Thượng sỹ công an Thanh Hóa cướp ngân hàng có dấu hiệu phạm 4 tội?
Luật sư chỉ ra, thượng sỹ công an ở Thanh Hóa cướp tiệm vàng có dấu hiệu phạm 4 tội.
- 04-10-2019Vụ cướp ngân hàng Vietcombank: Thượng úy Công an huyện là nghi phạm gây án
- 06-09-2019Cướp ngân hàng Vietinbank ở Hà Nội
- 27-08-2019Vây bắt đối tượng dùng dao cướp ngân hàng tại Lào Cai
Công an Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đào Xuân Tư, nguyên công an huyện về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Vũ Ngọc Chi, giám đốc công ty luật Tam Anh cho rằng: Tư đã thực hiện chuỗi hành vi xâm phạm nhiều khách thể khác nhau được BLHS bảo vệ.
Nơi xảy ra vụ cướp
Cụ thể, việc Tư đến trụ sở NH, là nơi công cộng đã gây náo loạn, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội là đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng, theo điều 318 BLHS.
Về tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng theo quy định tại điều 304 BLHS mà CQĐT vừa khởi tố đối với Tư là có cơ sở. Bởi lẽ, dù Tư là công an, nhưng rõ ràng việc sử dụng súng trong tình huống này là không đúng theo quy định của ngành công an và trái pháp luật.
Cần xem xét thêm tội danh?
Theo luật sư Chi, ngoài các tội danh trên còn cần xem xét thêm tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134, BLHS. Theo quy định tại khoản 1 của điều luật này, nếu gây thương tích từ 11% đến 30%, hoặc dưới 11% thuộc trường hợp tại tiết a (dùng vũ khí) là đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích.
Đây là tội riêng biệt không nằm trong tội danh sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vì khách thể sức khoẻ của người bảo vệ ngân hàng thực tế đã bị xâm hại và cần giám định.
Trong trường hợp nạn nhân tổn thương cơ thể bằng 0 thì Tư mới không bị xem tội danh này.
Luật sư đưa ra quan điểm: Dù cựu cán bộ công an chưa cướp được tài sản, nhưng không cần bị can chiếm đoạt được tài sản, mà chỉ cần mục đích chiếm đoạt tài sản được xác định, cộng với việc sử dụng hoặc đe doạ ngay tức khắc sử dụng vũ lực, hoặc bị can có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không chống cự được là đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản.
Trong trường hợp lực lượng đối kháng áp đảo, dẫn đến việc Tư không thể thực hiện hành vi cướp tài sản đến cùng thì Tư vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản.
Nhưng hành vi phạm tội mới ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, theo quy định tại điều 15 BLHS. Theo đó, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm, nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chưa đạt.
Như vậy, để kết luận về việc Tư có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản hay không và chịu trách nhiệm ở mức độ nào, các cơ quan tố tụng cần phải tiến hành tố tụng để làm rõ.
Cần làm rõ thêm yếu tố chủ quan. Nếu Tư hành động nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, như vậy là đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản.
"Trong trường hợp này, không cần chiếm đoạt được tài sản, chỉ cần làm rõ bị can có mục đích chiếm đoạt tài sản, cộng với việc bị can đã sử dụng hoặc đe doạ ngay tức khắc sử dụng vũ lực, hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không chống cự được là đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản", luật sư Chi đưa ra quan điểm.
Theo lời khai ban đầu của Tư, khoảng 11h15 ngày 25/7, anh ta đi xe máy vào chi nhánh NH. Đối tượng dựng xe ngoài cửa rồi đi vào bên trong mà không tháo bịt mặt, mũ bảo hiểm.
Thấy vậy, bảo vệ NH phía ngoài là anh Phạm Văn Bằng (SN 1979) chặn lại và yêu cầu Tư tháo bỏ bịt mặt và mũ bảo hiểm.
Cựu cán bộ công an không chấp hành, rút súng đe dọa và đi tiếp vào phía trong.
Khi đến cửa, Tư tiếp tục bị bảo vệ thứ 2 là Lê Hữu Bảo (SN 1965) chặn lại. Đối tượng đã nổ 1 phát súng xuống nền nhà và 1 phát sượt đùi trái khiến bảo vệ bị thương trước khi lên xe bỏ đi.
Vietnamnet