MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thức khuya lướt mạng là một hội chứng tâm lý nguy hiểm, nếu kéo dài sẽ sớm ‘đoạt mạng’ bạn!

05-02-2022 - 11:57 AM | Sống

Thức khuya lướt mạng là một hội chứng tâm lý nguy hiểm, nếu kéo dài sẽ sớm ‘đoạt mạng’ bạn!

"Cả ngày nay đã chăm chỉ rồi, bây giờ phải là khoảng thời gian để chăm sóc cho bản thân mình", với ý nghĩ này nhiều người bỏ ra vài giờ đồng hồ để lướt mạng, để xem phim mặc dù đã có một ngày làm việc mệt nhoài. Liệu có đáng để phải “trả thù”?

Nghỉ lễ rồi bạn còn thức khuya không? Người nói có chắc hẳn là do đã quen với nếp sinh hoạt "độc hại" này từ những ngày còn đi làm trước Tết. Ngày nay, mong muốn hặt gái năng suất và kết quả công việc cao đã đẩy con người vào guồng quay công việc, ngay cả trong giờ nghỉ và đến khi về đến nhà rồi thì những tin nhắn, suy tính cho công việc, cho mối quan hệ ngoài xã hội cũng vẫn “tinh tinh” liên tục không dứt. Khi không có thời gian nghỉ ngơi dành cho bản thân, người ta quyết định “trả thù”.

 Thức khuya lướt mạng là một hội chứng tâm lý nguy hiểm, nếu kéo dài sẽ sớm ‘đoạt mạng’ bạn!  - Ảnh 1.

Revenge Bedtime Procrastination (Trả thù bằng cách thức khuya): là hiện tượng những người quá bận bịu vào ban ngày cố gắng thức tới khuya, dù đã mệt và buồn ngủ nhưng vẫn cố bỏ một vài giờ ngủ cho các hoạt động giải trí cá nhân, chủ yếu bằng cách lướt MXH, xem phim,... Khái niệm "revenge bedtime procrastination" có nguồn gốc từ cụm từ Trung Quốc "報復性熬夜" (bàofùxìng áoyè) trong một bài nghiên cứu về sự trì hoãn vào năm 2014.

Bạn không đang mắc tình trạng này nếu vì lí do chẳng hạn như bị ốm hoặc môi trường ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thực tế là những người tham gia vào hành vi này hoàn toàn nhận thức được rằng nó có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực, nhưng họ vẫn chọn thực hiện nó. Đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ, những giờ sau khi đưa con đi ngủ có thể là thời gian duy nhất họ có một mình để tập trung vào những việc họ muốn làm. Đối với những người có lịch trình làm việc bận rộn, nằm dài trên ghế dài và say sưa xem các chương trình truyền hình có thể là thời gian duy nhất để trải nghiệm sự thư giãn hoàn toàn và thường không tiêu tốn sức lực nào, ví dụ như mua sắm trực tuyến, lướt mạng xã hội, đọc và xem các dịch vụ phát trực tuyến,...

Tại sao bạn thích tự cướp đi giấc ngủ của chính mình?

1. Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí Frontiers of Psychology gợi ý rằng, đó nhiều khả năng là do chính sự bất lực vì thiếu khả năng kiểm soát thời gian biểu của mình. Theo nhà tâm lý trị liệu Daryl Appleton, khi cảm thấy hoàn toàn mất kiểm soát với những gì diễn ra vào ban ngày, chúng ta cố gắng "bù đắp" bằng thời gian "rảnh" ban đêm để giảm bớt cảm giác bất lực. Bạn cố gắng tự thuyết phục bản thân rằng mình vẫn có thời gian dành cho chính mình, vẫn đang tự chủ, chứ không phải vì quá bận rộn làm công ăn lương mà đánh mất bản thân. “Cuối cùng thì cũng đến lúc mình được nghỉ ngơi, mình cũng cần được chăm sóc chứ, nên thức khuya là rất đáng”, bạn nghĩ.

2. “Bận rộn ảo” cũng là một nguyên do khác để viện cớ cho việc ngủ muộn để làm các công việc mặc dù bạn biết nó có hại cho sức khỏe. Việc luôn bận rộn làm một việc gì đó khiến bạn cảm thấy mình năng suất và trông có vẻ thành công hơn, dù người khác có ghi nhận hay không thì bạn cũng tự mong muốn bản thân như vậy. Khi mà bận rộn trở thành thước đo của sự thành công, ai cũng sẽ đều nghĩ “trì hoãn giấc ngủ để làm việc” là việc tôi nên và đôi khi là phải làm.

 Thức khuya lướt mạng là một hội chứng tâm lý nguy hiểm, nếu kéo dài sẽ sớm ‘đoạt mạng’ bạn!  - Ảnh 2.

3. Gần đây những căng thẳng do đại dịch toàn cầu Covid19 cũng khiến hành vi này phổ biến và ngày càng trầm trọng hơn. Các báo cáo cho thấy khoảng 40% người lớn gặp phải vấn đề về giấc ngủ trong năm 2020. Khi ranh giới giữa công việc, gia đình và trường học ngày càng trở nên mờ nhạt, nhiều người nhận thấy rằng rất khó để có thời gian ở một mình. Việc trì hoãn trước khi đi ngủ đã trở thành một cách để nhiều người dành thời gian quý giá ở một mình trong những giờ khuya.

4. Ngoài ra, có thể những con người hay “trì hoãn giấc ngủ” cũng là do họ quen mắc các thói quen trì hoãn khác trong cuộc sống rồi.

Hành vi này tàn phá sức khỏe đến như thế nào? 

Như đã nói ở trên, chính người có hành vi này cũng biết nó có hại cho sức khỏe nhưng vẫn làm.

 Thức khuya lướt mạng là một hội chứng tâm lý nguy hiểm, nếu kéo dài sẽ sớm ‘đoạt mạng’ bạn!  - Ảnh 3.

Theo nghiên cứu, đối tượng mắc hội chứng này tập trung nhiều ở học sinh và phụ nữ. Một kiểu người thức khuya vì thấy ban ngày bận rộn, khó cân bằng các nhu cầu cá nhân. Nhưng cũng có kiểu khác vì sắp xếp công việc chưa tốt nên gặp phải sự quá tải dồn về ban đêm.

Thiếu ngủ và cơ thể lẫn tinh thần mệt mỏi là tác hại rõ ràng của việc "trả thù bằng cách thức khuya". Ban đầu sẽ chỉ tầm 10-15 phút, sau dần, nguy hiểm là khi đó có thể trở thành thói quen thức khuya đến tận gần sáng làm những việc “không đâu” mà bạn coi là “thời gian cho bản thân”, trong khi sức khỏe thì bị lờ đi, nhiều căn bệnh nguy hiểm xuất hiện: trí nhớ giảm, kém tập trung, hệ miễn dịch suy giảm, bồn chồn lo lắng, các bệnh lý về tim; hiệu suất công việc giảm và thiếu động lực làm việc.

Đừng trả thù, hãy làm bạn với giấc ngủ

Nếu việc trì hoãn trước khi đi ngủ là một vấn đề đối với bạn, thì đây là một số điều có thể giúp ích cho bạn.

Ưu tiên giấc ngủ

Nếu mục tiêu của bạn là nghỉ ngơi tốt hơn, điều đầu tiên bạn có thể làm là ưu tiên hàng đầu cho giấc ngủ. Nhắc nhở bản thân tại sao đi ngủ đúng giờ lại quan trọng. Nếu bạn cảm thấy được nghỉ ngơi nhiều hơn vào ngày hôm sau, nhiều khả năng bạn sẽ có năng lượng để hoàn thành các nhiệm vụ cần làm.

Thực hành thói quen ngủ ngon

Thiết lập một số thực hành khi đi ngủ của riêng bạn để có thể cải thiện chất lượng tổng thể và thời gian ngủ mà bạn có được. Một số điều bạn có thể cố gắng làm bao gồm có giờ đi ngủ và thức dậy nhất quán hàng ngày, bỏ rượu và caffein vào buổi chiều và tối, và tạo ra một môi trường ngủ thoải mái.

 Thức khuya lướt mạng là một hội chứng tâm lý nguy hiểm, nếu kéo dài sẽ sớm ‘đoạt mạng’ bạn!  - Ảnh 4.

Đánh giá lịch trình của bạn

Vì lịch trình bận rộn thường là gốc rễ của sự trì hoãn trước khi đi ngủ, nên hãy xem xét kỹ những nhu cầu hàng ngày của bạn. Cắt bỏ những thứ không quan trọng hoặc ngốn hết thời gian của bạn. Nếu các hoạt động ban ngày khiến bạn không hài lòng và không được thỏa mãn, hãy để chúng đi nếu bạn có thể.

Lên lịch thời gian cho chính bạn

Vì bạn đang cắt giảm mọi thứ ra khỏi lịch trình của mình, hãy tập trung vào việc thay thế những hoạt động không mong muốn đó bằng thời gian để làm một số điều bạn yêu thích. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ hoặc những người có công việc đặc biệt.

Một cách để đối phó với điều này là lập kế hoạch và ưu tiên “thời gian ở một mình”. Hãy sắp xếp khoảng thời gian đó cho chính bạn, sau đó tìm một ai đó — cho dù đó là bạn bè, người trông trẻ, bạn đời hay thành viên gia đình — người có thể giúp bạn làm thay các công việc trong thời gian bạn tận hưởng kỳ nghỉ.

Bắt đầu giấc ngủ sớm hơn

Một cách khác để chống lại sự trì hoãn trước khi đi ngủ là bắt đầu thói quen hàng đêm của bạn sớm. Đặt báo thức một giờ trước khi bạn thường bắt đầu chuẩn bị đi ngủ. Dành thêm thời gian để thư giãn trong ngày có thể giúp bạn cảm thấy buồn ngủ hơn, điều này có thể giúp bạn chống lại thói quen thức khuya.

Tắt các thiết bị điện tử

Tắt tính năng tự động phát và thông báo trên các phần mềm. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc thực hành các thói quen thư giãn để thúc đẩy giấc ngủ, chẳng hạn như thực hiện một số động tác kéo giãn nhẹ nhàng, thiền định hoặc đọc sách.

Nguồn: Verywell Mind

https://cafebiz.vn/thuc-khuya-luot-mang-la-mot-hoi-chung-tam-ly-nguy-hiem-neu-keo-dai-se-som-doat-mang-ban-20220202232959111.chn

Theo Thu Ngân

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên