MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thượng đỉnh G20: Sự kiện đối thoại của những lãnh đạo đến từ các nền kinh tế lớn trở thành cuộc đối đầu giữa ông Trump và ông Tập

24-06-2019 - 12:21 PM | Tài chính quốc tế

Mối đe dọa ông Trump mang đến là một cuộc xung đột leo thang với Trung Quốc, điều này đã biến hội nghị thượng đỉnh ở Osaka trở thành một sự kiện được bàn luận nhiều nhất kể từ khi các nhà lãnh đạo gặp mặt ở thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra.

Cách đây không lâu, đã từng có một khoảng thời gian mà các hội nghị thượng đỉnh "G" là sự kiện nghiêm túc. Ở đó những vấn đề quan trọng nhất là những cuộc đối thoại lịch thiệp giữa lãnh đạo của các nền kinh tế lớn. Hiển nhiên, đó là trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Nếu vị tổng thống này đã làm được những gì trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, thì đó là mang những câu chuyện kịch tính, những "gia vị" mạnh và những căng thẳng cùng sự không chắc chắn đến một hội nghị vốn được lên kế hoạch cực kỳ tỉ mỉ.

Chưa dừng ở đó, khi các nhà lãnh đạo của các nước G20 chuẩn bị tới Nhật Bản vào ngày 28-29/6, ông Trump thậm chí còn có nhiều mục đích hơn thế. Mối đe doạ ông mang đến là một cuộc xung đột leo thang với Trung Quốc, điều đã biến hội nghị thượng đỉnh ở Osaka trở thành một sự kiện được bàn luận nhiều nhất kể từ khi các nhà lãnh đạo gặp mặt ở thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra. 

Nếu như rủi ro vẫn chưa đủ lớn, thì ông Trump còn có thể chĩa "nòng súng" thương mại sang Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản - hai đồng minh mà ông đe doạ về thuế quan đối với ô tô.

Với tất cả những yếu tố trên, sự kiện lớn nhất ở Osaka tới đây dường như sẽ xoay quanh cuộc gặp bên lề giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - điều sẽ khiến cả thị trường tài chính phải theo dõi sát sao. Sau khi đưa ra những động thái cứng rắn, ông Trump lại cho thấy những kỳ vọng khi hôm 18/6 ông chia sẻ trên Twitter rằng, sau một "cuộc trò chuyện qua điện thoại diễn ra rất tốt đẹp", hai nhà lãnh đạo sẽ tổ chức "một cuộc gặp kéo dài" tại hội nghị thượng đỉnh.

Thượng đỉnh G20: Sự kiện đối thoại của những lãnh đạo đến từ các nền kinh tế lớn trở thành cuộc đối đầu giữa ông Trump và ông Tập - Ảnh 1.

Kịch bản cho trường hợp khả quan nhất mà các quan chức và nhà phân tích 2 bên đưa ra đó là thuế quan bổ sung của Mỹ sẽ được dỡ bỏ sau cuộc gặp và các cuộc đàm phán bị đình trệ hồi tháng 5 sẽ được nối lại. Dù thoả thuận ngừng bắn như vậy sẽ khiến sự bất ổn của năm vừa rồi lan rộng thêm, nhưng ít nhất nó sẽ mang lại hy vọng về hoà bình trong khoảng thời gian ngắn.

Còn viễn cảnh tồi tệ nhất sẽ là căng thẳng thương mại "sôi sục", trở thành một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nếu cuộc gặp không diễn ra suôn sẻ hay 2 bên không đạt được một thoả thuận vững chắc, thì thế giới sẽ phải chứng kiến xung đột leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất, thiệt hại bị kéo theo đó là thị trường tài chính sụp đổ và tăng trưởng toàn cầu tiếp tục chậm lại.

Rõ ràng rằng, chúng ta không thể lơ là khả năng thứ 2. Hai nhà lãnh đạo đã có những cách tiếp cận khác nhau để bước vào bàn đàm phán - vốn đã gây ra những vấn đề cho họ trước đây. Ông Trump - với phong thái tự do, không tuân theo bất kỳ quy tắc nào, dường như muốn giữ bàn đàm phán ở trạng thái mất cân bằng. Còn ông Tập, có thể thấy là thận trọng hơn nhiều và những cộng sự thân cận đã bác bỏ những ý tưởng đưa ông vào một cuộc gặp mà trong đó kết quả vẫn chưa được "vạch ra" cẩn thận.

Quan điểm cho rằng Mỹ đang "bắt nạt" Trung Quốc cũng có thể gây khó khăn ở cho ông Tập trong việc đáp ứng yêu cầu về sự cải cách từ phía Mỹ, từ trợ cấp công nghiệp cho đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Bằng việc "tuyên bố công khai rằng ông Tập đang ở trong tình thế khó khăn", và cũng lặp lại nhiều lần như vậy, thì ông Trump đã hạ thấp ông Tập, trong khi đáng lẽ ra ngài Tổng thống phải xoa dịu Trung Quốc, Robert Daly - một chuyên gia về Trung Quốc và cựu nhà ngoại giao người Mỹ, nhận định. Ông phân tích thêm, nhà lãnh đạo Trung Quốc càng bị cuốn vào những tuyên bố đó, thì càng ít khả năng ông ấy sẽ đi đến một thoả thuận - một động thái được cho là sự đầu hàng.

Thượng đỉnh G20: Sự kiện đối thoại của những lãnh đạo đến từ các nền kinh tế lớn trở thành cuộc đối đầu giữa ông Trump và ông Tập - Ảnh 2.

Matthew Goodman, người từng chuẩn bị cho sự tham gia của cựu Tổng thống Barack Obama tại hội nghị G7 và G20, cho biết rằng hiện vẫn còn quá sớm để gọi đây là một cuộc chiến tranh lạnh mới. Ngay cả khi ông Trump đã khiến mâu thuẫn leo thang và "giáng đòn" với Huawei, thì bạn vẫn có thể chứng minh luận điểm trên là đúng. Goodman nói, mục tiêu là một hình thức phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế công bằng hơn, như những gì đã diễn ra trong 40 năm qua. Đồng thời, một bên có thể sẽ tự hỏi: "Chúng ta có đang đi trên một con đường khác không?"

Clete Willems, người đảm nhiệm vị trí tương tự như Goodman dưới thời ông Trump, lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến một thoả thuận vào cuối năm nay. Ông nhận định, đó là lợi ích của cả 2 quốc gia và động thái đe doạ áp thuế quan của ông Trump có mục đích thúc đẩy một thoả thuận chứ không phải muốn mối quan hệ 2 nước bị tách rời. Ông nói: "Miễn là chính quyền tập trung vào Trung Quốc và tránh lạm dụng biện pháp nâng thuế đối với các quốc gia khác nhằm hậu thuẫn cho chính sách về Trung Quốc, thì tôi cho rằng sức mạnh được thể hiện của nước Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiến đến một thoả thuận."

Một minh chứng rõ ràng cho cách tiếp cận của Mỹ có thể đã được thể hiện trong bài phát biểu hôm 24/6 của Phó Tổng thống Mike Pence, một trong những người mang luận điểm cứng rắn nhất về Trung Quốc trong chính quyền ông Trump. Nếu ông Pence lặp lại bài phát biểu với giọng điệu "diều hâu" như năm ngoái tại Viện Hudson ở Washington, thì điều đó sẽ là dấu hiệu cho thấy ông Trump không quan tâm đến việc thoả hiệp. Tuy nhiên, bài phát biểu đã bị hoãn lại do sự tiến triển của cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Tập.

Trong khi đó, dù tuyên bố là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc từ thời cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông, thì ông Tập vẫn phải đối mặt với những vấn đề về kinh tế và chính trị tại quê nhà. Khi nền kinh tế Trung Quốc đang xuất hiện những dấu hiệu của sự suy yếu, thì một cuộc chiến thương mại sâu sắc sẽ mang đến nhiều tổn thất hơn.

Đương nhiên, cũng chưa rõ ràng rằng sức mạnh của ông Trump có đủ mạnh như ông nghĩ hay không. Thuế quan của ông ngày càng bị phản đối nhiều hơn và những tổn thất từ đó cũng bắt đầu xuất hiện trong dữ liệu kinh tế. Ông và ông Tập đều phải đối mặt với những áp lực đối nghịch ở quê nhà: đứng vững và giải quyết mâu thuẫn trước khi những ảnh hưởng tiêu cực với nền kinh tế ngày một lớn hơn. Bởi vậy, một thoả thuận ngừng bắn có thể được đưa ra ở Osaka. Dẫu vậy, việc đưa thoả thuận ấy trở thành sự hoà bình về lâu về dài có thể không hề dễ dàng.

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên