MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực hư 'cây chữa khỏi ung thư gan' - loại ung thư gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam

30-08-2023 - 15:35 PM | Sống

Ung thư gan là loại ung thư gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay. Gánh nặng của bệnh ung thư gan đến từ việc người dân thường vào viện khi bệnh ở giai đoạn muộn.

Thực hư "cây chữa khỏi ung thư gan"

Mới đây, tại một chương trình do Bệnh viện K tổ chức, các bác sĩ cho biết ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi là bệnh đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm gần 26.500 ca, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư (theo Globocan - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế). Ung thư gan cũng là loại ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư. 

Theo PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, các "thủ phạm" gây ra ung thư gan là viêm gan B mạn tính và các tác nhân khác liên quan tới lối sống, ăn uống. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Ngọc đã gặp rất nhiều trường hợp được xác định mắc viêm gan virus nhưng bỏ thuốc điều trị để uống các loại nước lá. Điều này dẫn tới xơ gan và thậm chí là ung thư gan.

Thời gian gần đây, thông tin "cây cà gai leo có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư gan" xuất hiện trở lại. Nhiều người đã dùng nước cà gai leo uống còn khẳng định "sạch được virus viêm gan và thậm chí là loại bỏ khối u gan".

Trao đổi với PGS Trịnh Thị Ngọc về vấn đề trên, vị chuyên gia cho hay: Cây cà gai leo hiện nay đã được nghiên cứu và được chế biến làm thực phẩm hỗ trợ thải độc cho gan. Tuy nhiên, cây cà gai leo không có tác dụng chữa khỏi viêm gan virus và loại bỏ được khối u trong gan khi người bệnh đã mắc ung thư.

Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho hay chỉ nên dùng cây cà gai leo với mục đích thải độc tố cho gan. Còn đối với các trường hợp bị viêm gan virus, ung thư gan thì cần phải tuân theo phác đồ của Bộ Y tế. Trong trường hợp bệnh nhân muốn dùng thêm bất cứ sản phẩm gì, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Thực hư loại cây chữa khỏi ung thư gan, căn bệnh có tỷ lệ tử vong thuộc top 1 - Ảnh 1.

Cây cà gai leo (ảnh minh hoạ)

Phân tích kỹ hơn về cây cà gai leo, nhà khoa học, Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho biết cây cà gai leo còn có tên gọi khác là cà gai dây, cà vạnh, cà lù, cà bò. Tên khoa học là Solanum procumbens, thuộc họ Solanaceae.

Trong Đông y, cà gai leo có vị hơi the, tính ấm, hơi có độc, có tác dụng tán phong thấp, đau lưng, nhức xương, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu, trị rắn độc cắn, viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ.

Cà gai leo được xem là cây thuốc Nam chữa nhiều loại bệnh, hỗ trợ thải độc cho gan, ổn định tế bào gan, tăng cường chức năng của gan.

Về thành phần hoá học, cây cà gai leo chứa một số thành phần hóa học quan trọng như flavonoid, saponin, sterol, acid amin, alkaloid... Lá và rễ của cây có chứa Solamnia A, Solamnia B, glycoalkaloid..., đều có tác dụng chữa bệnh.

Theo ông Sáng, các hoạt chất trong cà gai leo, đặc biệt là glycoalkaloid, có tác dụng làm chậm sự tiến triển của xơ gan và giảm mức độ xơ gan giai đoạn sớm.

Dịch chiết toàn phần từ cây cà gai leo có tác dụng chống oxy hóa rất tốt. Nó còn chống viêm, làm giảm tổn thương do oxy hóa gây ra ở gan, bảo vệ gan.

"Cà gai leo là một trong những dược liệu cần được nghiên cứu chuyên sâu và bài bản với những công dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan, ngăn ngừa xơ gan tiến triển, hạ men gan, giải độc và bảo vệ gan", ông Sáng nói.

Nói về tin đồn "cà gai leo chữa khỏi ung thư gan", ông Sáng cho biết hiện các nghiên cứu chỉ mới dừng ở trong phòng thí nghiệm, cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu hơn. Hiện vẫn chưa đủ dữ liệu khoa học để nói cây cà gai leo chữa khỏi được bệnh ung thư. Người dân nên dùng cây cà gai leo như là thực phẩm chức năng bảo vệ tế bào gan.

Chăm sóc lá gan khỏe mạnh

Để có một lá gan khoẻ, PGS Trịnh Thị Ngọc lưu ý:

- Hạn chế rượu bia, thức ăn chiên rán

- Không ăn thực phẩm không có nguồn gốc

- Ăn chín uống sôi và ăn thịt ở mức độ cân đối với thể trạng cơ thể.

Bên cạnh đó, mọi người cần tăng cường thể dục thể thao và nên đi khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng một lần. Với người có bệnh lý về gan, cần đi khám theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Ngọc Minh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên