MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương lái Trung Quốc thao túng thanh long Bình Thuận

20-06-2016 - 19:00 PM | Thị trường

Gần đây tại Bình Thuận xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc thâu tóm gần như toàn bộ hoạt động mua bán thanh long. Nhiều vựa thu mua thanh long của người Việt lâm vào cảnh phải dẹp tiệm hoặc đi làm công cho người Trung Quốc.

Đi dọc tuyến đường từ Phan Thiết đến huyện Hàm Thuận Nam trên quốc lộ 1, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều vựa thanh long lớn ghi bảng hiệu tiếng Việt kèm tiếng Trung Quốc. Hằng ngày tại đây tấp nập các xe container nằm chờ vận chuyển thanh long ra phía Bắc xuất qua cửa khẩu.

Chỉ đóng hàng 
cho người Trung Quốc

Ngày 9-6, chúng tôi đến vựa thanh long Nga Minh (km10, huyện Hàm Thuận Nam) đặt thanh long đi Đà Nẵng, quản lý người Việt thẳng thừng từ chối: “Ở đây chúng tôi chỉ đóng hàng cho người Trung Quốc, không buôn bán nội địa”.

Tại vựa thanh long Tâm Hường (gần cầu Cà Ty trên quốc lộ 1, TP Phan Thiết) khi được đặt hàng về miền Trung, người quản lý nói thẳng: “Không được”. Nhìn bề ngoài, vựa Tâm Hường không lớn nhưng phía sau có cả một phân xưởng rộng lớn có thể chứa nhiều xe container vào lấy hàng cùng một lúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các vựa thanh long Nga Minh, Tâm Hường, Xuân Tình đều do người Việt đứng ra giao dịch, nhưng việc điều hành giá cả thanh long lại do nhóm người Trung Quốc (làm thuê cho hai người Trung Quốc tên là Phú - Quý) định đoạt.

Hiện tại hai cha con ông chủ Phú - Quý được xem là “lão làng” trong thị trường thanh long Bình Thuận do lập cơ sở trước những người Trung Quốc khác và nắm trong tay nhiều mối lái người Việt.

Công an tỉnh Bình Thuận cho biết trong sáu tháng đầu năm 2016, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 12 người Trung Quốc về hành vi “nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại VN mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của VN”. Tất cả những người này đều liên quan đến hoạt động buôn bán thanh long tại Bình Thuận.

Đối với những trường hợp thương lái Trung Quốc bị phát hiện buôn bán thanh long “chui” tại Bình Thuận, cơ quan công an tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính, giải thích rõ cho người và cơ sở vi phạm những lỗi trên.

Mặc dù xử lý như vậy, tình trạng người Trung Quốc đến Bình Thuận buôn bán thanh long vẫn tiếp tục diễn ra và khó kiểm soát.

Một cán bộ có chức trách của UBND huyện Hàm Thuận Nam cho rằng nhìn bề ngoài các vựa đăng ký đứng tên người Việt, nhưng bên trong rất khó kiểm soát và có tình trạng các chủ vựa người Việt hám lợi đã cho thương lái Trung Quốc thuê lại vựa để làm ăn.

Tung giá cao rồi ép giá

Ngày 13-6, chúng tôi theo chân một thương lái người Việt đem thanh long đến vựa Kiên Kiên (huyện Hàm Thuận Nam). Tại đây, chúng tôi gặp một người Trung Quốc, nhưng khi bắt chuyện thì ông này lập tức chỉ tới chỗ ông S. là quản lý người Việt. Sau một hồi đi qua đi lại xem xét lô thanh long, ông S. cho rằng thanh long này là hàng dạt (loại kém nhất).

Lát sau ông S. hỏi: “giờ bán bao nhiêu?”, chúng tôi ra giá 7.000 đồng/kg thì ông S. chốt lại: “6.000 thôi. Hôm qua đến giờ hàng dạt là 6.000”.

Ngoài các vựa của ông chủ Phú - Quý, Kiên Kiên cũng là một cơ sở mua thanh long phát triển nhanh tại Bình Thuận, lập nhiều điểm mua, đóng gói, kho lạnh tại huyện Hàm Thuận Nam trong thời gian ngắn hai năm nay từ khi có người Trung Quốc đến làm ăn. Ông chủ người Trung Quốc điều hành vựa Kiên Kiên là Luo Zheng Yun.

“Bây giờ không bán cho doanh nghiệp Trung Quốc thì bán cho ai. Mình trước đây mua thanh long tại vườn rồi tập kết hàng chuyển container đi cửa khẩu. Nay chủ yếu bán lại cho các vựa của chủ Trung Quốc, lấy công làm lời chứ làm không lại họ.

Trước khi đi mua thì hỏi vựa Trung Quốc rồi mới ra giá với nhà vườn, còn thanh long đẹp đem về bị họ tìm cách chê hàng dạt để ép giá là bình thường” - chị Thanh, một thương lái người Việt thường bán thanh long cho vựa Kiên Kiên, bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Phước - chủ vườn thanh long tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam - nói rằng người trồng thanh long hiện rất khổ vì giá thanh long lộn xộn, không theo một hướng nào do thương lái Trung Quốc tùy nghi “nâng lên, đặt xuống”.

“Đa số thương lái người Việt đều làm cho thương lái Trung Quốc để ăn hoa hồng. Có khi sáng họ vào vườn nói mua với giá 20.000 đồng/kg, mình lỡ cắt thanh long rồi thì buổi chiều họ vào chỉ chịu mua với giá 14.000 đồng/kg. Nếu mình không bán thì hôm sau rớt xuống 10.000 đồng/kg và cứ như vậy họ hạ giá dần xuống” - bà Phước than vãn.

Tương tự, bà Lê Thị Ngọc (chủ DNTN Hiếu Ngọc, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) cho hay trước đây người Trung Quốc chỉ ở cửa khẩu chờ thanh long, nhưng nay họ đến tận Bình Thuận tranh mua với thương lái người Việt và dần thao túng luôn thị trường.

“Họ đưa ra giá mua rất cao ví dụ như 24.000 đồng/kg, tuy nhiên trên thực tế sau khi thanh long cắt xong họ chỉ lấy một vài lô giá 24.000 đồng/kg, còn lại chê trái xấu ép hạ giá xuống dù trái rất đẹp” - bà Ngọc nói.


Vựa thanh long Kiên Kiên từ khi có người Trung Quốc đến làm ăn đã phát triển nhanh chóng, mở nhiều cơ sở ghi biển hiệu kèm tiếng Trung Quốc - Ảnh: NG.NAM

Vựa thanh long Kiên Kiên từ khi có người Trung Quốc đến làm ăn đã phát triển nhanh chóng, mở nhiều cơ sở ghi biển hiệu kèm tiếng Trung Quốc - Ảnh: NG.NAM

Nhiều nơi dẹp tiệm

Trước sự lấn sân chiếm lĩnh thị trường ngày một gia tăng này, nhiều chủ vựa người Việt từng thành công nhờ buôn thanh long đi Trung Quốc nay đành hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa như các vựa L.C. (huyện Hàm Thuận Nam), vựa H. (huyện Hàm Thuận Bắc), một số nghỉ hẳn chuyển sang làm vận tải để chở thuê thanh long cho các ông chủ Trung Quốc.

Ông H.Đ., người sở hữu một vựa thanh long lớn tại thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam) và một đoàn xe container, cho hay nếu tình hình này kéo dài trong vòng một năm nữa các vựa thanh long của người Việt sẽ đóng cửa hết.

“Họ mua ở đây và giành luôn mối lấy hàng bên Trung Quốc. Đoàn xe container của tôi giờ hoạt động cầm chừng, nằm chờ trong sân. Tôi mong Chính phủ có hướng xử lý tình trạng này” - ông H.Đ. kêu cứu.

Ông Ngô Minh Hùng (phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận):

Chủ yếu núp bóng

Trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam có 26 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến thanh long có thương nhân người Trung Quốc lưu trú để liên hệ mua bán thanh long. Tính đến nay, chúng tôi đã kiểm tra 10 cơ sở đều thấy có sự hiện diện của người mang quốc tịch Trung Quốc đang hoạt động trong lĩnh vực thu mua, đóng gói, xuất khẩu thanh long.

Người Trung Quốc tại các cơ sở này hoạt động dưới hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng gói thanh long xuất khẩu có giấy phép lao động có thời hạn được cấp (Hưng Nguyên).

Cơ sở Hoàng Ân thì người Trung Quốc núp bóng, gián tiếp thuê người Việt đứng tên thuê nhà, mượn tên cơ sở thanh long cũ để thu mua, bán lại cho thương nhân Trung Quốc đóng gói xuất khẩu và nhiều cơ sở khác có người Trung Quốc núp bóng thu mua thanh long.

Khuyến cáo không tiếp tay thương lái Trung Quốc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thình - chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Long An) - cho biết huyện luôn tuyên truyền cho cán bộ, người dân báo cáo cho lực lượng công an khi phát hiện người Trung Quốc đến địa bàn thu mua thanh long trái phép để kịp thời xử lý. “Trước đây người dân ít biết về việc này” - ông Thình nói.

Tại Tiền Giang cũng từng xuất hiện những vụ việc tương tự. Theo đại tá Nguyễn Văn Tám - người phát ngôn Công an tỉnh Tiền Giang, trong năm 2015 công an tỉnh này đã phát hiện một số người Trung Quốc dùng visa du lịch nhưng lại đi thu mua các loại trái cây như sầu riêng, khóm...

SƠN LÂM

Theo Nguyễn Nam - Vân Lam

Tuổi trẻ

Trở lên trên