Thương vụ mua bán sắt vụn tháp Eiffel khiến cả thế giới choáng váng
Victor Lustig cho đến nay vẫn được biết đến là một trong những siêu lừa nổi tiếng nhất mọi thời đại với thương vụ mua bán sắt vụ tháp Eiffel trị giá 50.000 USD.
Victor Lustig sinh năm 1890 tại Bohemia, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Lustig thông thạo 5 thứ tiếng: Séc, Anh, Pháp, Đức và Italia. Dù thông minh, nhưng Lustig không đi theo con đường chính đạo mà quyết định sử dụng những mánh lới học từ trường đời để thực hiện các phi vụ lừa đảo thế kỷ.
Phi vụ lớn đầu tiên của Lustig là lừa bán một chiếc máy in tiền với giá 10.000 USD. Kể từ đó, Victor bươn chải gần xa, thậm chí còn có thời gian sang Mỹ và lừa đảo được hàng trăm nghìn USD từ các ngân hàng và doanh nhân ở đây.
Victor Lustig.
Tới tháng 5/1925, Lustig trở về châu Âu và định cư ở Pháp. Tại đây, hắn học cưỡi ngựa, trở thành tay đua chuyên nghiệp và kiếm được không ít tiền từ trò cá ngựa. Số tiền này giúp Lustig sống một cuộc sống khá sung túc. Nhưng chừng đó với Lustig là chưa đủ.
Khi bắt đầu chán nản với cuộc sống mới, Lustig tình cờ đọc được tin Eiffel sắp được sửa chữa hoặc phá bỏ. Cùng với một siêu lừa khác, Lustig chuẩn bị một loạt giấy tờ liên quan và mời chào 6 nhà tư bản ngành luyện kim tới khách sạn Crillon trên quảng trường Concorde để bàn bạc về số phận ngọn tháp.
Nhờ khả năng ăn nói lưu loát, thông thuộc nhiều ngoại ngữ và ngoại hình bảnh bao, Lustig dễ dàng sắm vai Thứ trưởng Bộ Bưu điện Pháp. Trong vai vị quan chức cấp cao, Lustig tiết lộ với các con mồi về kế hoạch mua bán sắt vụn tháp Eiffiel do kinh phí sửa chữa quá lớn và rằng chỉ có duy nhất những người được y mời đến mới biết được thông tin này bởi chính phủ không muốn những người yêu mến biểu tượng của nước Pháp phản đối.
Sau phiên đấu giá kín, doanh nhân Andre Poisson thành công khi trở thành chủ hạng mục tháo dỡ tháp với mức giá 50.000 USD. Vị triệu phú này thậm chí còn viết ngay một tấm séc và trao lại cho thứ trưởng giả vì những tưởng thắng phi vụ làm ăn béo bở.
Nhưng tới khi mang theo một đội thi công tới tháo dỡ, Andre mới biết mình bị lừa. Còn vị thứ trưởng lừa đảo thời điểm đó cao chạy xa bay tới Bắc Mỹ và thực hiện thêm hàng loạt vụ lừa đảo ở New York và Chicago.
Tới cuối những năm 1930, Lustig trở lại Paris và tiếp tục lừa bán thành công tháp Eiffiel. Số tiền thu được lần này thậm chí còn lớn hơn, 75.000 USD.
Sau lần trúng đậm này Lustig thực hiện một vài phi vụ khác trước khi bị cảnh sát Mỹ bắt giữ và kết thúc sự nghiệp tại nhà tù khét tiếng Alcatraz vào năm 1935. 12 năm sau, Lustig qua đời vì căn bệnh sưng phổi.
VTCnews