Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ trong 2 năm: Trường Đại học Luật Hà Nội nói gì?
Sau khi thông tin Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ sau hai năm làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Luật Hà Nội, lãnh đạo trường đại học này cho biết đang rà soát các mốc thời gian học tập của Thượng tọa.
- 25-06-2024Bộ Giáo dục hỏa tốc yêu cầu báo cáo việc Thượng tọa Thích Chân Quang làm tiến sĩ trong 2 năm
- 25-06-2024Bằng tiến sĩ của ông Thích Chân Quang: Chuyên gia nói bất thường, người hướng dẫn nói bình thường
Vừa qua, trên mạng xã hội xôn xao thông tin Thượng tọa Thích Chân Quang tốt nghiệp Cử nhân Luật hệ tại chức năm 2019, thế nhưng năm 2021 đã nhận bằng Tiến sĩ Luật , cùng tại Trường đại học Luật Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Trường ĐH Luật Hà Nội , cho biết theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, đối tượng học lên tiến sĩ bao gồm cử nhân, thạc sĩ.
Trong đó, đối tượng cử nhân phải tốt nghiệp từ loại giỏi trở lên được học thẳng lên tiến sĩ. Thượng tọa Thích Chân Quang học cử nhân tốt nghiệp loại giỏi và học thẳng lên trình độ tiến sĩ ngành luật hiến pháp - hành chính.
Khi làm nghiên cứu sinh, Thượng tọa Thích Chân Quang phải học thêm các môn học của chương trình thạc sĩ thuộc chuyên ngành tương ứng, làm luận án và bảo vệ luận án tốt nghiệp.
Lý giải việc thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, theo lãnh đạo Trường ĐH Luật có 2 nguyên nhân là Thượng tọa Thích Chân Quang không phải học qua thạc sĩ và làm xong, bảo vệ sớm luận án tiến sĩ.
Tuy vậy, đại diện Trường ĐH Luật cũng khẳng định nhà trường đang rà soát lại các mốc thời gian mà Thượng tọa này theo học tại trường và sẽ có thông tin đến cơ quan báo chí.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn Thượng tọa Thích Chân Quang làm nghiên cứu sinh, giáo dục đại học đang áp dụng Thông tư 08 được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2017 về Quy chế đào tạo Tiến sĩ.
Theo quy chế này, thời gian học của nghiên cứu sinh sẽ chịu sự quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018, Quyết định 1981 phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Thủ tướng Chính phủ và quy định của quy chế.
Theo đó, cử nhân tốt nghiệp loại giỏi được học thẳng lên tiến sĩ. Tuy nhiên, trong Luật, các văn bản dưới luật liên quan đã trình bày ở trên, quy định với nghiên cứu sinh chưa học thạc sĩ, các học phần bổ sung bao gồm các học phần ở trình độ thạc sĩ thuộc ngành hoặc chuyên ngành tương ứng, trừ các học phần ngoại ngữ và luận văn; có khối lượng kiến thức tối thiểu 30 tín chỉ để đảm bảo nghiên cứu sinh đạt chuẩn đầu ra Bậc 7 của Khung trình độ quốc gia và yêu cầu của lĩnh vực, đề tài nghiên cứu.
Cùng với đó mỗi nghiên cứu sinh phải hoàn thành từ 6 đến 9 học phần ở trình độ tiến sĩ với khối lượng từ 14 tín chỉ đến 20 tín chỉ, trong đó tiểu luận tổng quan và 2 hoặc 3 chuyên đề tiến sĩ do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định là những học phần bắt buộc.
Ngoài ra, việc tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu, kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh.
Các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ tiếp nhận người tốt nghiệp trình độ thạc sĩ hoặc người tốt nghiệp trình độ đại học nếu đáp ứng được các yêu cầu của chương trình đào tạo. Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ tương đương 3 đến 4 năm học tập trung tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo và trình độ đầu vào của người học.
Với những quy định như trên, dư luận rất cần câu trả lời xác đáng từ lãnh đạo Trường ĐH Luật Hà Nội.
Tiền Phong