Thương mại điện tử đuối sức
Lingo.vn - trang thương mại điện tử trong nước từng tuyên bố sẽ chiếm vị trí số 1 về bán hàng online tại Việt Nam - vừa thông báo đóng cửa khiến nhiều người tham gia lĩnh vực này không khỏi bất ngờ
- 03-08-2016Sớm “nướng” hết 150 tỷ, website thương mại điện tử Lingo.vn buộc phải đóng cửa?
- 13-04-2016Alibaba mua Lazada Việt Nam: A đây rồi, Tiki và toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam có lo sợ?
- 05-04-2016Thương mại điện tử thời "sập tiệm", "bán mình"
Nhiều doanh nghiệp mua bán hàng trên mạng đã phải ngừng hoạt động, số khác gắng gượng tồn tại. Đó là thực tế của ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.
Sức ép lớn từ nước ngoài
Cuối tháng 4-2016, Rocket Internet, chủ sở hữu Zalora Việt Nam, đã bán trang TMĐT này cho Central Group của Thái Lan. Trước đó, đầu tháng 4-2016, hãng TMĐT Trung Quốc Alibaba đã chính thức làm chủ sàn TMĐT Lazada tại Đông Nam Á sau khi hoàn tất thương vụ trị giá 1 tỉ USD.
Bên cạnh đó, hàng loạt DN bán lẻ lớn của Hàn Quốc, Thái Lan... sau khi vào Việt Nam cũng có ý định sớm mở các trang bán hàng trên mạng. Sức ép từ các “ông lớn” ngành TMĐT nước ngoài với các DN nội đang tăng dần.
Không chỉ bị thâu tóm, trước đó, năm 2015, hàng loạt DN TMĐT Việt Nam đã phải đóng cửa khi không thể chịu nổi sức ép cạnh tranh đang ngày càng lớn. Trong đó, có thể kể đến Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn... và mới đây là Lingo.vn.
Theo các chuyên gia, nhiều trang TMĐT nhỏ và vừa “chết yểu” trong thời gian qua là do không có đủ vốn để duy trì hoạt động, trong khi lĩnh vực này đòi hỏi nguồn tài chính phải dồi dào. Bên cạnh đó, việc Facebook mở tính năng mua sắm trực tuyến đã đe dọa các trang TMĐT bởi lợi thế khổng lồ về lượng người dùng.
Cạnh tranh không lành mạnh
Ông Trần Đình Lưu Phúc, chủ website bán hàng Nhanhavui.com.vn, cho biết: “Mới tham gia thị trường TMĐT nên chúng tôi vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt. Nhiều trang TMĐT cạnh tranh không lành mạnh, như nâng và hạ giá sản phẩm tùy tiện. Nhiều người bán khác nhau trên cùng một trang, bán cùng sản phẩm nhưng lại đua nhau hạ giá để thu hút người mua. Hiện việc mua hàng trên mạng tại Việt Nam vẫn chưa thuận tiện, như người mua không dễ đổi trả hàng. Bên cạnh đó, những sản phẩm có giá trị lớn, khách hàng ngại chuyển tiền trước khiến cho việc mua bán hàng trên mạng gặp nhiều khó khăn”.
Theo ông Trương Võ Tuấn, CEO của Muabannhanh.com, trang bán hàng này có đến hàng chục ngàn thành viên, hàng chục ngàn tin rao bán mỗi ngày nên việc kiểm soát chất lượng tin là vấn đề sống còn. Với phương thức người mua, người bán tự giao dịch với nhau, tin do các cá nhân, cửa hàng, doanh nghiệp tự đưa lên nên hết sức phức tạp.
“Do vậy, chúng tôi phải xây dựng đội ngũ nhân sự đông đảo và chuyên nghiệp, kiểm tra kỹ thông tin, xác định từng số điện thoại của người mua và người bán nhằm bảo đảm thông tin xác thực. Chúng tôi còn lập đường dây nóng để các thành viên góp ý, khiếu nại những trường hợp nghi ngờ thông tin sai sự thật, như giá không đúng với niêm yết, lừa đảo...” - ông Tuấn nói.
Ông Trần Hải Linh, CEO Sendo.vn, nhìn nhận nhiều DN làm TMĐT tổ chức khuyến mãi ảo, nâng giá sản phẩm lên cao rồi giảm 30%-40% để hấp dẫn khách hàng. Hậu quả là khách hàng mất niềm tin.
Chị Võ Thanh Phượng (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) bày tỏ: “Trước đây, tôi hào hứng mua hàng qua mạng vì khá thuận tiện. Tuy nhiên, sau nhiều lần mua, tôi bắt đầu ngán ngẩm vì nhiều khi mua phải hàng có chất lượng không như quảng cáo. Trong khi đó, việc đổi trả hàng rất nhiêu khê, mất thời gian. Hàng hóa hư hỏng thì nơi bán tìm cách né tránh bảo hành. Nói chung, tôi thấy bất an khi mua hàng trên mạng”.
Đừng “lướt sóng”
Nhiều chuyên gia nhận định đa số người tiêu dùng chưa tin tưởng các giao dịch tài chính qua mạng nên hình thức giao dịch tiền mặt khi nhận hàng (CoD) ước tính lên đến 95%. Do đó, DN kinh doanh online phải chủ động tích hợp nhiều phương án thanh toán ít gây tốn kém. Chỉ khi nào giảm được tỉ lệ dùng tiền mặt thì hệ thống TMĐT mới hoàn chỉnh.
Ông Trần Đình Lưu Phúc cho biết: “Nhanhavui.com.vn sẽ phát triển theo hướng bền vững, không “lướt sóng” như nhiều trang khác. Chúng tôi đã xây dựng trang web bán hàng có phiên bản cho di động, quảng bá trên Google để thu hút người mua. Tất cả sản phẩm trên trang web đều còn hàng, chứ không đăng ồ ạt để thu hút người mua. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cung cấp nhiều phương thức thanh toán, từ tiền mặt cho đến thẻ, chuyển khoản”.
Theo nhiều chuyên gia, các DN kinh doanh online trong nước phải thay đổi nhận thức, bán hàng trên nhiều kênh, từ website, cửa hàng truyền thống, mạng xã hội, sàn TMĐT. Đây là xu hướng bán hàng trong thời gian tới tại Việt Nam. Tuy nhiên, DN nhỏ và vừa trong nước với tiềm lực không dồi dào sẽ khó theo được xu hướng thương mại này.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), đánh giá vấn đề quan trọng đối với TMĐT là chữ tín. Hiện nay, việc quảng cáo sản phẩm quá mức so với thực tế, kinh doanh không lành mạnh, việc giao hàng không như cam kết, chính sách đổi trả hàng chưa hoàn chỉnh...đã trở thành rào cản lớn cho sự phát triển của TMĐT.
Doanh thu năm 2015 tương đương 4 tỉ USD
Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (VECITA - Bộ Công Thương ), mua sắm qua các diễn đàn hoặc mạng xã hội đã tăng mạnh, từ 53% năm 2014 lên 68% năm 2015. Năm 2015, 28% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có quảng cáo hoặc bán hàng qua mạng xã hội, tăng 4% so với năm trước. Dự báo năm 2016, tỉ lệ mua sắm qua mạng xã hội tăng khoảng 34%.
Theo báo cáo của VECITA, doanh thu TMĐT của Việt Nam tăng 37% trong năm 2015, đạt hơn 4 tỉ USD, tương đương 3% tổng doanh thu bán lẻ toàn quốc. Dự báo, con số này sẽ đạt 10 tỉ USD trong 5 năm tới. Báo cáo cũng cho thấy 45% người tiêu dùng Việt Nam có kết nối internet, trung bình mỗi người chi 160 USD cho việc mua hàng online trong năm 2015, hơn 15 USD so với năm 2014.
Người Lao động