Thúc tiến độ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết 14.000 tỷ đồng, bất động sản Bình Thuận "chờ sóng"
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Tp.HCM và Phan Thiết chỉ còn 2 tiếng. Việc rút ngắn thời gian di chuyển đáng kể sẽ giúp thành phố biển này thu hút lượng khách hàng khổng lồ tại Tp.HCM lựa chọn bất động sản nghỉ dưỡng, giải trí làm ngôi nhà thứ hai (second homes).
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến 99km, với tổng mức vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 14 nghìn tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự kiến khoảng 36 tháng. Theo thông tin mới nhất, sau gần 5 năm chuẩn bị, toàn bộ các thủ tục pháp lý và chuẩn bị của dự án như: nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, bố trí nguồn vốn, chấp thuận chủ trương đầu tư,… đều đã được hoàn thành. Được biết, đơn vị tư vấn thi công cho dự án này là nhà thầu Castalia Limited (New Zealand) - một trong những công ty tư vấn thi công uy tín nhất trên thế giới.
Mới đây, ngày 10/10, tại TP.Long Khánh, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận về triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Dầu Giây - Phan Thiết.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng dự án Dầu Giây - Phan Thiết đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi khi hoàn thành, dự án sẽ giải quyết được áp lực giao thông trên QL1. Bộ rất sốt ruột đối với công tác giải ngân nhưng công tác thực hiện giải phóng mặt bằng và giải ngân ở Đồng Nai chưa đạt yêu cầu. Lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo đoạn Dầu Giây - Phan Thiết là dự án được ưu tiên số một để làm sao sớm được khởi công nhằm khơi thông cửa ngõ, giải quyết ách tắc trên QL1A hiện hữu nên công tác bàn giao mặt bằng cần được thực hiện khẩn trương.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá cao công tác giải ngân phục vụ công tác GPMB các tuyến cao tốc qua Bình Thuận. Hiện, công tác giải ngân vốn của tỉnh diễn ra nhanh, đang thiếu vốn vì vậy trong tháng 11, Bộ GTVT tiếp tục bố trí vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh.
"Đối với tỉnh Đồng Nai, chúng tôi cũng rất chia sẻ với tỉnh về việc trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm như: sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành… nên khối lượng công việc giải phóng mặt bằng rất lớn. Tuy nhiên, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là dự án trọng điểm đã có quy hoạch từ lâu, khi hoàn thành sẽ tháo gỡ "nút thắt" giao thông và tạo sự đột phá bộ mặt mới cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó công tác giải phóng mặt bằng cần được đẩy nhanh tiến độ và giải ngân dự án", ông Kiên nhấn mạnh.
Có thể thấy, hiện chính phủ và các bộ, ngành đang dành mọi nguồn lực để thúc đẩy tiến độ, sớm khởi công tuyến cao tốc huyết mạch Dầu Giây - Phan Thiết. Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Tp.HCM và Phan Thiết chỉ còn 2 tiếng. Việc rút ngắn thời gian di chuyển đáng kể sẽ giúp thành phố biển này thu hút lượng khách hàng khổng lồ tại Tp.HCM lựa chọn bất động sản nghỉ dưỡng, giải trí làm ngôi nhà thứ hai (second homes). Đây là đòn bẩy khổng lồ khiến Bình Thuận thu hút hàng loạt các siêu dự án trong năm 2019.
Cụ thể, trong hội nghị xúc tiến đầu tư gần đây, UBND tỉnh Phan Thiết đã chính thức ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn lên tới 19 tỷ USD và 30.696 tỷ đồng. Đây được xem là nguồn vốn khổng lồ chưa từng có trong lịch sử của bất cứ thành phố du lịch nào của Việt Nam. Trong số các dự án này, có nhiều dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo của thị trường du lịch Phan Thiết như Mũi Né Summerland Resort, Novaworld, Hamubay,…
Quan sát thực tế cho thấy, cùng với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, hệ thống giao thông, hạ tầng kết nối Bình Thuận với các tỉnh lớn phía Nam được đầu tư mạnh mẽ, khiến không chỉ thị trường BĐS Phan Thiết, Mũi Né tiếp tục tăng trưởng mà những khu vực còn "ngủ quên" như Kê Gà (Hàm Thuận Nam), Lagi,... cũng được đánh thức.
Tại Kê Gà, nổi bật nhất là Tổ hợp du lịch - giải trí - nghỉ dưỡng & thể thao biển Thanh Long Bay mới được Tập đoàn Nam Group ra mắt thị trường. Dự án tọa lạc mặt tiền tuyến đường biển quốc gia 719B, ôm trọn 1,7km đường bờ biển trong vịnh Hòn Lan với quy mô lên đến 90ha, tích hợp 12 phân khu tiện ích với điểm nhấn là trung tâm thể thao biển tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất Việt Nam. DKRA Vietnam, tổng đại lý tiếp thị & phân phối Thanh Long Bay cho biết, khu căn hộ biển Wyndham Coast tại đây có giá từ 1,38 tỷ đồng, nội thất hoàn thiện, sở hữu lâu dài, thời gian lên đến 4 năm, đợt đầu chỉ 10%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ sở hạ tầng vốn có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của du lịch và bất động sản trong khu vực. Điển hình từ năm 2015, khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khánh thành, giá đất Long Thành (Đồng Nai) tăng từ 20 - 40% so với giai đoạn 2012 - 2013, thậm chí có nơi tăng trên 60% cùng với thông tin quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành. Còn Bình Thuận cũng thống kê được mức tăng lượng du khách mỗi năm gần như gấp đôi so với thời điểm trước khi có cao tốc.
Đây cũng là lý do giải thích tại sao thời gian gần đây khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và sân bay Phan Thiết chuẩn bị khởi công tạo làn sóng mạnh mẽ đầu tư vào Bình Thuận của các doanh nghiệp BĐS lớn, theo sau đó là các sàn giao dịch bất động sản, nhà đầu tư khiến vùng đất Bình Thuận ngày càng sôi động, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2019 - 2020.