MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuế tối thiểu toàn cầu - Bài 1: Xây tổ đón 'đại bàng'

Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ thực thi từ năm 2024. Đây là chương trình hành động chống “xói mòn” thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu với sự tham gia của 141 quốc gia.

Do đó, vấn đề đặt ra là với việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần có những chính sách, giải pháp nhằm ứng phó kịp thời để tiếp tục trở thành điểm sáng trong thu hút vốn FDI, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ.

Bài 1: Xây tổ đón “đại bàng”

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng. Theo đó, các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ chịu mức thuế suất tối thiểu 15%. Nhiều nước OECD tuyên bố sẽ thực hiện quy tắc thuế mới này từ đầu năm 2024.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), với 142 thành viên. Việt Nam đã tham gia và là thành viên thứ 100 của Diễn đàn BEPS từ năm 2017. Với việc tham gia BEPS từ khá sớm, đồng nghĩa với việc Việt Nam đã sẵn sàng cho sân chơi mới, hoàn cảnh mới, điều kiện mới trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Để hiểu đúng về Trụ cột 2 quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong nền kinh tế kỹ thuật số, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp 2 trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Trong đó, Trụ cột 1 quy định về phân bổ thuế đối với hoạt động kỹ thuật số, Trụ cột 2 quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Như vậy, Trụ cột 2 là giải pháp của các nước lớn, có dòng vốn đầu tư ra nước ngoài với mục đích kéo các tập đoàn đang hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại nước mẹ của tập đoàn; hạn chế việc tránh thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách tạo ra một mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu chung. Đồng thời, đánh thuế đối với phần chênh lệch giữa mức thuế tối thiểu chung với mức thuế thấp hơn mà công ty con đầu tư ở các nước khác.

Trụ cột 2 không bắt buộc các nước phải cùng nâng mức thuế suất lên 15% và đánh thuế bổ sung phần thuế suất chênh lệch. Trụ cột 2 chỉ đưa ra cơ chế để thu thuế trong trường hợp các tập đoàn có công ty con nộp thuế dưới mức 15% tại một quốc gia này sẽ bị đánh thuế bổ sung lên mức 15% ở quốc gia có công ty mẹ để bảo đảm đạt mức thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, ưu đãi thuế vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng để thu hút các nhà tư đến với Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, hiện thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất.

Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài như ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn.... Các ưu đãi thuế khiến cho thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ là 12,3%.

Do đó, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, khi áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, ngoài ưu đãi về đất đai, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thì công cụ hữu hiệu thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam từ trước đến nay vẫn là ưu đãi thuế.

“Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có những bất lợi cho Việt Nam vì những nỗ lực về ưu đãi thuế bị vô hiệu hóa. Nhà đầu tư bị thiệt hại do tăng chi phí thuế trong khi Việt Nam cũng bị mất quyền đánh thuế đối với chính thu nhập được tạo ra tại Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Hiện cả nước có 36.500 dự án đầu tư nước ngoài; trong đó, có trên 1.000 doanh nghiệp lớn và hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh sẽ chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Hàn Quốc đang là nước dẫn đầu về số lượng đầu tư và sau đó là Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).....

Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024. Vì vậy, nếu Việt Nam không ban hành mức thuế tối thiểu, vẫn để ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện hành thì các doanh nghiệp  Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng thuế này. Đồng thời, họ vẫn phải nộp bổ sung phần chênh lệch thuế suất thấp tại Việt Nam với thuế suất 15% về Hàn Quốc.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho hay, nếu trường hợp thuế tối thiểu toàn cầu được các quốc gia áp dụng vào năm 2024 thì các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp phần thuế được giảm ở Việt Nam về Hàn Quốc.

Theo ông Hong Sun, nếu như vậy những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm thu hút FDI sẽ bị “vô hiệu hóa”, do thuế doanh nghiệp tăng cao sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam.

Vì thế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, vấn đề đặt ra là Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích. Từ đó, vừa đảm bảo quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang, sẽ kinh doanh tại Việt Nam...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, chính sách nhất quán của Việt Nam trong suốt gần 35 năm mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có tính tiên lượng cao. Thời gian áp dụng quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu đang đến gần, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu các chính sách và giải pháp khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi rộng rãi.

Theo Thùy Dương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên