MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực tế "trần trụi" về cuộc sống của hệ thiên niên kỷ điển hình ở Trung Quốc: Áp lực tứ bề, người giàu thì cứ giàu lên trong khi một số lại chọn cách "nằm im để phản đối"

07-08-2021 - 13:01 PM | Sống

Thực tế "trần trụi" về cuộc sống của hệ thiên niên kỷ điển hình ở Trung Quốc: Áp lực tứ bề, người giàu thì cứ giàu lên trong khi một số lại chọn cách "nằm im để phản đối"

Những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ đang đối mặt với những thực tế "không có màu hồng" như trong tưởng tượng.

Trung Quốc có dân số 1,3 tỷ người tại 22 tỉnh. Ít nhất 400 triệu người trong số họ là thế hệ millennial (thế hệ thiên niên kỷ).

Một báo cáo năm 2017 của HSBC cho thấy khoảng 70% thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc sở hữu một ngôi nhà, so với 40% thế giới thiên niên kỷ. Và đối với những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc chưa sở hữu nhà, báo cáo cho thấy cứ 10 người thì có 9 người dự định mua một căn.

Thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc về cơ bản không có khoản nợ vay sinh viên

Thế hệ thiên niên kỷ điển hình của Trung Quốc không vay vốn sinh viên.

Trên thực tế, nợ sinh viên hầu như không tồn tại ở Trung Quốc vì giáo dục đại học quá rẻ, Malmsten từ Daxue Consulting cho biết. Theo Times Higher Education, đại học ở Trung Quốc thường tốn từ 1.700 đến 3.500 đô la một năm.

Và nhiều thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc đã chuyển sang các học viện quốc tế để nâng cao trình độ học vấn. Khoảng 544.000 sinh viên Trung Quốc đã du học ở nước ngoài vào năm 2016, nhiều hơn gấp ba lần so với 179.800 người đã làm như vậy vào năm 2008. Các điểm đến hàng đầu bao gồm Mỹ, Anh và Úc.

Những người đi du học nước ngoài đều là những sinh viên đạt điểm cao nhất hoặc là con của những bậc cha mẹ giàu có - điều mà người Trung Quốc gọi là "phú nhị đại", hay thế hệ thứ hai giàu có.

Thực tế trần trụi về cuộc sống của hệ thiên niên kỷ điển hình ở Trung Quốc: Áp lực tứ bề, người giàu thì cứ giàu lên trong khi một số lại chọn cách nằm im để phản đối - Ảnh 1.

Thời đại mới có những cơ hội đi cùng nhiều thách thức (Ảnh: Getty)

Với rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, thị trường việc làm không màu hồng như tưởng tượng

Các thị trường lao động ở Trung Quốc đang tràn ngập bởi số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, gây khó khăn cho Millennial để tìm việc làm.

Tổng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã giảm xuống còn 5% vào tháng 5, nhưng các báo cáo cho biết rằng mặc dù có rất nhiều vị trí trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ việc làm phù hợp cho các cả nhân.

Ví dụ, gần một phần ba số công nhân tại một nhà máy sản xuất thuốc lá là sinh viên tốt nghiệp từ một số trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, tờ South China Morning Post đưa tin.

Zhang là một trong những người đã cố gắng thoát khỏi cuộc đua bằng cách bắt đầu kinh doanh của riêng mình. Anh rời bỏ công việc Giám đốc nhân sự và đồng sáng lập một công ty thử nghiệm máy móc với giáo sư đại học của mình vào năm 2017. Công việc mới trả cho anh ấy khoảng 1.500 USD một tháng.

"Nó thoải mái hơn nhiều - tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho vợ con", anh cho biết.

Tình trạng kiếm được 10 đồng tiêu hết 8

Theo một báo cáo của KPMG, mức lương trung bình của một thế hệ thiên niên kỷ ở Trung Quốc là khoảng 1.817 USD một tháng, tương đương 21.804 USD hàng năm .

Hai Rong, một nhân viên kế toán 30 tuổi, có thể tiết kiệm 70% trong số tiền lương 1.500 USD hàng tháng của cô vì chồng cô làm việc ở một thành phố khác gửi khoảng 1.200 USD một tháng để chu cấp cho gia đình. Cô dành phần lớn tiền cho thực phẩm và chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Giống như nhiều thế hệ thiên niên kỷ ở Trung Quốc, cặp vợ chồng này đang nợ nần chồng chất, phải trả khoản vay mua nhà khoảng 46.000 USD. Trung bình, thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc nợ hơn 20.000 USD cho các tổ chức cho vay và cấp tín dụng, theo Tencent News.

Malmsten, Giám đốc tiếp thị của Daxue Consulting, cho biết phần lớn khoản nợ này đến từ các khoản vay để mua các mặt hàng có giá trị lớn như nhà cửa hoặc ô tô. Một căn hộ cơ bản ở các thành phố lớn "cấp 1" như Bắc Kinh có thể lên tới 1 triệu USD.

Thực tế trần trụi về cuộc sống của hệ thiên niên kỷ điển hình ở Trung Quốc: Áp lực tứ bề, người giàu thì cứ giàu lên trong khi một số lại chọn cách nằm im để phản đối - Ảnh 2.

Các thương hiệu xa xỉ có doanh số bán hàng lớn ở Trung Quốc trong số những người trẻ tuổi (Ảnh: Getty)

Áp lực thành công gắn liền với của cải vật chất như xe hơi và nhà cửa

Đối với thế hệ thiên niên kỷ điển hình của Trung Quốc, định nghĩa về thành công tốt nhất được tóm gọn trong một từ:孨. Đây là một thuật ngữ được đặt ra vào năm 2012 để chỉ ba trụ cột quan trọng của sự thành công bao gồm: Nhà (房子), xe hơi (车子) và vợ (妻子).

"Khái niệm có một gia đình, một ngôi nhà và một chiếc xe hơi để được coi là thành công có vẻ lạc hậu, nhưng đó vẫn là điều mà nhiều người đang phải lo lắng", Gu Guoli, 34 tuổi, cho biết.

Anh làm việc trong một công ty khởi nghiệp công nghệ và đã mất gần 15 năm để dành dụm tiền đặt cọc mua nhà ở Bắc Kinh.

"Tôi có vợ, một ngôi nhà, nhưng không có xe hơi. Mặc dù sống gần giữa thành phố Bắc Kinh và không nhất thiết phải có xe cộ nhưng đó vẫn là áp lực lớn đối với chúng tôi”, Gu nói.

Mua sắm trực tuyến đã trở thành một trò tiêu khiển: 77% người được hỏi cho biết mua sắm trên Taobao là hoạt động giải trí yêu thích của họ

Người ta ước tính rằng hơn 90% thế hệ thiên niên kỷ ở Trung Quốc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Tencent, Alibaba Group, JD, Baidu và Meituan đã tạo ra một hệ sinh thái trực tuyến của riêng họ.

Mua sắm trên Taobao trên thực tế cũng đã trở thành một “trò tiêu khiển”, 77% người Trung Quốc được hỏi trong một cuộc khảo sát KPMG năm 2017 chọn đây là hoạt động giải trí yêu thích của họ.

Những mặt hàng được bán trên Taobao có giá cả phải chăng. Với 50 USD, bạn có thể mua khoảng 10 đến 15 món đồ khá tốt. Nó đủ để hầu hết mọi người thỏa mãn "cơn thèm" mua sắm. Và nếu bạn quá buồn chán, thì việc xem các buổi phát trực tiếp mua sắm trực tuyến là một loại hình giải trí.

Thế hệ yêu thích các thương hiệu xa xỉ và dự kiến ​​sẽ chiếm một phần đáng kể thị trường xa xỉ toàn cầu vào năm 2024

Một báo cáo do Tập đoàn Tư vấn Boston và Tencent công bố vào tháng 9 năm 2018 đã cho thấy rằng khách hàng Trung Quốc vào năm 2024 sẽ chiếm 40% tổng lượng hàng hóa xa xỉ được bán trên toàn cầu và một phần lớn trong số đó (58%) sẽ là những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ.

Daxue Consulting cho biết các bà mẹ thuộc thế hệ millennial nằm trong nhóm người tiêu dùng cốt lõi của công ty. Tuy nhiên, một số người cho biết họ hiếm khi chi tiền cho những món hàng xa xỉ, thói quen này chỉ phổ biến ở những người giàu có.

Những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ trì hoãn việc kết hôn cho đến cuối những năm 20 tuổi hoặc hoàn toàn không kết hôn

Những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc có thể tham gia các trang web hẹn hò như TanTan nhưng rất có thể họ sẽ kết hôn ở độ tuổi muộn hơn cha mẹ của họ.

Độ tuổi kết hôn trung bình của người dân Thượng Hải đã tăng lên kể từ năm 2010. Năm 2019, độ tuổi kết hôn trung bình đối với nam là 30 và nữ là 28. Vào năm 2016, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của một phụ nữ Trung Quốc là 25. Đối với nam giới là 27.

Điều này hoàn toàn trái ngược với thế hệ cha mẹ của họ. Năm 1982 , điều tra dân số của quốc gia này cho thấy một nửa số phụ nữ Trung Quốc đã kết hôn trước khi họ bước sang tuổi 22. Nam giới phần lớn kết hôn ở tuổi 23.

Chính phủ Trung Quốc lo lắng rằng một số thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc không kết hôn. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từ năm 2013 đến năm 2019, số người Trung Quốc kết hôn đã giảm 41%, chỉ còn 13,9 triệu người từ 23,8 triệu người .

Thực tế trần trụi về cuộc sống của hệ thiên niên kỷ điển hình ở Trung Quốc: Áp lực tứ bề, người giàu thì cứ giàu lên trong khi một số lại chọn cách nằm im để phản đối - Ảnh 3.

Đối với nhiều người cuộc sống có quá nhiều áp lực (Ảnh: Getty)

Phụ nữ thuộc thế hệ thiên niên kỷ chọn thú cưng thay vì xe đẩy và tự do trong gia đình

May Yee Chen, chuyên gia của công ty nghiên cứu tiếp thị Wunderman Thompson, cho biết vào năm 2020, Trung Quốc đạt hai mốc nhân khẩu học trong một năm: Tỷ lệ sinh thấp trong lịch sử và tỷ lệ kết hôn thấp nhất trong hai thập kỷ.

Chen nói: “Đây là một phần của xu hướng dài hạn khi ngày càng có nhiều phụ nữ độc lập về tài chính và những kỳ vọng thay đổi trong cuộc sống. Trong xu hướng tiêu dùng, tỷ lệ chi tiêu cho thú cưng nhiều hơn cho con cái".

Xu hướng từ chối cuộc đua và "nằm im" để phản đối

Zhang Zhiyuan, 27 tuổi, đang thất nghiệp, cho biết anh là một tín đồ của "phong trào nằm phẳng".

"8 giờ sáng có nghĩa là đã đến lúc nằm xuống", anh cho biết. "Tôi không có việc phải làm, vì vậy tôi có thể nằm xuống bất cứ lúc nào. Điều đó thật tuyệt”.

Zhang không phải là người duy nhất chọn cách nằm im. Đó là một cuộc nổi dậy chống lại lối sống siêu cạnh tranh mà thế hệ thiên niên kỷ ở Trung Quốc phải đối mặt.

“Triết lý nằm phẳng” song hành với văn hóa "hối hả" của Trung Quốc, nơi mọi người làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần . Phong cách sống 9-9-6 được Jack Ma, người sáng lập Alibaba, ủng hộ mạnh mẽ, người từng gọi coi làm việc 72 giờ một tuần là "may mắn".

Zhang cho biết: “Kể từ khi tôi chuyển đến Thượng Hải định cư cách đây 4 năm, tôi đã gửi hơn 2.000 đơn xin việc và tham gia hàng trăm cuộc phỏng vấn. Tôi đã nhận được một công việc tại một công ty kế toán sau 2 năm tìm kiếm việc làm, nhưng tôi đã từ chức sau 4 tháng. Lối sống đó không dành cho tôi”.

Nguồn: Insider

Thuỳ Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên