Thực trạng nhà ở xã hội tại Việt Nam ra sao trước khi có đề xuất nâng chuẩn, hướng tới cả “người chưa giàu”?
Cả nước mới hoàn thành 40.600 căn nhà ở xã hội, tương đương hơn 4% mục tiêu 1 triệu căn hộ năm 2030 theo đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng mới đây đã nêu hạn chế lớn nhất khiến doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam này chưa đạt được bao nhiêu trong mục tiêu xây 500.000 căn nhà ở xã hội.
Vingroup đang nỗ lực hướng tới mục tiêu 500.000 căn nhà ở xã hội nhưng chưa đạt bao nhiêu, Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng trải lòng trong một sự kiện của Thường trực Chính phủ mới đây.
Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, hiện hoàn thành bao nhiêu?
Cách đây 2 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp bất động sản cam kết xây 1,3 triệu căn nhà ở xã hội. Trong đó, Vingroup cam kết xây 500.000 căn, Novaland nhận nhiệm vụ xây 200.000 căn.
Đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ra Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn, hoàn thành khoảng 634.200 căn trong thời gian còn lại.
Số căn nhà ở xã hội đang thực hiện ở mức 561.000 căn hộ, tuy nhiên số căn hoàn thành ở mức rất thấp.
Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần chiều 21/9/2024, cả nước đang thực hiện 619 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 561.000 căn hộ. Trong đó, hơn 400.000 căn đang ở giai đoạn chấp thận chủ trương dự án. Số căn hoàn thành là 40.600 căn, tương đương hơn 4% mục tiêu đề án 1 triệu căn hộ tới năm 2030.
“Phần nhiều các dự án mới đang ở bước xin chủ trương đầu tư, chưa tập trung vào giai đoạn xây dựng và hoàn thiện, vì vậy sẽ khó để hoàn thành chỉ tiêu NOXH giai đoạn 2021-2025 (hoàn thành 435.000 căn hộ)”, báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Vì đâu gặp khó?
“Hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là nội dung về 10% lợi nhuận”, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết.
Theo ông Vượng, các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì hàng tồn chỉ chừng 5% - 7%, cộng thêm bán chậm 1-2 năm là lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải kinh doanh.
Người đứng đầu Vingroup đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục. Ông Vượng cũng đề xuất cho phép chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung, phân khu, quy hoạch chi tiết, nghiệm thu đề án được làm song song, qua đó rút ngắn được từ 6 - 9 tháng cho quy trình.
Các vướng mắc khác theo tổng hợp của VDSC là quỹ đất và vốn. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (mục đích hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội) giải ngân vẫn chậm và nhiều dự án chưa nhận được hỗ trợ tài chính kịp thời. Tính đến tháng 6/2024, gói này đã giải ngân 1.344 tỷ đồng, tương đương 1,12% tổng gói tín dụng.
Bên cạnh đó, dù nhà ở xã hội hướng tới người thu nhập thấp, đối tượng này vẫn khó tiếp cận, khi mức thu nhập bình quân chỉ 7 – 8 triệu đồng/tháng, theo VDSC.
“Cửa ra” cho nhà ở xã hội nhìn từ Hải Phòng
Trong bối cảnh nhiều dự án nhà ở xã hội bị ế, Hoàng Huy New City - một dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng – đã bán được 99% số căn sau mở bán giai đoạn 1.
Dự án đặt tại huyện Thủy Nguyên, giá bình quân 14,1 triệu đồng/m2, hơn 80% người mua không phải người thu nhập thấp.
Với diện tích mỗi căn 63m2, giá bán bình quân 14,1 triệu đồng/m2, giá bán bình quân cho mỗi căn hộ ước tính hơn 888 triệu đồng. Giả sử vay mức tối đa 80% giá trị hợp đồng cùng việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ mua nhà với mức lãi suất ưu đãi hơn 8%, VDSC tính toán số tiền lãi phải trả là 4,9 triệu đồng/tháng (tức hơn 50% thu nhập, chưa tính tới trả gốc).
Bên cạnh đó, thời gian vay ưu đãi chỉ giới hạn trong vòng 5 năm, vì vậy người vay có thể chịu rủi ro lãi suất cao khi kết thúc thời gian ưu đãi.
Liên quan đến đối tượng mua nhà, Chủ tịch Vingroup mới đây đề xuất nâng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, không chỉ là nhà ở cho người nghèo, mà là nhà ở cho người chưa giàu và cho công dân bình thường.
Vị tỷ phú nhìn nhận người dân hiện nay nghèo nhưng có thể sau họ lại có tiền mua ô tô, xe máy. Với tầm nhìn đó, nhà ở cũng phải có chỗ để xe, vui chơi cho trẻ con, tiện ích cho người già.
“Chúng ta nâng tiêu chuẩn nhà ở xã hội lên một chút thành nhà ở bình thường. Nếu được nữa thì cho phép đổi tên, không gọi là “Nhà ở xã hội” nữa mà là “Nhà ở Chính phủ” chẳng hạn, tức được Chính phủ hỗ trợ”, ông Vượng nói.
Thương hiệu nhà ở xã hội của Vingroup mang tên Happy Home, hiện đang triển khai các dự án tại TPHCM, Hải Phòng, Khánh Hòa, trong đó Happy Home Nam Tràng Cát (Khánh Hòa) dự kiến mở bán vào cuối năm 2024.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đầu tháng 9/2024, Hải Phòng là địa phương đi đầu cả nước về triển khai nhà ở xã hội, nhận định.
Ngoài Hoàng Huy New City, đến tháng 8/2024, hai khu nhà ở xã hội khác đủ điều kiện mở bán tại Hải Phòng là khu 384 Lê Thánh Tông (quận Ngô Quyền), quy mô gần 1.300 căn, giá bán từ 18,9 triệu đồng/m2; và KĐT dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ (huyện An Dương), quy mô hơn 2.500 căn, giá bán 16,1 triệu đồng/m2.
Theo Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, Hải Phòng được giao hoàn thành 33.500 căn từ nay đến năm 2030. Từ năm 2022 đến nay, địa phương này khởi công và đang xây dựng 9 dự án với tổng số trên 15.000 căn, dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành xong phần thô, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2021 – 2025 là 15.400 căn, dự kiến vượt chỉ tiêu phát triển 33.500 căn nhà ở xã hội trước năm 2030.
Nhịp sống thị trường