MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương chiến tiền tệ Mỹ - Trung, Việt Nam bị ảnh hưởng gì?

12-08-2019 - 07:54 AM | Tài chính - ngân hàng

“Thương chiến” Mỹ-Trung Quốc leo thang sau tuyên bố phá giá đồng NDT khiến giới phân tích không khỏi lo ngại nguy cơ chiến tranh tiền tệ.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
93 bài viết

PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia xung quanh vấn đề này.

Nhiều nước cũng sẵn sàng phá giá tiền tệ

Quyết định phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đẩy “thương chiến” Mỹ - Trung leo thang. Nhiều nền kinh tế khác cũng chuyển động theo diễn biến mới này. Theo ông, chuyện gì sẽ xảy ra tới đây?

 Thương chiến tiền tệ Mỹ - Trung, Việt Nam bị ảnh hưởng gì?  - Ảnh 1.

Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia


Thương mại toàn cầu thời gian qua đã suy giảm nghiêm trọng, tốc độ tăng trưởng đã thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP. Nguyên nhân là do Trung Quốc phá giá đồng NDT để giảm thiểu tác động xấu từ việc đánh thuế của Mỹ. Thực chất, phá giá đồng NDT cũng là một biện pháp đánh thuế. Ví dụ Mỹ đánh thuế 10% mà Trung Quốc phá giá 5% thì trên thực tế mức thuế của Mỹ chỉ còn tác động 5%.

Vấn đề là, khi Trung Quốc làm như vậy không chỉ tác động đến quan hệ song phương với Mỹ mà còn tác động đến quan hệ với nhiều đồng tiền, nhiều thị trường khác - là đối tác thương mại của Trung Quốc. Tất nhiên, nhiều nước trong số đó cũng không để yên và cũng sẵn sàng phá giá đồng tiền của họ dẫn đến thương mại toàn cầu tiếp tục khủng hoảng.

Liệu có khả năng các nước đồng loạt phá giá đồng tiền không, thưa ông?

Có thể không phá giá đồng loạt mà sẽ diễn ra trước, sau. Khi đó, không chỉ thương mại, mà dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng suy giảm. Các nhà đầu tư sẽ cảm thấy lo ngại rằng có thể có một cuộc chiến tranh tiền tệ xảy ra trong tương lai.

Như vậy, họ buộc phải thận trọng trong đầu tư vào bất cứ khu vực nào, kể cả đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp. Như vậy sẽ làm cho kinh tế toàn cầu yếu đi. Chúng ta đã nhìn thấy hiện tượng rất rõ ràng đó là đầu tư dài hạn cũng có dấu hiệu suy giảm, lãi suất trái phiếu Chính phủ dài hạn của Mỹ xuống thấp, bằng, thậm chí thấp hơn lãi suất ngắn hạn.

Hậu quả khác, về lâu dài sẽ làm lạm phát tăng lên bởi phá giá tiền tệ đồng nghĩa với việc phát hành tiền. Lạm phát tăng trong bối cảnh thương mại giảm đồng nghĩa kinh tế trì trệ.

Như vậy, căng thẳng thương mại càng gia tăng, chiến tranh tiền tệ càng tới gần?

Những tác động của cuộc chiến tranh thương mại được giải quyết bằng biện pháp tiền tệ rất dễ dẫn đến một cuộc chiến tranh tiền tệ. Trong trường hợp chủ nghĩa bảo hộ trở nên mạnh mẽ hơn sẽ thành đi ngược, đối đầu với xu hướng toàn cầu hoá.

"Có một biện pháp có thể thực hiện được ngay, không gây tốn kém là cải thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giúp giảm thiểu các chi phí về hành chính, rút ngắn thời gian, tiến độ sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành phải đẩy mạnh công nghệ, sáng tạo, chống tham nhũng để tiết kiệm chi phí. Thậm chí, dùng cả văn hóa để tiết kiệm chi phí như kiểm soát chặt chẽ việc tiêu dùng rượu, bia để giảm được TNGT và tiết kiệm hàng mấy chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho xử lý hậu quả tai nạn. Hay giảm "chặt chém" khách du lịch để thu hút họ quay trở lại cũng là dùng văn hóa để tiết kiệm chi phí. Những giá trị đó tạo ra tiền thực sự trong khi chi phí đầu tư rất thấp.

Ông Lê Xuân Nghĩa

Đến lúc đó, một số đồng tiền chủ chốt có thể mất giá nghiêm trọng và hậu quả của thương mại toàn cầu cũng như nền kinh tế toàn cầu là không thể lường trước được. Không loại trừ có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái thực sự.

Việt Nam cần dung hòa các thị trường với nhau

Trong bối cảnh này, Việt Nam phải chịu những tác động gì?

Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam nhập siêu là chính. Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT càng làm nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc diễn ra với quy mô lớn hơn. Điều này có thể dẫn đến hậu quả, thặng dư thương mại của Việt Nam giảm sút, thậm chí thâm hụt trong nhiều tháng tới đây.

Trung Quốc phá giá đồng NDT, nhiều đồng tiền khác cũng sẽ phá giá theo mà điển hình là đồng Yên (Nhật) đã phản ứng rồi. Đồng Yên phá giá, nhập siêu từ Nhật tăng lên, tương tự như với Trung Quốc, đồng thời xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật ảnh hưởng. Như vậy sẽ làm trầm trọng thêm thâm hụt cán cân thương mại…

Ngoài ra, thương mại toàn cầu suy giảm mà Việt Nam là nước tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất lớn vào thương mại, vì tổng kim ngạch hai chiều đã gấp đôi GDP. Trong khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm khoảng 25% GDP thì của Việt Nam lên tới 200% GDP.

Như vậy, Trung Quốc phá giá đồng NDT ảnh hưởng đối với Mỹ không quá lớn nhưng có tác động bất lợi với nhiều nước khác, đặc biệt là những nước xuất khẩu như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Việt Nam… Và điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn.

Doanh nghiệp ứng phó cách nào, theo ông?

Doanh nghiệp ở Việt Nam không có thói quen phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng các công cụ phái sinh. Vì vậy, cách tốt nhất để giữ ổn định cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh xuất khẩu là phải đa dạng hoá thị trường, đa dạng hóa thành quả, sử dụng các biện pháp về công nghệ, số hóa để thích ứng cũng như chuẩn bị tài chính, phòng khi khó khăn dài hạn.

Theo ông, Việt Nam có nên phá giá đồng tiền không?

Người ta thường nói phá giá tiền tệ đồng nghĩa đua nhau in tiền là để ăn cướp của nhà hàng xóm. Nhưng người hàng xóm cũng biết phá giá “chơi lại”, từ đó sẽ tạo ra một cuộc chiến tiền tệ thực sự.

Thâm hụt thương mại gia tăng sẽ tác động trực tiếp lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong trung hạn.

Trong trường hợp Việt Nam thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ, điều chỉnh tỷ giá hối đoái tăng lên sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý lạm phát. Sợ lạm phát, thay vì đầu tư, doanh nghiệp, người dân sẽ mua đô la, mua vàng dự trữ.

Cho nên, quan trọng nhất bây giờ vẫn là chính sách tiền tệ, đừng cố siết chặt và cũng đừng cố nới lỏng quá. Bởi siết chặt, thị trường bất động sản ảnh hưởng, sẽ tác động trước hết đến ngành ngân hàng vì phần lớn khoản vay được thế chấp bằng bất động sản. Cho nên vào thời điểm này cần một chính sách tương đối dung hoà các thị trường với nhau.

Chính sách tỷ giá hối đoái, theo tôi nên ổn định cơ bản và điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế. Như vậy sẽ duy trì được đầu tư thương mại vào Việt Nam, bảo đảm được tâm lý lạm phát cũng như tạo cho doanh nghiệp lòng tin trong việc đầu tư dài hạn. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết có thể can thiệp bằng ngoại tệ để ổn định tỷ giá.

Cảm ơn ông!


Theo Thảo Nguyên - Tạ Hải

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên