MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương hiệu 'sang chảnh' bán hàng xe đẩy

01-11-2021 - 09:00 AM | Thị trường

Thương hiệu 'sang chảnh' bán hàng xe đẩy

Lập ki-ốt, mở xe đẩy, “ở ghép” thương hiệu khác để cùng kinh doanh… chính là cách thay đổi mô hình tiếp nhận khách hàng, vừa tiết kiệm chi phí hậu dịch COVID-19 của nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay.

“Cắt” chi phí

Sau thời gian được mở bán hàng trở lại, DN kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) đã bắt đầu mở thêm mô hình mới để kinh doanh. Trong đó, xu hướng siêu nhỏ, đưa thương hiệu “xuống đường” được nhiều DN áp dụng.

Điển hình là mới đây, chuỗi cà phê The Coffee House đã khai trương cửa hàng mới với tên gọi TCH Now. Điều đáng nói, cửa hàng này thực ra chỉ là một ki-ốt nhỏ nhỏ đặt cạnh siêu thị Kingfoodmart trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, TPHCM). Đại diện thương hiệu xác nhận đây là cửa hàng theo mô hình doanh nghiệp sẽ triển khai sau đợt giãn cách xã hội lần thứ tư, bao gồm xe đẩy và ki-ốt.

Trước đó, hệ thống này đã đóng cửa hàng The Coffee House Signature trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3). Đây vốn là cửa hàng đặc biệt nhất của hệ thống tại TP.HCM và được nhiều người trẻ, nhất là giới văn phòng yêu thích. Đại diện doanh nghiệp cho biết, quyết định đóng cửa hàng này nhằm tối ưu chi phí vận hành, cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn lực cho những chuyển đổi mới.

“Tay chơi” mới nhất tham gia vào thị trường chuỗi cà phê, trà sữa hồi giữa năm 2021 là Chuk Chuk cũng xây dựng mô hình kinh doanh thích ứng với nhu cầu mới của khách hàng. Bên cạnh cửa hàng với chi phí mặt bằng đắt đỏ, ki-ốt và xe đẩy sẽ là chiến lược để đơn vị gia tăng nhanh chóng độ phủ. Theo đó, chuỗi này sẽ kết hợp với các nhà phân phối lớn để mở ki-ốt, mọi cung đường tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác sẽ có xe đẩy mang thương hiệu Chuk Chuk.

Thương hiệu Otoké Chicken cũng đã triển khai thí điểm một vài quầy kệ phục vụ bữa sáng cho khách hàng ở vỉa hè trước các cửa hàng của mình. Vì để phục vụ việc ăn sáng, thương hiệu này chủ yếu bán hamburger và cà phê. Hay McDonald’s đã mang một ki-ốt nhỏ có hamburger và cà phê ra bán trước cửa hàng của mình.

Thích nghi hậu dịch

Theo các chuyên gia kinh tế, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn bộ ngành F&B đã thay đổi để thích nghi với đại dịch và có thể tồn tại ngay cả khi bệnh dịch đã qua đi. Ngoài tác động tiêu cực, COVID-19 cũng mang lại một số tác động tích cực như tạo ra cú hích đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Bằng chứng là những DN đã xây dựng và ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất và quản lý tỏ ra rất vững vàng trong khủng khoảng. Các thương hiệu lớn cũng nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai dịch vụ bán hàng để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Bà Ngô Thị Liên - quản lý cửa hàng thức ăn nhanh 30s (quận Tân Phú, TPHCM) cho rằng, DN cần thay đổi mô hình đầu tư để phù hợp với tình hình thị trường trong và sau COVID-19. “Trong COVID-19, mô hình kinh doanh nhỏ gọn sẽ hiệu quả hơn chuỗi hoành tráng, bởi nó tiết giảm được tiền thuê mặt bằng. Đầu tư chú trọng hiệu quả hơn là hình thức”, bà Liên nói.

Chuyên gia về đổi mới sáng tạo, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Công ty The Pathfinder cho rằng, hiện là thời kỳ khởi nghiệp hoặc tái khởi nghiệp của các DN với mô hình tinh gọn, ít tốn chi phí cố định và kinh tế sẻ chia. Dù có hy sinh về hình ảnh thương hiệu nhưng đây là mô hình hiệu quả. Ngoài ra, việc nhiều thương hiệu kết hợp “thuê chung” mặt bằng giúp các thương hiệu có chi phí thấp để xâm chiếm nhanh các mặt bằng đẹp nhưng đang trống người thuê.


Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên