MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực hư "siêu doanh nghiệp" vốn 500.000 tỉ đồng

Các nhà đầu tư, cổ đông có quyền đăng ký số vốn góp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nhưng cơ quan quản lý cũng cần giám sát chặt chẽ để tránh phát sinh rủi ro.

Liên quan đến một công ty vừa thành lập với số vốn đăng ký 500.000 tỉ đồng , ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người đại diện pháp luật và tổng giám đốc doanh nghiệp (DN) này, khẳng định sẽ góp đủ vốn đã đăng ký trong thời hạn quy định. Nhìn ở góc độ pháp lý, nhiều luật sư, chuyên gia khuyến cáo cơ quan quản lý cần giám sát, hậu kiểm nhằm tránh rủi ro phát sinh (nếu có) đẩy về phía các đối tác của DN này.

Kinh doanh sản phẩm… chưa có trên thị trường quốc tế

Chiều 2-6, chúng tôi có mặt tại một trong những trụ sở công ty của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người vừa đứng tên đăng ký thành lập một loạt 5 DN, trong đó có một công ty với vốn điều lệ đăng ký "siêu khủng" 500.000 tỉ đồng.

Trụ sở của một trong 5 công ty ở phường Phước Bình, TP Thủ Đức, TP HCM là một căn nhà cấp 4 trong khu dân cư. Tại thời điểm tiếp chúng tôi, trong công ty có 2 nhân sự, gồm cả vị tổng giám đốc. Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh tự giới thiệu hệ sinh thái của tập đoàn ông đang xây dựng dự kiến có tổng cộng 17 công ty, tổng cộng hiện có 20 nhân sự.

Ngành nghề đăng ký chính của các công ty là lập trình máy vi tính, in ấn; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; sản xuất linh kiện điện tử; bán lẻ đồ điện gia dụng; tư vấn về máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan…

"Mức vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng là cao nhưng với chúng tôi là khả thi vì sản phẩm của chúng tôi đang xây dựng có chiến lược toàn cầu, hầu như chưa có trên thị trường quốc tế. Công ty chuyên sản xuất phần mềm và phân phối các ứng dụng công nghệ. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện chuyển đổi số cho tất cả DN Việt Nam, dự kiến phát triển ra 150 quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ. Sẽ có những sản phẩm phù hợp được đưa ra thị trường, đồng thời liên kết với các tập đoàn khác, giải bài toán khó khăn cho DN trong và ngoài nước" - ông Nguyễn Vũ Quốc Anh quảng bá.

Thực hư siêu doanh nghiệp vốn 500.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Trụ sở một trong những công ty của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người vừa đăng ký thành lập doanh nghiệp với vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng


Ông chủ của "siêu DN" cho biết hệ sinh thái sẽ có tới 17 DN, nhưng do đi từng bước chắc chắn nên mới lập 5 DN và mỗi công ty có một chiến lược kinh doanh khác nhau.

"Chúng tôi sẽ thực hiện chuyển đổi số cho các DN lớn, DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể; rồi đầu tư vào các DN khởi nghiệp (startup) với cam kết 100% có lãi và không bị mất vốn (!?). Công ty sẽ kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước, có thể bán cổ phần của DN để huy động vốn. Nhân sự giờ là 20 người nhưng nếu phát triển ra trên 150 quốc gia thì phải 3.000 người vận hành hệ thống toàn cầu. Trong vòng 90 ngày, chúng tôi sẽ huy động đủ vốn theo quy định" - ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định.

Việc đăng ký thành lập với số vốn điều lệ ban đầu là quyền của DN. Tuy nhiên, thông tin DN có mức vốn điều lệ đăng ký "siêu khủng" đã gây xôn xao thị trường những ngày qua. Bởi với vốn điều lệ đăng ký ban đầu 500.000 tỉ đồng (tương đương 21,7 tỉ USD), vượt xa cả những ngân hàng, tập đoàn lớn của nhà nước, tư nhân như EVN, Vingroup, Vinamilk, Vietcombank… Năm ngoái, một công ty được đăng ký thành lập ở Hà Nội cũng với số vốn lên tới 144.000 tỉ đồng nhưng sau đó, các cá nhân góp vốn lý giải đã đăng ký nhầm!

Trả lời phóng viên ngày 2-6, một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, nhìn nhận đây là mức vốn điều lệ đăng ký thành lập DN cho một công ty lớn nhất trên địa bàn từ trước tới nay. Dù vậy, thời điểm nộp hồ sơ, DN đáp ứng đủ các quy định, trình tự, thủ tục nên cơ quan quản lý vẫn cấp giấy phép thành lập. Việc đăng ký góp vốn bằng hình thức và số tiền bao nhiêu là quyền của DN. Trong vòng 90 ngày, DN phải hoàn tất việc góp vốn, nếu không sẽ phải đăng ký lại vốn điều lệ đúng với số vốn thực góp hoặc không đáp ứng đúng quy định sẽ bị xử phạt. "Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, giám sát việc góp vốn của DN này có đúng như đăng ký ban đầu" - lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM nói.

Có kẽ hở trong đăng ký vốn điều lệ?

TS Châu Huy Quang - luật sư điều hành R&T LCT Lawyers, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - phân tích theo Luật Doanh nghiệp (2020), vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty TNHH, công ty hợp danh… Nhà đầu tư có quyền đăng ký số vốn góp và chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký DN.

Về mặt pháp lý, việc đăng ký mức vốn điều lệ bao nhiêu là quyền của nhà đầu tư khi thành lập DN, nếu không góp đủ vốn khi hết thời gian quy định sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt hành chính.

"Với DN có vốn đầu tư nước ngoài, quy định hiện hành có phần chặt chẽ hơn khi yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính cho việc góp vốn, như chứng minh số dư tài khoản ngân hàng hay phải có cam kết bảo lãnh của công ty hoặc tổ chức tài chính. Nhưng với việc thành lập DN trong nước, không có quy định bắt buộc phải chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư vào thời điểm đăng ký thành lập. Quy định với nhà đầu tư trong nước có phần dễ dàng nhằm tạo thuận lợi và khuyến khích lập DN, nhưng đồng thời cũng tạo ra kẽ hở" - TS Châu Huy Quang nói.

Do quy định khá thoáng của pháp luật về quyền tự do đăng ký vốn điều lệ nên nhiều nhà đầu tư trong nước có xu hướng đăng ký mức vốn điều lệ lớn nhằm tạo lòng tin cho đối tác. Cá biệt, một số trường hợp chủ ý đăng ký mức vốn điều lệ lớn bất thường. Đổi lại, trong thời gian 90 ngày thực hiện việc góp vốn điều lệ, công ty có thể đã sử dụng giấy chứng nhận đăng ký DN với số vốn điều lệ đăng ký rất lớn nhằm có được lòng tin để ký hợp đồng, giao dịch với đối tác.

Dù pháp luật yêu cầu các thành viên chịu trách nhiệm tương ứng với tỉ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của DN phát sinh trong thời gian này nhưng thực tế, khó loại trừ được rủi ro thành viên công ty không có khả năng chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp với giá trị rất lớn như vậy. Và phần rủi ro sẽ đẩy về phía các đối tác đã trót có giao dịch với DN đó.

"Bởi trong thực tế, khả năng tài chính thể hiện trên giấy chứng nhận đầu tư không đồng nghĩa có thể ràng buộc trách nhiệm pháp lý tài chính của chủ DN đó khi có tranh chấp liên quan phát sinh" - TS Châu Huy Quang phân tích thêm.

Cần thêm chế tài

Ở góc độ pháp lý, các chuyên gia, luật sư đều nhận định việc cấp giấy phép đăng ký thành lập DN cho các công ty trên với số vốn cao bất thường là đúng quy định. Tuy nhiên, cần thêm giải pháp hậu kiểm nhằm giám sát việc góp vốn, tránh những rủi ro có thể phát sinh.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng bất cập là trong thời hạn 90 ngày góp vốn, nếu phát sinh giao dịch bất thường hoặc có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư và đối tác thì rất khó xử lý. Do đó, cùng với Luật DN có hiệu lực từ đầu năm 2021, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu, đề xuất ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể các phần vốn góp và chứng minh năng lực tài chính cho phần vốn góp đối với những DN có vốn điều lệ cao bất thường như vài chục ngàn tỉ đồng hay 500.000 tỉ đồng như trường hợp ở trên.

Chuyên gia tài chính, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, nhận định liên quan những DN xin giấy phép thành lập với số vốn điều lệ đăng ký cao bất thường có thể rơi vào 2 trường hợp. Một là, chưa góp vốn. Hai là, đã góp một phần hoặc toàn bộ bằng tài sản không phải là tiền nhưng định giá tài sản vống lên hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lần.

Hành vi vi phạm trong việc góp vốn thành lập DN có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu sau 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN "không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký". Trường hợp "Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế" cũng sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định.

Để tránh những trường hợp đăng ký vốn quá cao và không mang tính thực tế, rủi ro do DN đem giấy phép ghi nhận số vốn lớn để tạo lòng tin, lừa đảo đối tác giao dịch, TS Châu Huy Quang đề xuất trong quá trình xử lý hồ sơ, cơ quan cấp phép có thể xem xét kiểm tra, liên hệ với chủ sở hữu hay thành viên đăng ký để xác nhận lại thông tin đăng ký. Nếu chủ sở hữu hoặc thành viên thực hiện không đúng cam kết và đăng ký DN theo quy định hoặc lừa đảo bên thứ 3 thì pháp luật sẽ có chế tài xử lý tương ứng, có thể đến mức xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm.

Ngoài ra, khi thật cần thiết, có thể xem xét, cân nhắc bổ sung quy định kiểm tra năng lực tài chính tương tự Luật Đầu tư, nhưng chỉ áp dụng khi mức vốn điều lệ đăng ký vượt ngưỡng nhất định.

Quá bất thường

Theo Tổng cục Thống kê, số lượng DN đăng ký thành lập mới trong tháng 5-2021 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 14 tỉ đồng. "Tuy nhiên, nếu tính thêm 2 DN đăng ký thành lập mới thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông tại TP HCM có số vốn đăng ký tăng đột biến 525.000 tỉ đồng thì số vốn đăng ký trong tháng 5-2021 tăng tới 499,4% so với cùng kỳ năm trước" - Tổng cục Thống kê giải thích thêm.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng và Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (GAB Group) vốn điều lệ 25.000 tỉ đồng, đăng ký thành lập ngày 20-5, có chung một đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh và đang trong quá trình hoàn tất việc góp vốn.

Theo Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên