MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực phẩm chức năng: Thật - giả khó biết

10-10-2016 - 07:40 AM | Thị trường

Thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng tung hoành trên thị trường là do quản lý nhà nước bị buông lỏng, trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, lợi dụng những lỗ hổng trong công tác quản lý, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) đã đưa sản phẩm giả, kém chất lượng lưu thông hợp pháp trên thị trường.

Giám sát… trên giấy

Mới đây nhất, Cục An toàn thực phẩm - ATTP (Bộ Y tế) thông báo 14/14 mẫu TPCN do Chi cục QLTT Hà Nội gửi mẫu giám định không đạt chất lượng. Số mẫu này được lấy trong đợt bắt giữ hàng chục ngàn sản phẩm TPCN nghi làm giả của Công ty Slim HMN Việt Nam. Điều đáng nói là các mẫu sản phẩm không đạt chất lượng này trên bao bì, nhãn mác ghi rõ các thương hiệu quen thuộc, như Royal Jelly DHA, HMN Collagen USA, Plus Min USA, Glucosamine schitnew… xuất xứ từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc. Chỉ với giấy chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm, các sản phẩm này đã ngang nhiên có mặt trên thị trường và chiếm lĩnh một phần lớn quầy trưng bày trong các nhà thuốc.

Một chuyên gia trong lĩnh vực TPCN cho rằng vì lợi dụng sơ hở, buông lỏng hậu kiểm cũng như lợi dụng kẽ hở tự kê khai mà nhiều DN đã qua mặt, lừa dối cơ quan quản lý để đưa ra thị trường những sản phẩm kém một cách hợp pháp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thực tế, quy định hiện hành cho phép DN tự kê khai, tự chịu trách nhiệm mọi thông tin về thành phần, hàm lượng. Họ tự khai báo qua mạng để xin giấy chứng nhận. Cục ATTP là đơn vị ký tên, đóng dấu dựa trên hồ sơ khai báo của DN. PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp Hội TPCN Việt Nam, nhìn nhận: “Có thể khi đi xin giấy chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm thì DN đưa hàng chính hãng, sản phẩm “xịn” làm mẫu nhưng khi bán ra thị trường lại là hàng giả, hàng trà trộn kém chất lượng, không rõ nguồn gốc”.

Ông Trần Đáng cảnh báo tình trạng TPCN giả, TPCN kém chất lượng tung hoành trên thị trường, len lỏi vào các nhà thuốc đang ở mức báo động đỏ. “Có TPCN giả khi bẻ ra toàn là bột mì, bột mốc, rồi bột mì đổ khuôn thành viên phết tí mật ong bên ngoài, đóng lọ vào, dán nhãn thế là thành sữa ong chúa. Không những thế, nhiều cơ sở sản xuất TPCN nhỏ lẻ nấu TPCN như… nấu cám heo” - ông Đáng dẫn chứng.

Quá nhiều kẽ hở

Ông Trần Đáng cho biết lý do khiến người tiêu dùng trong nước còn nhiều hoài nghi đối với TPCN là do các sản phẩm thật - giả tràn lan trên thị trường trong khi nhà quản lý thiếu quy định và kiểm duyệt chặt chẽ. Cùng đó là việc phân phối TPCN thường thông qua bán hàng đa cấp, công dụng sản phẩm bị thổi phồng quá mức và giá bị đẩy lên cao hàng chục đến cả trăm lần giá trị thật.

Cũng theo ông Đáng, các nguy cơ mất an toàn về sản xuất TPCN đang bộc lộ rất trầm trọng do thiếu quy định phù hợp về điều kiện nguồn nguyên liệu, điều kiện về sản xuất, điều kiện về kiểm nghiệm và điều kiện về phân phối. Bên cạnh đó là thiếu quy định đánh giá tính chất lượng, tính an toàn, tính hiệu quả, chưa có chương trình đánh giá nguy cơ TPCN. “Các tiêu chuẩn bây giờ do DN đăng ký tự nghĩ ra và công bố. Đó là chưa kể hồ sơ sản phẩm chứng minh tác dụng chỉ dựa trên các sách, tài liệu đã viết chứ không có nghiên cứu cụ thể cho từng sản phẩm. Vì vậy, nhiều sản phẩm nói nguyên liệu từ cây dược liệu quý nhưng thực tế phân tích định lượng tìm hoạt chất chính thì lại không có hoặc có rất thấp… TPCN như vậy uống chỉ cho vui!”- ông Đáng nói.

Thừa nhận thực tế nhiều sản phẩm TPCN kém chất lượng vẫn đang được lưu hành trên thị trường, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết theo quy định hiện nay, khi công bố chất lượng TPCN, chỉ yêu cầu DN phải có xét nghiệm định tính chứ không yêu cầu định lượng hoạt chất. Ông Phong bày tỏ: “Vấn đề này Cục ATTP đã nhận được phản ánh, góp ý từ các nhà chuyên môn, cho rằng cần có quy định về việc xét nghiệm định lượng hoạt chất của nguyên liệu chứ không chỉ định tính”.

Ông Phong cũng thừa nhận hiện tiêu chuẩn chất lượng vẫn do DN tự công bố, tự chịu trách nhiệm sản phẩm. Các thành phần công bố dựa trên tài liệu khoa học, các nghiên cứu đã công bố về cây thuốc Việt Nam đặc biệt là không bắt buộc định lượng hoạt chất.

Sản xuất thực phẩm chức năng theo tiêu chuẩn GMP

Bộ Y tế mới đây ra Quyết định 4288/QĐ-BYT, ban hành tài liệu hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó có các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát chất lượng; các yêu cầu về nhân lực, cơ sở sản xuất và trang thiết bị; quy định về lấy mẫu, kiểm nghiệm sản phẩm và theo dõi độ ổn định sản phẩm.

Cùng với đó, Bộ Y tế đang xây dựng lộ trình quy định các cơ sở sản xuất TPCN phải đạt GMP, dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2018. Khi áp dụng tiêu chí GMP chắc chắn sẽ “trảm” được những DN yếu kém, góp phần ngăn chặn nạn làm giả TPCN.

Theo Ngọc Dung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên