Nếu không ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp sẽ lạc hậu và chậm chân trong hội nhập toàn cầu”. Đó là những thông tin được đưa ra tại “Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024” do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng Amazon Global Selling tổ chức hôm nay 27/6, tại Hà Nội.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thông tin, cập nhật định hướng chính sách, phác thảo các đề xuất và giải pháp để mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho biết, thương mại điện tử đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược phát triển xuất khẩu, đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc áp dụng các nền tảng thương mại điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường quốc tế nhanh chóng, hiệu quả mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo thống kê của Amazon, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đặt ra những khó khăn, thách thức, cũng như những vấn đề trong việc thực thi, thực tiễn hay các vấn đề về hành lang pháp lý đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Do vậy, diễn đàn là cơ hội để trao đổi, đề xuất cập nhật các thông tin và chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm để có thể giúp cho lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển bền vững, ổn định và thông qua đó giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, tiếp cận tốt hơn với thị trường nước ngoài.
Ông Trần Văn Trọng - Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt nam cho biết, Hiệp hội mong muốn giúp các doanh nghiệp có định hướng, có cách đi xác định chiến lược lâu dài khi tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới. Với những doanh nghiệp có định hướng lâu dài xuyên biên giới, cách đi, cách làm sản phẩm, hướng phát triển của họ sẽ bài bản hơn, lâu dài hơn, bền vững hơn, đem lại nhiều giá trị cho sản phẩm Việt, vượt qua biên giới Việt Nam đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu.
“Chúng tôi đã thành lập liên minh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến. Thông qua liên minh này, Hiệp hội tập hợp các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, các doanh nghiệp logistics hoàn tất đơn hàng, thanh toán, tiếp thị trực tuyến và các dịch vụ khác liên quan trong chu trình giúp một doanh nghiệp có thể tham gia thị trường xuất khẩu trực tuyến”, ông Trọng khẳng định.
VOV