Thương vụ sáp nhập tỷ đô giữa Tiki và Sendo đã bị hủy?
Bên cạnh dịch Covid-19, nguyên nhân bất thành được cho là sự bất đồng quan điểm giữa các cổ đông lớn.
Theo trang Deal Street Asia, hai trang thương mại điện tử Tiki và Sendo đã quyết định huỷ bỏ phương án sáp nhập giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nguồn tin từ DealstreetAsia cho hay. Mặc dù trước đó không lâu, những thông tin về việc tiến đến một thoả thuận chính thức được đăng tải.
Bên cạnh dịch Covid-19, nguyên nhân bất thành được cho là sự bất đồng giữa các cổ đông lớn. Hiện, cơ cấu cổ đông của Tiki và cả Sendo đều tương đối phân mảnh, không một bên nào có tiếng nói trọng yếu khi mức sở hữu cao nhất chỉ dừng lại ở 26% vốn.
Kết cục, "hàng loạt cổ đông không đồng ý với những điều khoản của vụ sáp nhập vì thế thỏa thuận này hiện đang tạm thời bị ngưng vô thời hạn", một nguồn tin thân cận cho biết. Đơn cử là JD.Com – hiện nắm 20% vốn tại Tiki. Khi mà, tình hình kinh doanh giữa 2 doanh nghiệp ngày càng khác biệt. "Các điều khoản sáp nhập đã được đồng ý dựa vào tình hình trước đại dịch. Trong dịch Covid-19, tỷ lệ sáp nhập đã chuyển đáng kể nghiêng về hướng Tiki nhưng các nhà đầu tư cảm thấy rằng thỏa thuận không tạo ra bất kỳ ý nghĩa chiến lược nào cho công ty này", nguồn tin cho biết thêm.
Được biết, việc tiến đến sáp nhập của Tiki và Sendo được đưa ra trong lúc thị trường thương mại điện tử cạnh tranh ngày càng khốc liệt, với đối thủ cực kỳ mạnh hiện nay là Lazada hậu thuẫn bởi "ông lớn" Alibaba và Shopee dưới trướng SEA. Theo đó, mục đích về chung một nhà theo giới quan sát nhằm củng cố và nâng cao vị thế của hai bên. Mặc dù vậy, "mối nhân duyên" này thực sự không nhận được nhiều tán thành từ dư luận, nhiều ý kiến cho rằng Tiki và Sendo có những chênh lệch về dịch vụ, hàng hoá…
Ghi nhận, dù rò rỉ thông tin về chung nhà hơn 1 năm qua, Tiki và Sendo vẫn liên tục "tự thân" tăng vốn điều lệ - động thái không thường thấy nếu như 2 bên thực sự muốn đi đến sáp nhập.
Hiện tại cả 2 trang thương mại điện tử này vẫn liên tục phải gọi vốn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh vốn vẫn đang lỗ lớn giống như hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử khác. Báo cáo của VNG cho biết năm 2019 Tiki lỗ 1.766 tỷ đồng - tăng hơn 1000 tỷ so với mức lỗ 756 tỷ đồng của năm 2018.
Tính đến tháng 5/2020, Sendo đã đạt mức vốn 114 tỷ đồng, tăng phần ba chỉ sau 1 năm, so với con số ban đầu là 88 tỷ đồng. Cuối tháng 11/2019, Sendo công bố đã huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. FPT hiện vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài gồm SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa…
Về phía Tiki, đơn vị này cũng có 2 lần tăng vốn trong năm 2019 vào tháng 6 và tháng 12 hiện 2 cổ đông chính hiện vẫn là VNGvà JD.com
Đầu tháng 6/2020, cũng nguồn tin từ Deal Street Asia cho biết Tiki vừa huy động thành công thêm 130 triệu USD trong vòng huy động vốn mới nhất mà dẫn đầu là công ty quỹ tư nhân Northstar Group. Thông tin này được đưa ra sau khi Tiki hoàn tất tăng vốn từ 191 tỷ lên 208 tỷ đồng vào cuối tháng 5.
Cả Tiki và Sendo hiện có chung ít 1 nhất cổ đông ngoại là Success Elite Holdings Limited: nhà đầu tư này hiện nắm 5% cổ phần của Tiki và 2% cổ phần của Sendo.