Thương mại Mỹ - Trung gặp thử thách mới
Tổng thống Donald Trump yêu cầu Bắc Kinh dỡ bỏ lập tức mọi thuế quan nhằm vào nông sản Mỹ
- 02-03-2019Canada chấp nhận quá trình dẫn độ giám đốc tài chính Huawei, Trung Quốc phẫn nộ
- 27-02-2019Huawei chọc tức Mỹ bằng vụ bê bối Edward Snowden
- 26-02-2019Huawei - Khởi điểm của cuộc chiến lâu dài
- 23-02-2019Ông Trump mở lời về khả năng "tha" Huawei
- 22-02-2019Huawei khẳng định không mở "cửa hậu" cho chính phủ Trung Quốc
Những tiến triển trong quá trình đàm phán về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang bị phủ bóng bởi những diễn biến mới nhất liên quan đến số phận bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei.
Trong động thái không gây nhiều ngạc nhiên, nhà chức trách Canada hôm 1-3 bắt đầu quá trình xem xét dẫn độ bà Meng sang Mỹ, dẫn đến phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Tuyên bố của Bộ Tư pháp Canada khẳng định các quan chức bộ này đã xem xét kỹ càng, thận trọng trường hợp bà Meng và xác định có đủ bằng chứng để đưa vụ việc cho thẩm phán quyết định.
Thời điểm tiến hành tranh luận về vụ việc dẫn độ bà Meng dự kiến được ấn định khi con gái nhà sáng lập Huawei này ra tòa tại TP Vancouver ngày 6-3. Dù vậy, có thể mất nhiều năm mới đưa được bà Meng sang Mỹ, nếu có, bởi hệ thống pháp lý Canada cho phép nhiều quyết định được kháng cáo. Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti có thể là người phải ra quyết định cuối cùng đầy khó khăn bởi sẽ chỉ có Trung Quốc hoặc Mỹ hài lòng.
Phản ứng tức thì của Trung Quốc dĩ nhiên là đầy giận dữ và thất vọng. Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc và đại sứ quán nước này ở Ottawa đều đưa ra những tuyên bố phản đối mạnh mẽ, thúc giục Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ và kêu gọi Canada phóng thích bà Meng ngay lập tức.
Số phận bà Meng Wanzhou đang đe dọa làm phức tạp thêm nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung hiện nay Ảnh: THE CANADIAN PRESS
Ottawa có bước đi chọc giận Bắc Kinh nói trên bất chấp sức ép gia tăng từ Trung Quốc, như việc cho bắt giữ một số công dân Canada thời gian qua. Bà Meng bị Canada bắt hồi tháng 12-2018 và hiện bị quản thúc tại gia. Đến cuối tháng 1-2019, theo Reuters, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc bà Meng và Huawei âm mưu vi phạm các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, ông Ren Zhengfei, nhà sáng lập Huawei, nói vụ bắt giữ con gái ông mang động cơ chính trị.
Tranh cãi quanh cáo buộc nhằm vào bà Meng và Huawei đe dọa làm phức tạp thêm nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Trang Bloomberg hôm 1-3 tiết lộ các quan chức Mỹ đang chuẩn bị một thỏa thuận thương mại mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể ký trong những tuần tới.
Ông chủ Nhà Trắng vào tuần rồi cho biết các cuộc thảo luận về việc hủy bỏ cáo buộc hình sự nhằm vào Huawei sẽ sớm diễn ra, dẫn đến phỏng đoán ông sẽ dùng vụ việc như một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại.
Trước mắt, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2-3 lên tiếng hoan nghênh Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vì động thái hoãn tăng thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế này dự kiến tăng từ 10% lên 25% từ ngày 1-3 nhưng cuối cùng vẫn được giữ nguyên sau khi ông Trump đánh giá tiến trình đàm phán đạt tiến triển. Đổi lại, nhà lãnh đạo này cho biết đã yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ lập tức mọi thuế quan đối với nông sản Mỹ.
Hiện chưa rõ đòi hỏi này tác động ra sao đến tiến trình đàm phán đang diễn ra. Trong lúc này, nội bộ Washington đang tranh luận về việc có thúc đẩy Bắc Kinh nhượng bộ nhiều hơn nữa hay không. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 28-2 cho biết hai nước đang thương thảo về một văn kiện dài 150 trang và nó có thể trở thành "một thỏa thuận rất chi tiết".
Cũng tỏ ra lạc quan, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đánh giá hai nước đang tiến gần một thỏa thuận "lịch sử", theo đó Bắc Kinh cam kết cắt giảm trợ cấp cho công ty nhà nước và tiết lộ liệu khi nào Ngân hàng Trung ương Trung Quốc can thiệp vào thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tỏ ra thận trọng hơn khi cho biết chính quyền ông Trump sẽ không chấp nhận một thỏa thuận nếu thiếu những thay đổi "cấu trúc" đáng kể đối với nền kinh tế Trung Quốc.