Thực hư chuyện cá rô phi nuôi bằng thuốc trừ sâu
Ngành nông nghiệp ĐBSCL khẳng định cá rô phi trong vùng không nuôi bằng thuốc trừ sâu, việc sử dụng kháng sinh nhằm trị bệnh cho cá.
- 11-08-2016Cá rô phi Việt đắt hàng ở Mỹ
- 23-09-2015Cá tra Việt Nam chịu “áp lực” từ cá rô phi Trung Quốc
- 17-05-2015Cần định hướng phát triển diện tích nuôi cá rô phi
Hai ngày qua, trên mạng xã hội xôn xao trước bài viết “Lý do bạn dừng ăn cá rô phi” đã ít nhiều ảnh hưởng đến người nuôi loại cá này ở ĐBSCL.
Bài viết này cho rằng “Trong thực tế, môi trường sống "tự nhiên" của nó là trang trại nuôi cá ở Trung Quốc, nơi thực phẩm tự nhiên như tảo và cây cỏ được thay thế bằng đậu nành biến đổi gen, ngô và vô số các loại thuốc kháng sinh, đặc biệt là thuốc trừ sâu. Cá rô phi nuôi công nghiệp trong các nông trại chứa hàm lượng dioxin cao hơn 11 lần so với cá rô phi tự nhiên. Dioxin không chỉ gây độc hại cho cơ thể bạn mà thậm chí nó còn có thể kích hoạt sự phát triển bệnh ung thư…”.
Theo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL, như: An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… việc nuôi cá rô phi bằng thuốc trừ sâu là không có. Tuy nhiên, người nuôi có sử dụng một ít thuốc kháng sinh để trị bệnh cho cá. Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản TP Cần Thơ, khẳng định phần lớn người dân nuôi cá rô phi đều sử dụng thức ăn công nghiệp (dạng viên) chứ không phải là cho cá ăn phân của gà, vịt và heo như thông tin trên mạng xã hội.
Anh Lê Văn Hai (ngụ xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nói: “Việc nuôi cá bằng thuốc trừ sâu là không có. Cá rô phi là loài dễ nuôi, chúng dễ thích nghi với môi trường. Nếu người nuôi chú ý nguồn nước, thay nước thường xuyên trong ao thì cá ít khi bệnh. Tôi chỉ sử dụng một ít kháng sinh khi cá bị bệnh thôi chứ không dùng nhiều”.
Theo PGS-TS Dương Nhật Long, trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ), cá rô phi là loài cho giá trị dinh dưỡng cao. Nhiều người dân dùng kháng sinh trị bệnh cho cá chứ không phải để làm cá nhanh lớn hay mục đích gì khác. Còn việc sử dụng thuốc trừ sâu, dioxin như thông tin trên mạng xã hội thì tại nước ta đã cấm. Ngoài ra, hiện nay đa phần nông dân đều hướng tới sản xuất sạch để dễ bán và xuất khẩu nên thông tin chưa được kiểm chứng đối với cá rô phi sẽ ảnh hưởng tới người nuôi.
Người lao động