MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương vụ bạc tỷ ở Khoáng sản FECON, hé lộ lý do hai công ty cọc bê tông lớn nhất Việt Nam về cùng một nhà

18-09-2018 - 15:56 PM | Bất động sản

Hiện nay, Phan Vũ, Khoáng sản FECON (FCM), Kiến Hoa, Minh Đức được xem là những đơn vị cung cấp cọc bê tông dự ứng lực lớn nhất tại Việt Nam. Mới đây, Phan Vũ bất ngờ thâu tóm 51% cổ phần tại FCM và trở thành cổ đông chiến lược tại đơn vị này.

Tại ĐHĐCĐ bất thường của FCM mới đây, các cổ đông công ty này đã thông qua việc CTCP Đầu tư Phan Vũ trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 51% cổ phần. Đồng nghĩa 2 doanh nghiệp cung cấp cọc bê tông hàng đầu Việt Nam sẽ về cùng "một nhà". Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết để sở hữu 51% FCM, Phan Vũ phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng.

Thương vụ bạc tỷ này diễn ra khá bất ngờ bởi cả hai đều đang là một trong những nhà cung cấp cọc bê tông hàng đầu Việt Nam. Phan Vũ được biết đến nhiều hơn ở phía Nam, và do Tập đoàn cọc bê tông lớn nhất Nhật Bản Japan Piles nắm cổ phần chi phối. Hiện Phan Vũ có tới 6 nhà máy sản xuất cọc bê tông ly tâm ứng suất trước trải khắp cả nước, với doanh thu hàng năm khoảng 2.000 tỷ đồng, dự kiến năm nay đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.

Còn Khoáng sản FECON hiện đang là doanh nghiệp sản xuất cọc bê tông duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán. Đơn vị này được biết đến là nhà cung cấp cọc bê tông lớn nhất miền Bắc, công suất 9.000 m/ngày. Doanh nghiệp này cũng đã sớm đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực có đường kính lớn nhất miền Bắc theo tiêu chuẩn Nhật Bản, chuyên cung cấp cho các công trình lớn. Hiện FCM đang sở hữu 2 dây chuyền sản xuất tại Hà Nam, FCM còn là công ty mẹ của FECON Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Tại ĐHCĐ bất thường, đại diện của Phan Vũ hé lộ lý do đầu tư vào FCM là bởi đơn vị này muốn mở rộng thị phần, nhằm vươn "cánh tay" ra thị trường miền Bắc. Ngược lại, phía FCM cũng sẽ phát huy được hết thế mạnh ở vùng nguyên liệu rẻ nhất Việt Nam để nâng cao năng suất, hai bên sẽ có thể mở rộng ra cả thị trường nước ngoài.

Thay vì việc cứ 2 năm Phan Vũ sẽ xây dựng hoặc đầu tư một nhà máy ở phía Bắc để mở rộng thị phần, thì công ty này đã chọn hướng mua 51% FCM, để có thể sở hữu ngay lợi thế của đơn vị này. Ngoài ra, Phan Vũ còn đánh giá cao sự tăng trưởng ổn định 15% mỗi năm của FCM trong giai đoạn 2012-2017.

Sau khi cả hai bên cùng hợp tác, ông Hà Thế Phương, Chủ tịch HĐQT của FCM cho biết, công ty sẽ được tiếp cận về công nghệ, nguồn vốn vay từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất thấp, quản trị tài chính, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, để mở rộng thị trường và dành thị phần từ các đối thủ.

Đặc biệt, Phan Vũ hiện đang sở hữu công nghệ sản xuất, thi công cọc ly tâm ứng xuất trước được chuyển giao từ Japan Pile - Tập đoàn cọc bê tông ly tâm lớn nhất Nhật Bản. Điều này sẽ giúp FCM có thể có thêm những sản phẩm mới, theo kịp thời đại.

Ông Phương chia sẻ, hợp tác với Phan Vũ, FECON sẽ tái cấu trúc lại nguồn vốn để cùng Phan Vũ đầu tư thêm một dây chuyền cọc có đường kính lớn (D700 – D1200), mở rộng nhà máy FECON Nghi Sơn (Công ty con của FCM).

FECON Nghi Sơn có thế mạnh với nguồn nguyên liệu giá rẻ và vị trí thuận lợi trong việc vận tải đường biển đi đến các công trình dọc đất nước cũng như xuất khẩu ra các nước trong khu vực.

Trong thời gian tới, khi dây chuyền mới đi vào hoạt động, FCM đặt mục tiêu doanh thu lên tới 1500 tỷ/năm.

Hiện nay, đa phần các dự án bất động sản lớn đều sử dụng cọc bê tông dự ứng lực, là sản phẩm không thể thiếu ở các công trình là khu công nghiệp, nhà máy, kho, xưởng, cảng biển …Vì thế, gần đây FCM thường có mặt ở những dự án lớn như nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), Dự án Vinfast (Hải Phòng), dự án tòa nhà trụ sở Viettel (Hà Nội) dự án Nhà máy LG Display Hải Phòng, Dự án Casino Nam Hội An (Quảng Nam)…

Thương vụ bạc tỷ ở Khoáng sản FECON, hé lộ lý do hai công ty cọc bê tông lớn nhất Việt Nam về cùng một nhà - Ảnh 1.

Theo báo cáo triển vọng ngành xây dựng của CTCK BIDV, thị trường xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ vào vốn FDI tiếp tục tăng. Theo dự báo của BMI, ngành xây dựng sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thực trong năm 2018 đạt 9,63% và đạt mức bình quân khoảng 7,8% trong giai đoạn 2018-2021. Các công trình, hạ tầng sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng, do đó các doanh nghiệp trong ngành còn nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển, bao gồm các đơn vị cung cấp sản phẩm cọc bê tông như FCM và Phan Vũ.

Do đó, thương vụ bạc tỷ trong ngành xây dựng này được giới chuyên môn đánh giá là lợi cả đôi đường, cho cả Phan Vũ lẫn FCM.

Được biết, nửa đầu 2018, FCM đạt 462 tỷ đồng doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 66% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế chưa hợp nhất cũng vượt kế hoạch, đạt 28 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, FCM có tổng tài sản 967 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 42 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng sẽ hoàn thành được kế hoạch doanh thu 700 tỷ đồng và lãi ròng 34 tỷ đồng trong năm nay.

Bình An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên