MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy điện đền bù vì xả nước gây chết 600 cây keo của người dân

29-11-2024 - 19:59 PM | Thị trường

Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum vừa thống nhất phương án hỗ trợ và khắc phục sau khi nước từ hầm điều áp gây chết 600 cây keo của một hộ dân.

Chiều 29/11, UBND xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông, Kon Tum ) cho biết, sau phản ánh về việc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum xả nước gây chết cây trồng, địa phương đã mời đại diện công ty và người dân đến làm việc.

Thủy điện đền bù vì xả nước gây chết 600 cây keo của người dân- Ảnh 1.

Vườn của ông A Bình có khoảng 600 cây keo hơn 3 năm tuổi bị chết do ngập nước

Cụ thể, lực lượng chức năng đã đến kiểm tra thực địa và ghi kiểm kê có khoảng 600 cây keo chết do bị úng nước tại rẫy của hộ ông A Bình. Nguyên nhân bởi thời gian qua trên địa bàn mưa nhiều kết hợp với một phần nước chảy từ hầm phụ 1 của Thủy điện thượng Kon Tum gây ngập úng thối rễ cây keo.

Theo ông A Bình, kể từ khi nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động năm 2021, nước từ trong hầm chảy ra cả ngày lẫn đêm gây ngập vườn. Gia đình có khoảng 600 cây keo hơn 3 năm tuổi bị chết do ngập nước.

“Cần có biện pháp chuyển nước từ hầm phụ 1 của thủy điện sang hướng suối Điek Xót để không làm ảnh hưởng thiệt hại sau này cho gia đình. Đồng thời, tôi đề nghị phía Thủy điện Thượng Kon Tum hỗ trợ lại tiền mua cây giống”, ông Bình nói.

Thủy điện đền bù vì xả nước gây chết 600 cây keo của người dân- Ảnh 2.

Cửa hầm điều áp của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum

Phía công ty thủy điện Thượng Kon Tum cũng thống nhất hỗ trợ cho hộ A Bình với số tiền 3 triệu đồng để mua cây giống trồng lại và cam kết chuyển nước chảy từ hầm phụ 1 về hướng suối Điek Xót. Thủy điện này cũng cam kết khắc phục chuyển dòng chảy sang hướng suối Điek Xót trước ngày 5/12.

Ông Võ Xuân Tựu - Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem cho biết, để khắc phục tình trạng dòng nước từ hầm điều áp của nhà máy thủy điện gây tiếng ồn, phía thủy điện đã chia nước xả thành hai dòng chảy. Tuy nhiên, dòng chảy thứ hai (qua làng Điek Tem) làm ảnh hưởng, gây ngập úng vườn cây keo của hộ ông A Bình. Đồng thời, rọ đá ở khu vực này cũng xuống cấp khiến tình trạng nước chảy gây ngập úng nhiều hơn.

“Sau khi nghe thông tin, UBND xã cùng đại diện thủy điện Thượng Kon Tum đến kiểm tra thực địa, ghi nhận thiệt hại. Xã cũng yêu cầu nhà máy này chặn dòng chảy về hướng làng Điek Tem, chỉ để nước chảy 20% lưu lượng ban đầu để phục vụ sinh hoạt, nuôi thủy sản.

Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum là công trình thủy điện cấp I được đầu tư hơn 9.500 tỉ đồng. Dung tích hồ chứa 145,52 triệu m 3 . Đập dâng chính có kết cấu đất đá hỗn hợp; cao trình đỉnh đập 1.164m so với mực nước biển. Dự án được khởi công vào 9/2009 và hoàn thành vào 5/2022.


Theo Nguyên Lê

Tiền Phong

Trở lên trên