Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới
YouTube và hàng loạt sàn bán lẻ Trung Quốc đồng loạt gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
- 25-09-2024Thương mại điện tử tăng trưởng từ 20-25%/năm, làm sao để chống thất thu thuế?
- 25-07-2024Diễn biến bất ngờ trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam
- 18-07-2024'Bội thu' thuế từ hoạt động thương mại điện tử
4 năm trước, chị Hà Mai (TP Hải Phòng) nghỉ công việc văn phòng về bán hàng online tại nhà. Tuy nhiên, chị không nhập hàng về bán lại mà chỉ nhận đặt hàng thời trang, đồ gia dụng… từ Trung Quốc cho khách. Sau khi nhận đơn, chị lên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc như Alibaba, Taobao, 1866… để "săn" và nhập trực tiếp từ Việt Nam với thời gian từ 3-4 tuần. Thời điểm đó, công việc này đem về thu nhập 30-40 triệu đồng mỗi tháng.
Sàn ngoại đổ bộ
Tuy vậy, hơn 1 năm nay, công việc của chị Mai không còn thuận lợi như trước, thay vì chờ khách đặt trước mới nhập hàng, chị đã phải tự đặt trước về bán nhưng hàng hóa vẫn ế ẩm do người tiêu dùng Việt Nam đã có thể mua trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc với thời gian được rút ngắn chỉ vài ngày.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, dù đã âm thầm hoạt động ở thị trường Việt Nam một vài năm qua nhưng khoảng 2-3 tháng nay, các "ông lớn" thương mại điện tử (TMĐT) của Trung Quốc như 1688 - nền tảng thuộc Tập đoàn Alibaba và Temu - thuộc sở hữu của tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc), Shein, Taobao... bất ngờ đẩy mạnh hoạt động để thu hút người tiêu dùng Việt. Theo đó, 1688 đã tiếng Việt hóa gần như toàn bộ giao dịch, ứng dụng và các bước đăng ký tài khoản, điều khoản sử dụng, đơn hàng, vận chuyển... để dễ dàng tiếp cận khách hàng Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, 1688 còn chạy nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi với mức giảm giá từ 20%-80%, tập trung vào các ngành hàng thời trang, đồ gia dụng... khiến người dùng mê mẩn. Đặc biệt, hàng hóa được bảo đảm ship thẳng từ Trung Quốc đến tận nhà chưa đến 1 tuần.
Tương tự, nền tảng Temu, làm mưa làm gió ở Mỹ và nhiều thị trường lớn trên thế giới, cũng đã cập nhật giao diện tiếng Việt trên trang web và ứng dụng của mình nhằm hỗ trợ người dùng Việt mua hàng dễ dàng hơn. Sàn này còn đầu tư hệ thống kho vận lớn để bảo đảm hoạt động vận chuyển hàng sang Việt Nam một cách nhanh chóng và rẻ nhất. Thông tin từ Công ty Nghiên cứu thị trường Momentum Works cho biết nền tảng này đang hợp tác với 2 đơn vị giao hàng của Việt Nam là Ninja Van và Best Express để vận chuyển sản phẩm từ kho Trung Quốc sang Việt Nam chỉ trong 4 - 7 ngày. Trên website, Temu đang áp dụng chính sách miễn phí vận chuyển cho tất cả đơn hàng, giao hàng nhanh, cho phép trả hàng trong vòng 90 ngày kèm chương trình khuyến mãi lên đến 90%, gói giảm giá 250.000 đồng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng.
Dù vậy, một số người mua cho biết website của sàn còn sơ sài, chưa Việt hóa và khâu thanh toán còn gặp khó khi yêu cầu phải thanh toán bằng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, với việc Việt Nam và Trung Quốc vừa ký biên bản ghi nhớ về thanh toán xuyên biên giới qua mã QR, việc thanh toán trên các sàn của Trung Quốc sắp tới sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Không chỉ các sàn TMĐT nước ngoài, gần đây nhiều người dùng phát hiện trên ứng dụng Viettel Post xuất hiện mục mới có tên Vipo Mall, được giới thiệu là giải pháp mua hàng xuyên biên giới từ các nền tảng nội địa Trung Quốc nổi tiếng như Taobao, 1688, Pinduoduo hay JD.com. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Viettel Post cho biết ứng dụng đang trong thời gian thử nghiệm và sẽ cung cấp thông tin chi tiết trong thời gian tới.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Ông Nguyễn Đình Tình, Giám đốc Công ty TNHH Cainver - một doanh nghiệp chuyên bán hàng trên các sàn TMĐT trong và ngoài nước, đánh giá sự xuất hiện ngày càng rộng rãi và kế hoạch mở rộng thị phần tại Việt Nam của Temu, 1688 sẽ làm cho cuộc chiến TMĐT ở Việt Nam vốn đã khốc liệt, bây giờ lại càng khốc liệt hơn, thậm chí mang tính "sống còn". "Thực tế, ngay lúc này thị trường đã bắt đầu cảm nhận được "sức nóng" khi Temu, 1688, Taobao... đang tung hàng loạt chương trình ưu đãi lớn để bán sản phẩm Trung Quốc với giá rẻ bèo, đặc biệt là ngành thời trang như quần áo, giày dép, mũ nón, phụ kiện... - những mặt hàng mà trong nước cũng sản xuất được" - ông Tình nói.
Ông Tình dự báo có thể trong vòng 2-3 năm tới, các sàn nội địa của Trung Quốc sẽ "xẻ" đôi, ba thị phần của 2 ông lớn TMĐT tại Việt Nam là Shopee và TikTok Shop, thậm chí soán "ngôi vương" nhờ khả năng thích nghi môi trường tốt trong thời gian ngắn. Bằng chứng là các sàn của Trung Quốc đã và đang khuynh đảo nhiều thị trường thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia...
Áp lực này lớn đến mức mới đây Indonesia phải tuyên bố cấm cửa Temu xâm nhập thị trường và yêu cầu Apple, Google chặn ứng dụng nói trên.
Trong khi đó, chuyên gia Trương Võ Tuấn, người từng điều hành trang web muabannhanh.com, lại cho rằng sự xuất hiện của các sàn ngoại Temu, 1688, Taobao… sẽ không ảnh hưởng nhiều đến 2 "ông lớn" Shopee, TikTok Shop. Bằng chứng là các sàn Taobao, Shein, Alibaba hay Amazon dù đã âm thầm hoạt động tại Việt Nam nhưng gần như không ảnh hưởng gì đến sự tăng trưởng của Shopee và TikTok Shop. Thậm chí, 2 nền tảng còn không quan tâm đến các sàn nước ngoài mà chỉ tập trung "o bế" khách hàng, để cạnh tranh với đối thủ còn lại. Cụ thể, cả Shopee và TikTok Shop đều chạy đua hoàn thiện cơ sở hạ tầng kho vận, logistics, chính sách đổi trả 15 ngày..., đồng thời đẩy mạnh tiếp cận người dùng thông qua các sự kiện quảng cáo, giảm giá hoành tráng...
Mới đây nhất, YouTube và Shopee đã bắt tay triển khai dịch vụ mua sắm trực tuyến YouTube Shopping, dự kiến công bố tại Việt Nam trong vài ngày tới. Dịch vụ mới này tương tự TikTok Shop, cho phép người dùng gắn link của Shopee vào YouTube và livestream để bán hàng, còn người sáng tạo video được nhận phần trăm hoa hồng từ mỗi sản phẩm bán nhằm cạnh tranh trực tiếp với TikTok Shop. "YouTube kết hợp Shopee bán hàng dưới dạng tiếp thị liên kết sẽ giúp sàn này tiếp cận thêm người dùng mới trên YouTube, tăng lượng nhà bán, KOLs, giúp gia tăng thương hiệu. Dù vậy, khi có 2 đối thủ mới là Temu và 1688, YouTube Shopping, TMĐT trong nước sắp tới sẽ rất sôi động, người dùng chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhờ sự cạnh tranh "khốc liệt" này" - ông Tuấn nói.
(Còn tiếp)
Xây dựng thương hiệu trực tuyến cho hàng Việt
Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết cục đã làm việc với những sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam, tổ chức gian hàng Việt và những tuần lễ hàng Việt trên các sàn TMĐT.
Về lâu dài, Bộ Công Thương phối hợp với các sàn để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho hàng hóa Việt Nam, hướng đến đưa những sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài và có tính cạnh tranh trên thị trường đó, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu.
Sàn nội khó giành được thị phần
Theo ông Trương Võ Tuấn, sự xuất hiện của các sàn TMĐT ngoại không còn quá quan trọng đối với sàn TMĐT Việt như Tiki và Sendo khi 2 sàn này có thị phần rất thấp. Do đó, cơ hội để giành lấy thị phần trong bối cảnh các sàn TMĐT lớn như Shopee, TikTok Shop, Lazada hay Temu, 1688, YouTube Shopping cạnh tranh mạnh mẽ là điều không thể.
Người lao động