Thương chiến Mỹ-Trung đảo lộn cân bằng cung cầu hàng hóa Việt Nam ra sao?
Các doanh nghiệp đang tìm cách xoay sở khi chiến tranh thương mại siết chặt các lô hàng Trung Quốc.
- 12-08-2019Nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc quan tâm tới ngành logistics Việt
- 12-08-2019Việt Nam tăng nhập khẩu gà đông lạnh nhanh nhất thế giới
- 11-08-2019Kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc và EU không đạt kì vọng
Việt Nam lâu nay vẫn được cho là sẽ được hưởng lợi về xuất khẩu từ thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, với nhiều công ty chuyển hướng sản xuất. Nhưng cuộc chiến thương mại rõ ràng là một con dao hai lưỡi. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đã không được như kỳ vọng.
Trong số các mặt hàng bị Mỹ áp thuế, hàng tiêu dùng như quần áo và thực phẩm có biên lợi nhuận hẹp, có nghĩa là mức thuế 10% giáng một đòn nặng vào các sản phẩm này của Trung Quốc. Và bởi vì đây là mặt hàng gia công, không đòi hỏi công nghệ hay chuyên môn quá cao, chúng có thể dễ dàng bị thay thế.
Đánh giá tác động của thuế quan Mỹ đối với các nền kinh tế châu Á, Morgan Stanley - ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán Hoa Kỳ - cho biết trong một nghiên cứu rằng có lẽ Việt Nam và Indonesia sẽ hưởng lợi từ xuất khẩu hàng hóa phi công nghệ sang Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc thương chiến này sẽ khiến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giảm ngày càng sâu. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ cần ít nguyên liệu và phụ tùng từ Việt Nam hơn. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp một phần đến từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc.
Nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD). Trong đó, 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là điện thoại và gạo. Xuất khẩu điện thoại giảm 549 triệu USD, xuất khẩu gạo cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cụ thể giảm 329,3 triệu USD.
Cũng có nguy cơ các công ty Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng các sản phẩm ban đầu dự định cho Hoa Kỳ sang Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác, đảo lộn cân bằng cung-cầu của thị trường trong nước.
Khi các nhà phân phối Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phá giá đồng nội tệ, khiến hàng Trung Quốc rẻ hơn một cách tương đối, thì hàng sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn.
Một số quốc gia Đông Nam Á khác thì cho biết họ nhìn thấy cơ hội lớn cho dù việc xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm. Ông Ade Sudrajat, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia cho biết: "Indonesia dự kiến sẽ có sự gia tăng xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ sau khi thuế quan mới có hiệu lực". Ông Ade đã đến thăm Washington vào tháng 7, trước khi có thông báo thuế quan của ông Trump và đồng ý vận chuyển thêm hàng dệt may sang Mỹ để đổi lấy việc tăng nhập khẩu bông Mỹ.
"Xuất khẩu thực phẩm Thái Lan sang Mỹ dự kiến sẽ tăng đáng kể, nếu thuế quan mới có hiệu lực", ông Pimchanok Vonkorcards, người đứng đầu Văn phòng Chính sách và chiến lược thương mại của Bộ Thương mại Thái Lan nhận định.