Thực khách tại Hà Nội nói gì giữa làn sóng tranh cãi về việc phải gọi nước mới được ngồi ăn bún chả?
Câu chuyện phải gọi nước mới được ngồi ăn bún chả của một TikToker vẫn là chủ đề hot trong thời gian qua. Liệu rằng trên thực tế nếu bắt gặp tình huống như vậy khách hàng sẽ phản ứng như thế nào?
- 19-02-2023Thực hư trứng gà “giải cứu” 65.000 đồng/30 quả?
- 19-02-2023Đàm phán xuất khẩu cam sành sang Trung Quốc
- 19-02-2023Mặt hàng Việt Nam xuất khẩu hàng trăm triệu USD/năm, Trung Quốc nhập cả trăm tấn, trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới
Mới đây, một hot TikToker đã gây ra tranh cãi với phát ngôn có phần động chạm đối với người Hà Nội. Cụ thể, cô nàng đã chia sẻ những trải nghiệm không tốt khi đến ăn tại một quán bún chả quen thuộc.
Theo đó, do lượng khách của quán quá đông nên nhân viên quán đã bảo cô nàng ngồi vào bên trong nhà - là khu vực của một hàng nước. Khi được chủ quán mời chọn đồ uống, nàng TikToker liền từ chối vì dự định chỉ đến ăn, xong sẽ đi uống cà phê.
Ngay lập tức, chủ quán nước đã mời cô ra ngoài vì không gọi nước sẽ không được sử dụng không gian của quán.
Phát ngôn của hot TikToker khiến cộng đồng mạng tranh cãi gay gắt.
Mang trong mình sự bức xúc, cô nàng đã có những phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội khiến cộng đồng mạng phản ứng gay gắt. Có người bày tỏ sự cảm thông, có người đánh giá cô gái này quá phiến diện, chưa hiểu được văn hóa hàng quán vỉa hè ở Hà Nội đã vội đánh đồng.
Trên cương vị là những khách hàng từng có trải nghiệm ăn uống tại hàng quán mang phong cách cộng sinh như vậy ở Hà Nội, liệu những thực khách ấy sẽ có những phản ứng như thế nào xoay quanh vấn đề này?
Bỏ tiền ra đi ăn nhưng giống như bị “ép”?
Chuyện thực khách có những trải nghiệm không tốt tại Hà Nội nói riêng hay bất kỳ tỉnh thành nào khác là điều không phải hiếm. Khách hàng có quyền đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt, tương ứng với số tiền họ bỏ ra.
Bún chả và nước khi ngồi trong nhà tại một hàng quán ở Hà Nội.
Bắt gặp hai cô bạn là sinh viên tại Hà Nội cũng vừa có trải nghiệm giống nữ TikToker khi vào quán ăn bún chả nhưng lại không gọi nước liền bị mời ra ngoài: "Lúc nghe được câu nói "không uống nước thì ra ngoài ngồi", bọn mình cũng thấy không vui vẻ lắm, muốn ra ngoài ngay. Vì khi đến, khu vực bên ngoài quán đã kín hết chỗ, bên trong vẫn còn trống vài bàn nên bọn mình vào ngồi. Mình cũng không rõ đây là hai hàng riêng, chỉ biết có bán nem riêng."
Sau khi nhận được thông báo, hai cô gái liền mua một chai nước lọc với giá 10.000 đồng để có được một chỗ ngồi ăn bún chả. "Do không được thông báo trước nên bọn mình như bị đánh phủ đầu. Chứ vài chục nghìn không thành vấn đề và bọn mình cũng đủ biết không thể vào quán này ăn đồ quán khác mà lại không gọi thêm gì được."
Hai bạn nữ có trải nghiệm không tốt ngay tại quán ăn.
Cảm thấy thông cảm cho những vị khách có trải nghiệm không tốt ở hàng bún chả trứ danh này, cô bạn T.H Thanh chia sẻ: "Việc mua nước mới được ngồi ở chỗ tốt là điều khá vô lý khi mình không được thông báo điều đó từ trước. Bản thân mình không có nhu cầu thì tại sao phải bỏ tiền ra mua? Mình đến đây để ăn chứ đâu phải để uống. Dường như chủ quán đang ép khách hàng phải mua nước mới được ngồi ăn trong một không gian thoải mái hơn."
Những thực khách không sử dụng nước của quán đều bị mời ra ngoài.
Với các hàng quán trên phố cổ: Một cái ghế ngồi bằng một đồng lãi, nên hãy hiểu cho chủ quán
Đến hàng bún chả rất nhiều lần cũng như quá quen thuộc với văn hóa hàng quán vỉa hè ở Hà Nội, bạn N.Đ Bình chia sẻ: "Mình thấy việc trả tiền để có một chỗ ngồi thoải mái là điều dễ hiểu. Đến nhà hàng còn bị cấm mang theo đồ uống, sử dụng còn bị tính phí dịch vụ. Nói gì bê bát bún sang nhà người ta ngồi ăn xong chiếm chỗ. Nếu không thể bỏ thêm tiền mua nước thì bạn phải chấp nhận đứng chờ người khác ăn xong mới có chỗ ngồi."
Bạn nam đã có rất nhiều lần ăn bún chả ở khu vực hàng quán "cộng sinh" này.
"Ngay cả khi không được yêu cầu phải gọi nước mới được ngồi thì mình cũng sẵn sàng gọi nước. Bởi lẽ theo mình, đó là phép lịch sự khi mình sử dụng một không gian chung của hai quán. Người bán nước làm kinh doanh thì tất nhiên phải có lời họ mới làm, ra ngoài xã hội chẳng ai cho không ai cái gì cả kể cả chỗ ngồi." - Bạn N.T Anh chia sẻ.
Cùng là dân kinh doanh buôn bán, cũng đã có rất nhiều lần thưởng thức món bún chả trên phố cổ, cô B.T Huyền chia sẻ: "Quán người ta mở ra để bán nước, cộng sinh thêm khách bằng cách cho khách quán bún qua ngồi và mua nước uống. Ở Hà Nội đất chật người đông, hàng quán tranh nhau bán, phân chia từng mét vuông. Ai kinh doanh mà chẳng cần lời lãi, đặc biệt với khu vực phố cổ một cái ghế ngồi cũng bằng một đồng lãi."
Hai bạn cũng đồng tình với quan điểm sử dụng không gian quán nào thì cần phải mua đồ của quán đó.
Không ai sai, chỉ là chưa thấu hiểu vị trí của nhau mà thôi
Bên cạnh những ý kiến phản đối kịch liệt hay ủng hộ, đồng tình cách phục vụ của hàng nước thì cũng có những ý kiến cho rằng cả hàng quán lẫn thực khách đều chưa thể đặt mình vào vị trí của nhau.
"Cô gái này bức xúc cũng là điều dễ hiểu. Chủ quán bán nước không sai, vì ai kinh doanh cũng cần lợi nhuận. Nhưng nếu chủ quán nước ấy nói năng nhẹ nhàng hơn thì khách hàng có lẽ đã không khó chịu và thất vọng như vậy." - Bạn B.M Nguyen nhận định.
"Không ai đúng, cũng chẳng ai sai, chỉ có chưa thấu hiểu vị trí của nhau mà thôi. Nói chung chuyện mua nước ủng hộ nếu biết là bình thường nhưng nếu không biết thì nên giải thích tí nhưng người bán rất phũ đến mức người nghe bị tổn thương." - Bạn N.T Thương chia sẻ.
Có thể nói, vụ việc của anh cô nàng TikToker cùng những trải nghiệm không tốt ở quán bún chả đã ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của nhiều người về vấn đề văn hóa tại các hàng quán vỉa hè ở Hà Nội cũng như những lưu ý khi đi ăn ở bất cứ nơi đâu.
Còn bạn, bạn có ý kiến thế nào về sự việc này?
Thể thao & Văn hóa