MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai: Cán bộ chưa biết sợ hay do lòng tham không đáy?

10-01-2024 - 17:58 PM | Xã hội

“Cán bộ chưa biết sợ hay do lòng tham không đáy, để rồi vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng phức tạp, có vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan cả Trung ương, cả cán bộ địa phương”, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đặt vấn đề.

"Liêm chính là phải tự rèn luyện"

Sáng 10/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương năm 2023, phương hướng nhiệm vụ 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng , tiêu cực cấp tỉnh đã nghiêm túc thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị sơ kết 1 năm thành lập, khẩn trương kiện toàn bộ máy, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc và đưa hoạt động đi vào nề nếp, tạo chuyển biến rõ nét.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai: Cán bộ chưa biết sợ hay do lòng tham không đáy? - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị

"Từng cơ quan, từng tổ chức, từng địa phương, cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu phải hết sức chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nói phải đi đôi với làm", Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.

Bà Trương Thị Mai viện dẫn, trong năm 2023, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022). Điều này thể hiện quyết tâm cao của nhiều ban chỉ đạo và trực tiếp là các bí thư cấp tỉnh với nhiệm vụ được phân công là trưởng ban chỉ đạo.


Một số vụ án lớn kéo dài nhiều năm đã được khẩn trương xem xét, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã được đề cập trước đây, qua đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, cán bộ đảng viên.


Thường trực Ban Bí thư cũng cho biết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Nội chính Trung ương đã luôn chủ động trong công tác tham mưu các chủ trương, chính sách lớn mang tính chiến lược. Không chỉ dừng lại ở công tác nội chính, phòng chống tham nhũng tiêu cực, mà còn tham mưu chủ trương, giải pháp để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới, cơ chế kiểm soát quyền lực , cơ chế chỉ đạo phát hiện xử lý tài sản tham nhũng…

Theo bà Mai, đến nay, công tác tham mưu đã đạt được kết quả mà chưa nhiệm kỳ nào đạt được. Trong đó, đã ban hành được ba quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong hoạt động các cơ quan thanh tra, kiểm tra , kiểm toán và trong công tác cán bộ. Tới đây sẽ xây dựng, ban hành tiếp hai quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong xây dựng, ban hành chính sách pháp luật và trong quản lý sử dụng tài sản công.


“5 quy định này hợp lại thành một hệ thống kiểm soát quyền lực, góp phần hoàn thiện việc thực hiện nguyên tắc về tổ chức bộ máy nhà nước. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp và kiểm soát quyền lực”, bà Trương Thị Mai cho hay.

Đề cập đến tổ chức bộ máy, theo Thường trực Ban Bí thư, cán bộ ngành nội chính đã tiếp tục được kiện toàn, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu. Đáng lưu ý, có địa phương đề nghị phải tổ chức lớp tập huấn về vấn đề liêm chính. Tuy nhiên theo bà Mai, liêm chính là phải tự rèn luyện. “Đảng, Nhà nước đưa ra các quy định để anh tăng cường sự liêm chính. Liêm chính từng cán bộ, từng đảng viên phải tự rèn luyện, cán bộ phải tự soi, tự sửa”, bà Trương Thị Mai lưu ý.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai: Cán bộ chưa biết sợ hay do lòng tham không đáy? - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và xử lý

Bên cạnh những kết quả nổi bật, Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng, qua thực tiễn vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, khắc phục các hạn chế, tồn tại, vướng mắc đã nêu trong báo cáo. Chẳng hạn như nơi này, nơi kia chưa thật quyết tâm cao, có nơi còn e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích.

Theo bà Mai, trong 83 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có 59 cán bộ vi phạm do các nhiệm kỳ trước đây, nhưng cũng có 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này. Dẫn đến câu hỏi trong dư luận: Trong các nhiệm kỳ gần đây, dù đã đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, chưa từng có, nhưng tại sao vẫn còn vi phạm?

“Cán bộ chưa biết sợ hay do lòng tham không đáy, để vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng phức tạp, có vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan cả trung ương, cả cán bộ địa phương?…”, bà Mai nêu và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nguyên nhân, để có giải pháp khắc phục tốt hơn.

Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng, từng cơ quan, từng tổ chức, từng địa phương, cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu phải hết sức chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nói phải đi đôi với làm. "Cán bộ càng làm cao, càng phải gương mẫu. Bởi càng làm cao, sự lan tỏa của mình càng lớn. Mình tốt thì sự lan tỏa tích cực càng mạnh mẽ, mình mà tệ thì sự lan tỏa tiêu cực cũng ảnh hưởng lớn", bà Mai nói.

Chỉ còn 2 năm nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ, bà Trương Thị Mai đề nghị, trong 2 năm còn lại phải tăng tốc để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, tạo nền tảng vững chắc cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

“Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá với phương châm kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện xử lý kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ…”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên