MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực trạng đáng báo động: Người gốc Á đang trở thành nạn nhân của tội ác kỳ thị trên khắp thế giới

22-03-2021 - 15:43 PM | Tài chính quốc tế

Thực trạng đáng báo động: Người gốc Á đang trở thành nạn nhân của tội ác kỳ thị trên khắp thế giới

Vụ thảm sát 3 tiệm mát xa ở Mỹ, khiến 8 người thiệt mạng trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng tội phạm bắt nguồn từ sự thù ghét chủng tộc nhằm vào người da vàng.

Tội phạm nhằm vào người châu Á bắt nguồn từ sự thù ghét không còn là điều xa lạ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bùng lên và lan ra toàn cầu. Không chỉ ở Mỹ, từ Anh đến Australia đều có báo cáo về tội ác chống lại người phương Đông, cụ thể là người tới từ khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Tỷ lệ tội phạm tăng lên theo dịch.

Ít nhất 11 người gốc Đông và Đông Nam Á nói với CNN rằng họ chính là nạn nhân của các vụ tấn công xuất phát từ tình trạng phân biệt chủng tộc và bài ngoại, chẳng hạn như bị xa lánh trên phương tiện công cộng, bị xúc phạm bằng lời nói hay thậm chí bị tấn công bạo lực.

Trong năm qua, một số chính trị gia phương Tây liên tiếp nhấn mạnh mối liên hệ giữa Trung Quốc và sự bùng phát đại dịch Covid-19 cũng như đưa ra nhiều luận điệu chống lại quốc gia này. Chính điều đó khiến người Trung Quốc và người Đông Nam Á trở thành các mục tiêu của nạn phân biệt chủng tộc ở nhiều nơi trên thế giới.

Thực trạng đáng báo động: Người gốc Á đang trở thành nạn nhân của tội ác kỳ thị trên khắp thế giới - Ảnh 1.

Tuy nhiên, những số liệu được đưa ra có lẽ chưa phải điều tồi tệ nhất. Các quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Đức và Bỉ không thu thập dữ liệu nhân khẩu học trong các vụ việc, điều đó dẫn tới khó khăn trong việc xác định chính xác quy mô của tình trạng kỳ thị người gốc Á trên khắp thế giới.

Theo số liệu ở Vương quốc Anh, cảnh sát Thủ đô London đã xác định 200 vụ tội phạm bắt nguồn từ thù hận chống lại người gốc Á xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9/2020, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước.

Peng Wang, một giảng viên tại trường Đại học Southampton ở miền nam nước Anh cho biết anh bị nhóm 4 người đàn ông hành hung khi chạy bộ gần nhà vào một buổi chiều giá lạnh. Những người đàn ông đó la hét những lời chế nhạo về chủng tộc, bao gồm cả "virus Trung Quốc". Wang phản kháng khiến họ xuống xe, tấn công bạo lực và bỏ đi sau khi nạn nhân ngã xuống đất.

Thực trạng đáng báo động: Người gốc Á đang trở thành nạn nhân của tội ác kỳ thị trên khắp thế giới - Ảnh 2.

Dù chỉ bị thương nhẹ nhưng nhưng Wang cảm thấy lo sợ khi ra khỏi nhà cũng như tương lai của mình ở Vương quốc Anh, đặc biệt là sự an toàn của cậu con trai nhỏ. Wang, 37 tuổi, là một giáo sư đại học. Ông cho biết: "Những gì mà mấy gã đàn ông đó làm không nên xảy ra ở xã hội ngày nay. Họ đối xử với tôi như một con vật".

Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện vào tháng 6 cho thấy ¾ số người gốc Hoa tại Anh từng bị miệt thị chủng tộc.

Khi đại dịch hoành hành ở khắp châu Âu, các nhà hoạt động ở Tây Ban Nha và Pháp bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về sự gia tăng bạo lực đối với người châu Á. Những vụ tấn công thường xuyên được báo chí đưa tin có lẽ là sự thật không thể chối cãi. Nhiều nhà lập pháp hay quan chức cũng đã lên tiếng về tình trạng này.

Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn rất nan giải. Susane Ye, một nhà báo người Tây Ban Nha 29 tuổi – người đã thực hiện 1 một bộ phim tài liệu về cộng đồng người Hoa ở nước này vào năm 2019, nói rằng bạo lực nhằm vào người châu Á đã bị "bình thường hóa" tới mức báo chí đưa rất ít tin về chúng.

"Đối với nhiều người, đó không phải vấn đề quan trọng vì các nhà báo không sống ở các cộng đồng ấy hay cũng không quan hệ với các thành viên của cộng đồng ấy. Họ không có quan điểm chống phân biệt chủng tộc và họ cũng không biết về cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống trong cộng đồng của họ", Ye cho biết.

Thực tế, đại dịch Covid-19 khiến những thông tin về kỳ thị chủng tộc được lan truyền rộng rãi hơn. Dẫu vậy, với những người như Kay Leong, bị kỳ thị đã trở thành điều cô phải đối mặt suốt nhiều năm qua.

Thực trạng đáng báo động: Người gốc Á đang trở thành nạn nhân của tội ác kỳ thị trên khắp thế giới - Ảnh 3.

Kay kể lại một người bán hoa hồng trên phố hét ‘coronavirus’ và từ chối bán hoa cho cô ngay giữa thủ đô London của Vương quốc Anh. "Tôi không đến từ Trung Quốc nhưng tôi tin chắc tất cả người châu Á đều sẽ cảm thấy bối rối khi phải đối mặt với kiểu phân biệt chủng tộc này. Điều này không phải mới với tôi. Tôi phải đương đầu với nạn kỳ thị kể từ khi tới London học vào năm 2016", Kay kể lại.

Kate Ng, cô gái 28 tuổi người Malaysia gốc Trung Quốc, đang là phóng viên của tờ The Independent. Theo Kate, trong khi các vụ tấn công chủng tộc nhằm vào người gốc Á ở Mỹ đang được chú ý thì tình trạng này dường như chẳng mấy nổi bật ở Anh.

"Tôi muốn đi ra ngoài một mình khi có đông người trên đường phố. Tuy nhiên, tôi tự hỏi bản thân mình rằng, liệu tôi có nguy cơ bị bạo hành hay miệt thị hay không", Kate kể về nỗi sợ thường trực của bản thân cô và những người gốc Á khác.

Việc "bình thường hóa" tội ác bắt nguồn từ sự thù ghét chủng tộc nhằm vào người châu Á đang trở thành một trong những vấn đề được các nhóm hoạt động tỏ ra quan ngại. Vụ thảm sát 3 quán mát xa ở Mỹ, trong đó 6/8 nạn nhân là người châu Á, gióng lên một hồi chuông cảnh báo rằng nếu nạn kỳ thị tiếp tục bị coi nhẹ, máu người châu Á vô tội vẫn sẽ tiếp tục đổ xuống ở những quốc gia phương Tây.

Linh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên