Thường xuyên nói 5 câu này ở nơi làm việc, EQ của bạn đang dần cao lên: Số 1 ai cũng muốn nghe
Trí tuệ cảm xúc (EQ) là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà bất cứ ai cũng cần để thành công trong công việc, đây cũng là kỹ năng khó thành thạo nhất.
- 18-05-2023Cử nhân 7x của Bách Khoa bỏ việc Petrolimex để khởi nghiệp trong ngành "không giống ai": Gồng mình để bước ra từ vực thẳm
- 18-05-2023Cổ nhân truyền lại: "Giàu không ở lầu lớn, nghèo không thể đi xa" Nguyên nhân đằng sau khiến ai cũng gật gù
- 17-05-2023"Bạn gái thường đi đêm vì công việc, bạn có đồng ý không?" Ứng viên nam phản ứng một cách quyết đoán và được thuê ngay tại chỗ
Trí tuệ cảm xúc "không đến một cách tự nhiên"
Trí tuệ cảm xúc cũng chính là khả năng xác định, theo dõi cảm xúc của bản thân và của người khác. Chỉ số này có thể được nhìn thấy trong cách chúng ta quản lý hành vi, đưa ra quyết định và điều chỉnh các tình huống xã hội khác nhau.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng EQ có thể là một yếu tố quyết định mạnh mẽ đến thành công, thậm chí vượt qua cả IQ (chỉ số thông minh) và kinh nghiệm. Chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) cao giúp bạn xây dựng các mối quan hệ bền chặt hơn, xoa dịu xung đột và đối phó với căng thẳng tốt hơn.
Trong cuộc khảo sát của nền tảng học tập điện tử Preply, với hơn 1.006 người Mỹ, gần ba phần tư các chuyên gia nói rằng chỉ số EQ cao mới là yếu tố giúp bạn thăng tiến trong công việc dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu Daniel Goleman của Đại học Harvard chỉ ra, điều mà hầu hết mọi người không nhận ra là việc phát triển trí tuệ cảm xúc "không đến một cách tự nhiên".
Emily Liou, một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, đồng thời là người sáng lập nền tảng tìm kiếm việc làm Cultivitae cho biết: Trở nên thông minh hơn về mặt cảm xúc trong công việc bắt đầu bằng việc giao tiếp rõ ràng, đồng cảm.
5 câu nói giúp nâng tầm EQ
Theo các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, họ tổng kết được rằng, có 5 câu nói phổ biến mà người EQ cao thường sử dụng, đem lại hiệu quả rất tốt cho công việc.
Đó là:
"Tôi đánh giá cao bạn/công việc của bạn"
"Tôi có thể làm gì để giúp bạn không?"
"Tôi vẫn đang lắng nghe."
"Tôi muốn nghe quan điểm của bạn về vấn đề này."
"Tôi muốn nghe thêm về [X]. Chúng ta sắp xếp thời gian nói chuyện được không?"
Một câu đơn giản như "Tôi đánh giá cao bạn/công việc của bạn" đứng đầu danh sách, với 34% chuyên gia xếp hạng. Mọi người đều cho rằng, đây là cụm từ số 1 mà họ muốn nghe từ đồng nghiệp và sếp của mình.
Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Dawid Wiacek cho biết lý do cụm từ này rất hiệu quả. Đây là cách đơn giản để bày tỏ lòng biết ơn mà vẫn đem tới "tác động tích cực sâu sắc" đối với người nhận lời khen.
Anh nói thêm: "Chúng ta có xu hướng lạm dụng một cụm từ tương tự: 'Tôi thích ý kiến của bạn' tại nơi làm việc, đến mức nó gần như mất đi ý nghĩa và tầm quan trọng. Vì vậy, cách nói 'Tôi đánh giá cao bạn' là một thứ gì đó mới mẻ hơn, khiến mọi người cảm thấy bản thân có giá trị và quan trọng."
Các cụm từ khác trong danh sách, bao gồm "Tôi có thể làm gì để giúp bạn không?" và "Tôi đang lắng nghe" cũng có hiệu quả tốt. Chúng thể hiện sự đồng cảm và quan tâm của bạn đối với người khác cũng như kỹ năng lắng nghe tuyệt vời, Emily Liou nói.
Cô nói thêm: "Người trưởng thành và khôn ngoan đến mấy cũng có lúc nổi cơn thịnh nộ. Chúng ta có thể lựa chọn đả kích, chỉ trích người khác, hoặc im lặng khi thất vọng hoặc cảm thấy bị hiểu lầm. Nhưng không thể tránh xung đột hoàn toàn. Vì vậy điều thực sự quan trọng là phải nhận thức được cách bạn quản lý xung đột và đối xử với người khác. Nếu không, bạn có thể trở thành kiểu đồng nghiệp đáng ghét, không ai muốn làm việc cùng."
Để trở nên khôn khéo hơn trong giao tiếp, trước hết, bạn cần trở thành một người biết tích cực lắng nghe. Trong khi trò chuyện với đồng nghiệp, đừng cố gắng tỏ vẻ mình là người đa nhiệm. Nếu ai đó đang chia sẻ điều gì đó về họ, có thể là một vấn đề liên quan đến công việc hoặc một chủ đề hoàn toàn khác, đừng chuyển trọng tâm cuộc trò chuyện về phía mình.
Liou giải thích: "Hầu hết mọi người đều nhanh chóng nhồi nhét câu chuyện hoặc ý kiến của bản thân khi đồng nghiệp đang nói với họ điều gì đó. Thoạt nhìn, điều này có vẻ là một cách thể hiện sự đồng cảm. Nhưng thực ra nó khiến tình huống trở nên khó xử, đối phương cũng bức bối khi chưa thể truyền tải hết những gì mình muốn.
Thay vào đó, hãy yên lặng lắng nghe khi người khác nói. Đợi tới khi họ nói xong, hãy đặt câu hỏi tiếp theo, hoặc chỉ cần nói 'Tôi vẫn đang nghe' là được."
Cuối cùng, trí tuệ cảm xúc là một đặc điểm quan trọng khiến những người đạt thành tích cao trở nên khác biệt với đồng nghiệp của họ, Waicek nói. Bởi vì mọi người muốn cảm thấy "được khẳng định sự tồn tại, được lắng nghe và được công nhận" trong công việc cũng như trong cuộc sống cá nhân của họ.
Tóm lại, EQ cao có thể giúp bạn tránh khỏi những mâu thuẫn không đáng có hằng ngày, đặc biệt là trong môi trường công sở. Đó cũng trở thành nhân tố thúc đẩy bạn và cả người xung quanh làm việc hiệu quả hơn.
Hiện nay, trí tuệ cảm xúc được đánh giá là một điều kiện quan trọng không kém các kỹ năng chuyên môn trong quá trình tuyển dụng. Thậm chí, một số tập đoàn đa quốc gia còn có ứng viên thực hiện một bài test EQ trước khi quyết định tuyển dụng.
*Theo: CNBC
Trí Thức Trẻ