MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ

11-12-2022 - 10:49 AM | Kinh tế số

Ước tính có khoảng 57 - 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến.

Ước tính có khoảng 57 - 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến.

Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore.

Sau dịch bệnh Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” một cách nhanh chóng. Một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành, thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. Thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam. Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa công bố, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam dự báo tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỷ USD. Ước tính có khoảng 57 - 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 - 285 USD.

Theo báo cáo của e-Conomy 2022 từ Google, Temasek và Bain & Company, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục 120 - 200 tỷ USD vào năm 2030.

Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada Logistics Việt Nam Ngô Thị Trúc Anh cho hay: Báo cáo thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á “Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng” do Lazada thực hiện vào tháng 9/2022 cho thấy, 76% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mỗi tháng một lần trên thương mại điện tử; 83% người dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử; 50% các đơn hàng trên thương mại điện tử ở Việt Nam được mua mà không có dự tính. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, và các sàn thương mại điện tử đã định hình những thói quen này.

Có thể thấy những bước tiến lớn về thương mại điện tử ở Việt Nam, song việc phát triển bền vững của doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Thanh Hưng - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn như: Chênh lệch khoảng cách tiếp cận thương mại điện tử giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật. Cùng với đó, bên cạnh thói quen dùng tiền mặt thì lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm bán online vẫn còn là một vấn đề.

Đại diện VECOM cũng thông tin, cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam rất khốc liệt. Các sàn thương mại điện tử thuần Việt phải cạnh tranh với Facebook, Viber, Tiktok… từ nước ngoài với tiềm lực to lớn. Nhiều tên tuổi thương mại điện tử lớn của Việt Nam đã “chết yểu” trong vòng 10 năm sau khi ra đời. Chẳng hạn, giai đoạn 2001 - 2010, những tên tuổi lớn xuất hiện rồi biến mất gồm: VDC Siêu thị, Chợ điện tử, GoPhatdat, VnEmart…; giai đoạn 2011 - 2020: 123Mua, Muachung, Nhommua, Vatgia, Deca, FoodPanda, Zaloza, Adayroi… ra đời rồi cũng mất tích. Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự báo còn có 2 sàn thương mại điện tử nữa của Việt Nam sẽ biến mất.

Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương này. Mới nhất là Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025 đưa thương mại điện tử trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử…

Theo M.Duy

Đại đoàn kết

Trở lên trên