MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực hư về cách chữa ung thư, cải lão hoàn đồng bằng tế bào gốc người giàu Việt ưa chuộng

29-03-2018 - 08:32 AM | Sống

Gần đây trong giới nhà giàu ở Việt Nam rộ lên "phong trào" sang Nhật truyền tế bào gốc, mà theo thông tin được quảng cáo là để chữa bệnh hay cải lão hoàn đồng.

Thật ra đây là phương pháp vẫn chưa được kiểm chứng về độ an toàn hay hiệu quả. Ở Nhật, nó cũng chỉ được làm tại các clinics (phòng khám tư nhân) và không được bảo hiểm chi trả.

Bài viết sau đây cung cấp thêm thông tin từ BS. TS Phạm Nguyên Quý, đang làm việc tại Khoa Nội khoa Ung thư , Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản về vấn đề này.

Mặc dù sự an toàn và hiệu quả của các liệu pháp Tế bào gốc chưa được chứng minh, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy, chúng vẫn đang được quảng cáo với một số kỹ thuật tiếp thị đáng ngại để thu hút khách hàng đến các phòng khám/bệnh viện tư nhân trên toàn thế giới.

Các phòng khám này tiếp cận với khách hàng (bệnh nhân và người thân) thông qua trang web của phòng khám và các công ty môi giới.

Hội đồng Khoa học Y tế tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) ở Nhật Bản đã chỉ ra vi phạm của một số phòng khám liên quan tới quy định về quảng cáo trong Đạo luật Chăm sóc Y tế, tuy vậy vẫn còn ít người biết về hiện trạng của các phòng khám này, bao gồm chất lượng thông tin được đăng tải trên website của họ.

Trong một nghiên cứu năm 2016, Kashihara và cộng sự đã đánh giá chất lượng thông tin trên trang web của các phòng khám tư nhân cung cấp các liệu pháp tế bào gốc ở Nhật Bản.

24 trang web với 77 phương pháp điều trị đã được xác định và đánh giá qua các tìm kiếm trên Google.

Thực hư về cách chữa ung thư, cải lão hoàn đồng bằng tế bào gốc người giàu Việt ưa chuộng - Ảnh 1.

Tế bào gốc. (Ảnh minh họa)

Quảng cáo phóng đại, thiếu dẫn chứng khoa học

Lý do chính để dùng liệu pháp tế bào gốc là "chữa ung thư", "chống lão hóa" và "nâng ngực/mông." Về việc mô tả các nguy cơ và lợi ích điều trị, 78% phương pháp điều trị nhắc đến "lợi ích", trong khi 77% có nói tới "rủi ro".

Mặc dù có 7% website trích dẫn nguồn bên ngoài (bài báo) nói về lợi ích của liệu pháp tế bào gốc, nhưng KHÔNG NƠI NÀO nói về các bài báo hoài nghi hiệu quả điều trị. Cũng không có điều trị nào trích dẫn ý kiến của chuyên gia về những rủi ro kèm theo.

Sau sự cố một khách hàng người Hàn Quốc tử vong vì thuyên tắc phổi sau khi truyền tế bào gốc năm 2010, luật pháp Nhật Bản trong lĩnh vực này đã nghiêm khắc hơn. Năm 2014, các sửa đổi pháp luật yêu cầu các clinics tư nhân cũng phải theo một số điều khoản như trong thử nghiệm lâm sàng.

Tuy nhiên, khảo sát của Kashihara và cộng sự cho thấy về Quy tắc đạo đức liên quan tới Y tế điện tử của Nhật Bản, KHÔNG HỀ CÓ phòng khám nào thỏa mãn tất cả 10 tiêu chí và có đến 63% (15/24) phòng khám có sử dụng kỹ thuật "name-dropping", tức mượn danh người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm.

Các nghiên cứu trên cho thấy những chiêu lôi kéo khách hàng trong quảng cáo của các phòng khám trên chủ yếu gồm:

- Hầu như không có trích dẫn khoa học khi đề cập đến những rủi ro hoặc lợi ích của điều trị.

- Cách phổ biến thông tin trang web không phù hợp với bệnh nhân và người thân; thành quả khoa học bị bóp méo, đơn giản hoá và cố tình hiểu sai.

- Nhiều trang web đang sử dụng các kỹ thuật tiếp thị như mượn danh, thổi phồng hiệu quả điều trị để thu hút sự chú ý của công chúng nhằm mục đích kinh doanh.

Bài báo trên nhấn mạnh: việc thực hiện nhiều nghiên cứu tương tự trên toàn cầu để nêu rõ thực trạng, đưa ra các quy tắc ứng xử, tiếp cận và quản lý các phòng khám tư nhân là rất quan trọng!

Một nghiên cứu khác phân tích hệ thống về các website tiếp thị liệu pháp tế bào gốc tại các phòng khám điều trị bổ trợ và thay thế đã được Murdoch và cộng sự báo cáo năm 2018.

Kết quả từ 243 trang web cung cấp các liệu pháp tế bào gốc cho thấy nhiều website quảng cáo việc cấy ghép tế bào gốc lấy từ các nguồn khác nhau, như mô mỡ (112), tủy xương (100), máu (28), cuống rốn (26) và tế bào gốc thực vật (20).

Mục tiêu điều trị bao gồm giảm đau, chấn thương, nhiều loại bệnh như thoái hóa thần kinh, tổn thương tủy sống, bệnh Parkinson, ung thư, làm đẹp, chống lão hóa, tăng cường khả năng tình dục và các vấn đề khác.

Rất ít trang web nói đến các thông tin quan trọng, bao gồm bằng chứng khoa học về sự KHÔNG HIỆU QUẢ, bằng chứng về hiệu quả hạn chế, báo cáo RỦI RO nói chung, báo cáo rủi ro đặc trưng cho từng phương pháp, tuyên bố về tính pháp lý và tuyên bố rằng liệu pháp này là đang thử nghiệm hoặc chưa được chứng minh(chỉ từ 13% đến hơn 33% số trang web). Có đến gần 32% số trang web sử dụng ngôn ngữ phóng đại hiệu quả (hype language).

Các tác giả kết luận rằng các liệu pháp tế bào gốc đã và đang được đưa ra thị trường để tiếp cận một loạt các mặt bệnh lẫn mục tiêu làm đẹp, trẻ hóa. Do vậy, các quy định bảo vệ người tiêu dùng và quy tắc QUẢNG CÁO DỰA TRÊN SỰ THẬT là rất quan trọng để giảm thiểu việc gây hiểu nhầm cho bệnh nhân, nhất là những người du lịch chữa bệnh hay du lịch truyền tế bào gốc .

Thực hư về cách chữa ung thư, cải lão hoàn đồng bằng tế bào gốc người giàu Việt ưa chuộng - Ảnh 2.

BS. TS Phạm Nguyên Quý.

Cảnh báo rủi ro của việc liệu pháp tế bào gốc

Cũng liên quan tới việc khám chữa bệnh cho khách du lịch truyền tế bào gốc (Stem cell tourism), Connolly và cộng sự đã cảnh báo vào năm 2014 rằng 40% website về phương pháp này không ghi rõ thời gian hay số lần cần phải điều trị, cũng như có nói về việc theo dõi dài lâu cho bệnh nhân.

Theo một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc thuộc Đại học Kyoto, việc sử dụng tế bào gốc khi chưa có đủ thông tin về sự an toàn hay hiệu quả điều trị là điều cần thận trọng, vì bản thân tế bào gốc có khả năng phân chia rất nhanh, có thể hình thành ung thư trên mô hình động vật.

Việc có những người tiên phong chịu rủi ro thử dùng trước sẽ giúp khoa học phát triển hơn, nhưng dù sao cũng nên tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng để có thể được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ.

Tài liệu tham khảo

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4897299/

http://bmjopen.bmj.com/content/8/2/e019414

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/m/pubmed/25449045/?i=3&from=/27222494/related

https://www.nytimes.com/2016/06/23/health/a-cautionary-tale-of-stem-cell-tourism.html

Theo BS. TS Phạm Nguyên Quý (Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản)

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên