MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuế ô tô giảm - Doanh nghiệp Việt gặp khó

Trước sức ép cạnh tranh khi thời điểm thuế suất ô tô giảm về 0% đang đến càng làm doanh nghiệp ô tô thêm chồng chất khó khăn.

Thực thi cam kết của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN, Việt Nam đã thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ 40% của năm ngoái xuống 30% của năm nay và từ năm 2018 sẽ là 0%. Theo đó, khi thuế nhập khẩu về 0%, nhiều ô tô lắp ráp từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia sẽ tràn vào Việt Nam và gây sức ép lớn cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, thị trường ô tô Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao, khoảng 40%/năm. Riêng trong năm 2016, lượng xe mới đưa vào lưu thông trên thị trường đạt gần 460.000 chiếc, trong đó, số lượng xe sản xuất trong nước là hơn 340.000 chiếc, nhập khẩu gần 119.000 chiếc.


Thuế nhập khẩu về 0% đang gây sức ép lớn cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)

Thuế nhập khẩu về 0% đang gây sức ép lớn cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)

Hiện tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô của cả nước đạt khoảng 500.000 xe/năm, trong đó có 12 hãng xe nước ngoài, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước… Những con số này cho thấy, nhu cầu của thị trường ô tô còn rất lớn, được dự báo lên tới 400.000 xe vào năm nay.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ một số thị trường truyền thống sẽ về mức 0%. Điều này tạo sức ép lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe trong nước. Theo đó, các nhà sản xuất sẽ buộc phải cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống sản xuất khu vực, hoặc là tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất trong nước hay chấp nhận rút lui khỏi thị trường Việt Nam và chuyển sang làm thương mại đơn thuần.

Với thông tin thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam tỏ ra lo lắng khi doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để cạnh tranh với các sản phẩm của các nước trong khu vực.

“Đối với mảng xe du lịch sẽ phải lựa chọn, định hướng lại chiến lược sản xuất, lựa chọn lại một số dòng xe có sản lượng khá lớn để triển khai sản xuất trong nước, còn lại một số dòng xe khác có tính cạnh tranh không cao thì buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đối với dòng xe thương mại đang gặp khó khi chính sách sản xuất xe euro 4, euro 2 không được rõ ràng và cho đến bây giờ vẫn chưa có quyết định chính thức”, ông Hà cho biết.

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là tiềm năng, với tốc độ tăng bình quân đạt gần 40% trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, hiện nay, ngành sản xuất ô tô trong nước đang gặp nhiều khó khăn như giá thành cao, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, khả năng cạnh tranh và tỷ lệ nội địa hóa thấp; chất lượng xe có được cải tiến nhưng chưa bằng xe nhập khẩu.

Các doanh nghiệp trong nước phần lớn mới lắp ráp ở mức độ đơn giản, trước sức ép cạnh tranh khi thuế suất giảm về 0% đang đến gần sẽ khiến khó khăn thêm chồng chất khó khăn.

Trước tình hình này, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam rất cần có các giải pháp mang tính đột phá và sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ. Nếu không, những doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí là không tồn tại được.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, khi các dòng thuế liên quan đến ô tô bị giảm xuống, điều đầu tiên phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và tạo ra năng lực nội địa cũng như thay đổi thể chế là 3 yếu tố quan trọng nhất để có thể giúp cho ngành ô tô nói riêng cũng như các ngành chế biến chế tạo khác khi đứng trước nguy cơ giảm thuế để có thể tồn tại và cạnh tranh được.

Mới đây, tại cuộc họp với các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam để bàn về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam với mục tiêu duy trì sản xuất lắp ráp trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó sẽ hỗ trợ thị trường bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại như khai báo thuế; Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu; Hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng…; Cùng với đó tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp sản xuất linh kiện và phụ tùng.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí, Bộ Công Thương cho rằng, điều quan trọng nhất các doanh nghiệp ô tô cần là phải được hỗ trợ và làm chủ được thị trường.

“Điều này còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng khi ra nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải làm tốt công tác định hướng thị trường, trong một chừng mực nào đó có thể phải bảo hộ thị trường”, ông Sáng chỉ rõ.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn, để ngành ô tô của Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành các văn bản nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chênh lệch giá xe trong và ngoài nước bằng cách điều chính thuế tiêu thụ đặc biệt một cách phù hợp, nâng cao tính cạnh tranh, nếu không các nhà sản xuất trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh, thậm chí phá sản./.

Theo Chung Thủy

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên