Thuốc thông minh - “thần dược” của giới trẻ và áp lực nặng nề về sự thành công trong xã hội Trung Quốc
Áp lực học tập và kì vọng thành công đang tạo nên một lớp giới trẻ Trung Quốc phụ thuộc vào thuốc thông minh.
Giống như nhiều học sinh trung học Trung Quốc, Xiao He từng mơ ước được bước chân vào cánh cổng của một trường đại học danh tiếng, tốt nghiệp bằng loại giỏi và có một công việc với thu nhập cao trong tương lai.
Một công việc mà có lẽ sẽ cho cô đặt chân vào một tòa nhà cao tầng lộng lẫy mà cô đã từng thấy ở các thành phố lớn.
Vì vậy, khi điểm số thi thử của cô không được như mong muốn, trước khi tham dự kì thi tuyển sinh đại học quốc gia Trung Quốc, Xiao He sẵn sàng thử bất kì mọi cách để vượt qua, thậm chí là cả việc sử dụng ma túy.
Mùa hè năm ngoái, Xiao He sử dụng Ritalin với liều lượng lớn. Đây là một loại thuốc kích thích chỉ được dùng theo kê đơn của bác sĩ để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và các tình trạng y tế tương tự.
Sau khi sử dụng một thời gian, cô trở nên nghiện methamphetamines, một loại ma túy tổng hợp được sản xuất, buôn bán và vận chuyển bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Tháng 10 năm ngoái, khi Xiao được chuyển đến trại cai nghiện, cô liên tục gặp ảo giác và tóc rụng thành từng lọn to.
Ban đầu, Xiao He mua Ritalin với sự giúp đỡ của cha mình. Sau đó, cô tự mua methamphetamines trên mạng mà không hề biết đó là chất gây nghiện.
Đối với cô, những viên thuộc nhỏ màu trắng này giúp cô tập trung hơn trong lớp học, thậm chí còn khiến cô thông minh và suy nghĩ nhanh hơn bình thường.
(Ảnh minh họa)
Bác sĩ Xu Jie tại Trung tâm phục hồi Công nghệ cao Bắc Kinh, người giám sát sự phục hồi của Xiao He nói rằng, ở Trung Quốc, thuốc thông minh thuộc 2 loại chính.
Một loại là amphetamines như Adderall, có cấu trúc hóa học tương tự methamphetamine, loại còn lại thường được gọi là nonamphetamine, là một chất có trong Ritalin.
Về mặt lý thuyết, rủi ro khi dùng Ritalin thấp hơn nhiều so với dùng Adderall. Tuy nhiên, Adderall không có sẵn ở bệnh viện nhưng luôn có cách để tìm được trên thị thường đen.
Tại Hoa Kỳ, các nghiên cứu được thực hiện trong vài năm qua đã chỉ ra rằng, một số lượng lớn đáng kể học sinh trung học Mỹ đã lạm dụng thuốc thông minh.
Ví dụ, một cuộc khảo sát năm 2018 của Viện Quốc gia về lạm dụng ma túy đã nghiên cứu thấy trong số gần 45.000 học sinh lớp 8, 10 và 12 có đến 4,6% học sinh lớp 12 đã uống Adderall và 0,9% sử dụng Ritalin mà không được kê đơn trong năm qua.
(Năm 2015, những con số này cao hơn, lần lượt là 7,5% và 2%.)
Các chuyên gia y tế Trung Quốc hiện đang cảnh báo rằng việc sử dụng thuốc thông minh hiện đang gia tăng đáng kể trong giới học sinh.
Điều này có thể liên quan đến áp lực phải thành công mà người Trung Quốc đang phải chịu đựng.
Trong 2 năm qua, bác sĩ Xu Jie đã tiếp nhận 61 bệnh nhân trẻ tuổi, có độ tuổi từ 17 đến 25, những người này đều bị nghiện sau khi uống thuốc thông minh.
Một phần ba trong số những người này là học sinh trung học năm cuối đang chuẩn bị đối mặt với kì thi đại học sinh tử.
Còn những người còn lại đều là những người đang phải chịu áp lực rất lớn khi bắt đầu sự nghiệp hay start-up.
Thực tế là Trung Quốc hiện đang thiếu nhận thức cộng đồng về thuốc thông minh và những rủi ro liên quan đến chúng.
Ví dụ, mặc dù các bác sĩ Trung Quốc thường kê toa Ritalin để điều trị ADHD, nhưng nhiều người vẫn không hiểu rõ về căn bệnh và có rất ít thông tin về tác dụng phụ.
Trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, nhiều người còn miêu tả Ritalin và các loại thuốc thông minh khác là một phương thuốc thần kì giúp tăng cường chức năng não trong các kì thi và các cuộc phỏng vấn.
Tuy nhiên, người ta không đề cập đến các tác dụng phụ như lo lắng, mất ngủ và rối loạn tâm thần. Nếu hiểu rõ được những rủi ro, chắc chắn sẽ không có một phụ huynh nào cho con cái sử dụng loại thuốc này.
Xiao lần đầu tiên biết đến những viên thuốc thông minh là khi cô tình cờ nghe thấy bạn bè thảo luận về việc nó đã giúp cải thiện kết quả học tập như thế nào.
Xiao ngay lập tức nhìn thấy cơ hội để khẳng định bản thân mình trước người cha nghiêm khắc.
Xiao nói rằng, ban đầu cha cô khá hoài nghi về những viên thuốc thông minh, thế nhưng vài ngày sau, ông trở về nhà với những viên thuốc.
Không ai trong số họ nhận thức được rằng đó là chất gây nghiện, thậm chí cô cũng không hỏi cha mình nguồn gốc xuất xứ của nó vì cô cảm thấy vui vẻ khi thành tích của mình bắt đầu leo cao.
"Không có thuốc, tôi không thể làm gì được. Tôi không tập trung được trong lớp và không thể ngủ vào ban đêm."
Khi mới bắt đầu sử dụng, Xiao He uống một viên mỗi ngày.
Nhưng vì không thấy sự khác biệt về điểm số, cô đã tăng liều lên thành 2 viên mỗi ngày mà không thông báo cho cha mẹ.
Sau khi tăng liều, Xiao cảm thấy mình có thể tập trung tốt hơn trong lớp và hiểu rất nhanh những gì giáo viên đang giảng.
Xiao không bao giờ nói với bạn bè hay giáo viên của mình rằng mình đang uống thuốc thông minh.
Điểm của cô ấy được cải thiện đôi chút, nhưng không nhiều. Trước một số kỳ thi quan trọng, Xiao đã tăng liều một lần nữa thành bốn hoặc năm viên mỗi ngày.
Tháng 12/2017, cha của Xiao lo lắng rằng con gái đang quá phụ thuộc vào thuốc nên đã ngừng mua nó.
Tuy nhiên, sau đó Xiao đã không thể tập trung trong lớp học, không thể ngủ vào ban đêm và liên tục cảm thấy mình đang gặp ảo giác.
Sau đó, Xiao đã lén lút lên mạng và tìm kiếm thuốc thông minh. Cô gặp được một người tự nhận là nhân viên bán hàng tại một công ty sản xuất chất kích thích cho mục đích giáo dục.
Ngay sau đó, Xiao đã chi 2000 NDT (khoảng gần 7 triệu đồng) tiền tiết kiệm để mua những viên thuốc. Những đơn thuốc này được gửi đến từ các tỉnh nội địa như Cam Túc, Tứ Xuyên, Quảng Tây mà không phải từ nước ngoài.
Các mẫu thuốc được trưng bày tại Trung tâm Phục hồi Công nghệ Cao Bắc Kinh ở Bắc Kinh.
Những viên thuốc này khác hoàn toàn so với những viên thuốc mà cha Xiao đã mua cho cô. Và sau khi sử dụng chúng, Xiao cảm thấy khá bất thường.
Cô thường xuyên bị buồn nôn, đổ mồ hôi trộm, khó ngủ và bắt đầu rụng tóc.
Vào đầu mùa xuân năm 2018, cha mẹ Xiao đã đưa cô đến gặp bác sĩ, tuy nhiên, lúc này cô vẫn không tiết lộ rằng mình đã uống thuốc thông minh mua ở trên mạng. Bác sĩ cho rằng vấn đề sức khỏe của cô là do thiếu ngủ nhiều ngày.
Sau đó, trong 4 tháng đầu năm 2018, các triệu chứng của Xiao đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Cân nặng của cô sụt giảm từ 50kg xuống còn 40kg.
Cô bắt đầu gặp ảo giác về thị giác và thính giác, mất cảm giác ngon miệng, thường xuyên cáu kỉnh và rụng tóc thành từng lọn to.
Và 1 tháng trước khi bước vào kì thi Đại học, Xiao phải dừng lại sự nghiệp học hành vì lí do y tế.
(Ảnh minh họa)
Tháng 10/2018, Xiao nhập viện tại chi nhánh Trùng Khánh của Trung tâm phục hồi Công nghệ cao Bắc Kinh.
Tại đây, cô biết rằng những viên thuốc mà cha cô mua cho chính là Ritalin. Các xét nghiệm máu cũng xác nhận rằng thuốc mà cô mua trên mạng có chứa methamphetamine.
Xiao kể lại rằng khi cha cô phát hiện ra cô sử dụng ma túy, ông đã rất tức giận và không đến thăm cô trong 1 tháng. Ông quyết định trừng phạt Xiao bằng cách để cô lại trong bệnh viện.
Do sự kì thị trong xã hội rất sâu sắc về chuyện sử dụng ma túy và nghiện ngập, nhiều thanh niên nghiện ma túy đã không chọn cách nhập viện ở Trung Quốc.
Phần lớn trong số họ cố gắng cai nghiện qua các phòng khám ngoại trú hoặc thuê chỗ ở gần tổ chức nơi họ đang điều trị cai nghiện.
Hu, một nhân viên tại trung tâm cai nghiện có trụ sở ở Chiết Giang nói rằng, các bậc cha mẹ thường không muốn con đến trung tâm cai nghiện vì họ coi đó là điều đáng xấu hổ, nhưng chính điều này cũng đã làm chậm quá trình phục hồi của họ.
Trong hai tháng phục hồi chức năng ở Trùng Khánh, Xiao đã uống thuốc chống nghiện và thuốc tăng cường nhận thức.
Cô cũng trải qua liệu pháp tâm lý để giảm bớt trầm cảm. Cuối năm 2018, các bác sĩ cho rằng cô đã cai nghiện thành công, tuy nhiên, những tác hại của việc nghiện ma túy trước đây của Xiao đã khiến cô bị suy giảm trí nhớ.
Có rất nhiều điều Xiao cố gắng để nhớ lại nhưng đều rất khó khăn.
Sau khi vào trại cai nghiện, Xiao đã thay đổi số điện thoại và cắt đứt mọi liên lạc với bạn học cũ. Cô không có kế hoạch trở lại trường học hay thi Đại học.
Trong vài tháng đầu năm 2019, Xiao làm tình nguyện viên ở phòng khám để chia sẻ kinh nghiệm của mình với những bệnh nhân mới.
Tháng 4 vừa qua, Xiao đã được bệnh viện chỉ định làm nhân viên thu ngân toàn thời gian. Xiao hiện nay đang làm việc từ 8h sáng đến 5h chiều vào 6 ngày/tuần và sống tại kí túc xá của trung tâm.
Xiao chia sẻ về cuộc sống hiện tại rằng: "Tôi thích giữ mình trong công việc. Đây là cảm giác của sự thành công."
Mặc dù Xiao đã cai nghiện thành công nhưng Xiao vẫn đang cố hàn gắn mối quan hệ với cha mình.
Ban đầu, Xiao đổ lỗi cho cha mình về việc đã mua lô Ritalin đầu tiên cho cô, những bây giờ, cô đã tha thứ cho cha mình và nghĩ rằng ông làm thế vì muốn giúp đỡ cô. Chỉ có điều, ông đã làm không đúng cách mà thôi.
Trí thức trẻ