Thuế doanh nghiệp toàn cầu 'đáng sợ' thế nào với các công ty như Coca Cola, Pepsi: Buộc phải nộp mức thuế tối thiểu 15%, tiền sắp ào ào chảy vào túi các chính phủ
Những công ty như Coca Cola sắp hết đường trốn thuế sau khi G7 thống nhất thỏa thuận "Thuế doanh nghiệp toàn cầu" tối thiểu 15%.
- 06-06-2021Đây là cách thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tàn phá các "thiên đường thuế"
- 29-05-2021Mỹ sẽ có thêm 700 tỷ USD trong thập niên tới từ mạnh tay với trốn thuế?
- 26-05-2021Cú sập Bitcoin làm lộ lỗ hổng thuế để nhà đầu tư lách luật
Mỹ, Anh và những quốc gia giàu có khác thuộc nhóm G7 vừa đạt được thỏa thuận lịch sử: Buộc các công ty đa quốc gia như Coca Cola, Amazon và Google phải trả nhiều tiền thuế hơn; Hạn chế việc các doanh nghiệp này chuyển lợi nhuận tới các thiên đường né thuế.
Theo thỏa thuận kể trên, hàng trăm tỷ USD có thể chảy vào túi của những chính phủ vốn đang kiệt quệ vì Covid-19.
Cụ thể, nhóm các nước G7 đã thống nhất tiến tới thỏa thuận "thuế doanh nghiệp toàn cầu" ở mức tối thiểu 15%.
Thỏa thuận lịch sử này đến sau 8 năm đàm phán và tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ trong những tháng gần đây sau đề xuất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Các Bộ trưởng tài chính G7 đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu với mục đích đưa nó trở nên phù hợp hơn với kỷ nguyên kỹ thuật số toàn cầu", Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak nói.
100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi Thuế doanh nghiệp toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thì cho rằng: "Cam kết đặc biệt quan trọng và chưa từng có trong tiền lệ này sẽ chấm dứt thứ gọi là ‘cuộc đua xuống đáy’ trong thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu".
Bộ trưởng tài chính Đức Olaf Scholz nói rằng thỏa thuận này "là tin xấu đối với những thiên đường né thuế toàn thế giới".
"Những gì tôi nhìn thấy trong suốt thời gian có mặt tại cuộc họp của G7 là sự hợp tác sâu sắc và khát vọng phối hợp và giải quyết những vấn đề toàn cầu nhiều hơn", bà Yellen nói thêm.
Phản hồi sau khi thỏa thuận kết thúc, đại diện Facebook nói rằng họ dự kiến sẽ phải trả nhiều thuế hơn, ở nhiều quốc gia hơn.
Nick Clegg, Phó Chủ tịch Facebook phụ trách các vấn đề toàn cầu, đồng thời là cựu Phó Thủ tướng Anh, nói: “Chúng tôi muốn quá trình cải cách thuế quan quốc tế diễn ra thành công, nhưng cũng phải thừa nhận rằng điều này cũng đồng nghĩa với việc Facebook sẽ phải đóng nhiều thuế hơn và ở nhiều nơi khác nhau”.
Hết đường "né thuế"
Rõ ràng, thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới những gã khổng lồ đa quốc gia như Apple, Facebook hay Coca Cola. Lấy ví dụ như việc Coca Cola nhiều năm liền kê khai lỗ ở Việt Nam. Thậm chí, các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai số lỗ "khủng".
Đến năm 2013, công ty này bắt đầu kê khai lãi 150 tỉ đồng và tiếp tục lãi 350 tỉ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, do doanh nghiệp được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên đến thời điểm đó Công ty Coca-Cola Việt Nam vẫn chưa phải nộp thuế TNDN.
"Bí quyết" để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
Trên thực tế việc các doanh nghiệp toàn cầu chuyển giá nhằm trốn thuế không chỉ ở Việt Nam mà vấn đề đang gây đau đầu cho nhiều quốc gia. Chính vì vậy, thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu được cho sẽ là công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.
Bà Yellen cho biết động thái này sẽ "giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh, bằng tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp và khuyến khích các nước cạnh tranh trên những cơ sở tích cực".
Người phát ngôn của "gã khổng lồ" bán lẻ trực tuyến Mỹ Amazon cho biết kế hoạch đánh thuế của G7 là "một bước tiến đáng hoan nghênh. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy các cuộc thảo luận tiến triển với G20 và liên minh bao trùm rộng hơn".
Còn Google tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ việc cập nhật các quy tắc đánh thuế quốc tế. "Chúng tôi hy vọng các quốc gia tiếp tục phối hợp để đảm bảo một thỏa thuận cân bằng và lâu dài sẽ sớm được hoàn tất", người phát ngôn Google cho biết.
Tin xấu với thiên đường thuế
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói rằng thỏa thuận này là tin xấu với các 'thiên đường thuế' trên thế giới. "Các doanh nghiệp sẽ không còn ở vị trí mà họ có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách kiếm lời ở những quốc gia đánh thuế thấp nhất" - ông Olaf Scholz nói.
Nguồn: CNN, Reuters
Doanh nghiệp và tiếp thị