MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thưởng Tết là cách để giữ chân người lao động

Thưởng Tết là cách để giữ chân người lao động

Năm nay, các doanh nghiệp dù rất khó khăn, nhưng đều có phương án, dù ít dù nhiều sẽ có thưởng Tết cho người lao động để tri ân sau 1 năm "đồng cam cộng khổ”. Mức thưởng Tết sẽ theo khả năng chi trả của mỗi doanh nghiệp.

Việc thưởng Tết cho người lao động không có quy định bắt buộc nhưng từ lâu điều này đã trở thành văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam, vừa để tạo động lực, giữ chân người lao động vừa để thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão. Tuy nhiên đây lại là lúc các doanh nghiệp đang phải tìm cách xoay xở với một loạt khó khăn vì thiếu đơn hàng sản xuất. Điều này cũng dự báo sẽ ảnh hưởng đến lương, thưởng Tết sắp tới. Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nội dung này.

Thưởng Tết là cách để giữ chân người lao động - Ảnh 1.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

PV: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào với những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp ở thời điểm ở thời điểm hiện nay ?

Ông Hoàng Quang Phòng: Trước diễn biến khó lường của tình hình quốc tế và sẽ tác động ảnh hưởng đến nước ngoài nên các cấp chức năng đã và đang có giải pháp nhận diện thị trường cũ và phát triển thị trường mới, tạo điều kiện tốt nhất cho đầu tư kinh doanh phát triển sản xuất, phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn. Bởi vì chúng ta mới khôi phục lại sản xuất trong thời gian ngắn sau COVID-19. Chúng ta lại đang tiếp nhận những khó khăn về thị trường cũng như về tình hình khu vực và quốc tế, sự điều chỉnh cơ cấu, tái cơ cấu lại của các doanh nghiệp đối tác, cho nên những biến động về thị trường, biến động về đối tác, thậm chí có cả khả năng suy giảm về những thỏa thuận hợp đồng trong thời gian tới. Tất cả những cái đó đó là hiện hữu, có thật và doanh nghiệp đã, đang nhận diện ra và sẽ sẵn sàng để thích ứng. Doanh nghiệp rất cần sự chung tay vào cuộc của cơ quan quản lý thấu hiểu, chia sẻ với họ với mong muốn xử lý giải quyết rốt ráo các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cộng đồng doanh nghiệp, các thành phần kinh tế được tiếp cận một cách bình đẳng tất cả các nguồn lực phát triển của xã hội từ nguồn vốn, đất đai, cơ hội phát triển cũng như cơ hội tiếp cận, tiếp xúc mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

PV: Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày dệt may đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy đơn hàng. Theo dự báo của ông thì tình trạng này sẽ còn kéo dài đến thời điểm nào?

Ông Hoàng Quang Phòng: Tình trạng này kéo dài tới điểm nào cụ thể nào thì cũng chưa thể dự báo chính xác. Thế nhưng các đối tác của các khối doanh nghiệp đều mong muốn chúng ta sớm giải quyết sự đứt gãy và họ cũng rất có niềm tin vào thị trường Việt Nam, vào các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, họ có niềm tin vào cách ứng xử của các doanh nghiệp trong ngành dệt may da giày. Vừa qua, tôi có dịp đi thăm và làm việc tại nước ngoài, có khảo sát các thị trường bên ngoài thấy rằng rất nhiều nhãn hàng “Made in Vietnam” được hiện diện và đáp ứng được yêu cầu. Khách hàng nước ngoài đặt niềm tin vào các sản phẩm của Việt Nam. Với một niềm tin như vậy thì không có lý do gì để chúng ta phải bi quan về số lượng các đơn hàng trong thời gian tới. Đặc biệt với sự năng động, sáng tạo quyết tâm, trí thông minh, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc của doanh nghiệp Việt cùng với đóng góp của người lao động sẽ tìm ra hướng ra để thích ứng và khỏa lấp được lỗ hổng của các chuỗi đứt gãy vừa qua.

PV: Trong bối cảnh chồng chất khó khăn như vậy, Tết nguyên đán lại đang cận kề, nhiều người lo lắng vấn đề lương thưởng tết cho người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ông có dự báo như thế nào về vấn đề lương thưởng tết năm nay?

Ông Hoàng Quang Phòng: Bất cứ doanh nghiệp nào, chủ sử dụng lao động nào khi hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh trong một năm người ta cũng đã tính đến các dự kiến thưởng cho người lao động mẫn cán, có sáng kiến, sáng tạo. Vào dịp lễ Tết năm nay dù rất khó khăn, nhưng tôi tin tất cả các chủ sử dụng lao động đều có phương án, dù ít dù nhiều theo khả năng chi trả của mỗi doanh nghiệp. Người lao động sẽ được nhận mức thưởng Tết phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. Tôi nghĩ đây cũng là cách để vừa là để giữ chân người lao động, vừa là tri ân người lao động sau 1 năm "đồng cam cộng khổ” cùng doanh nghiệp. Hy vọng rằng, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền cần thiết có gói chính sách hỗ trợ phù hợp, đảm bảo tính thời sự đáp ứng được nhu cầu mong muốn của doanh nghiệp và giải quyết được khó khăn ở thời điểm hiện tại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh phải báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động trước ngày 25.12. Các Sở Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động. Từ đó, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.

Bộ cũng yêu cầu các Sở Lao động Thương binh và Xã hội cần hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động. Chẳng hạn như tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định...

Theo Thanh Hương

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên