MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy điện Hố Hô xả lũ: "Lượng mưa lớn hơn thì sẽ như thế nào?"

17-10-2016 - 07:36 AM | Xã hội

ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng có việc quy hoạch thủy điện không chuẩn và Quốc hội đã rà soát. Vào tháng 10/2013, Quốc hội cũng đã loại 424 dự án thủy điện.

Trước đó, vào tối 14/10, thủy điện Hố Hô (Hương Khê, Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/s trong vòng 4 tiếng đồng hồ khiến hàng nghìn hộ dân huyện Hương Khê trở tay không kịp, bị ngập sâu trong biển nước. Trong đó có 8 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Đây là thủy điện nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, được đưa vào vận hành năm 2010 nhưng trận lũ lịch sử 2010 tàn phá nên đầu năm 2013 mới vận hành trở lại. Nhà máy thủy điện có công suất 14 MW, dung tích hồ chứa 38 triệu m3.

Trước sự cố này, lãnh đạo Công ty Thủy điện hồ 4 khẳng định, việc xả lũ tại đập Hố Hô là làm đúng quy trình, đã có văn bản gửi chính quyền xã, huyện. Việc xả lũ quá nhanh, dân trở tay không kịp là do mưa lớn.

Trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề này, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An nhận định: Việc xả lũ phải tính như thế nào, tất nhiên đúng lúc ấy thủy điện không xả lũ cũng "gay", nhưng dồn một lúc thế này thì dân rất khổ.

“Tôi đọc thông tin thấy Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An ngập nhiều quá. Không biết rằng trong quá trình lập dự án, thiết kế xây dựng thủy điện này họ có tính toán đến tình huống mưa lũ với lưu lượng nước lớn như thế này hay không? Đồng thời một lúc như thế này là quá nặng nề cho người dân cho nên không biết các vị đã tính toán đến tình huống này chưa?” – ĐBQH Bùi Thị An trăn trở.

Theo bà Bùi Thị An, nếu mà chưa tính đến tình huống trên thì cần có ngay phương án khắc phục bổ sung ngay lập tức. Bởi vì biết đâu trong thời gian tới còn mưa tiếp, lượng mưa lớn hơn thì sẽ như thế nào? Không thể để chuyện như thế này xảy ra nữa dù biết rằng đúng lúc ấy thủy điện cũng cần xả.

Phóng viên đặt câu hỏi cho bà Bùi Thị An về tình trạng các thủy điện phải xả lũ bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay không còn là "chuyện lạ": Trước đó, vào năm 2015, thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế) bất ngờ xả lũ khiến nước trên sông tràn vào khiến cánh đồng lúa xã Quảng An (Quảng Điền) chìm sâu trong nước. Hoặc năm 2013, khi nước ở các đập thủy điện dâng cao ở Đắk Lắk, UBND huyện Ea H’leo và Ban quản lý đập đã cho xả lũ mà không thông báo trước, khiến người dân không kịp trở tay, nhiều tài sản, hoa màu bị tàn phá... Phải chăng việc quy hoạch, xây dựng các thủy điện ở nước ta còn nhiều bất hợp lý?

Bà Bùi Thị An khẳng định: "Thủy điện quy hoạch không chuẩn là có, Quốc hội đã rà soát. Trước đó, vào tháng 10 năm 2013, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện, báo cáo thẩm tra đã nêu rõ 424 dự án bị loại bỏ".

Theo bà Bùi Thị An, báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có nêu, năm 2012, thủy điện đã đóng góp cho hệ thống điện hơn 48% công suất phát điện và gần 44% sản lượng, tham gia chống lũ, hạn và cấp nước sinh hoạt, sản xuất, cũng như góp phần phát triển hạ tầng cơ sở ở địa phương, tạo việc làm.

Tuy nhiên, cũng trong báo cáo giám sát đã nêu rất rõ, việc lập quy hoạch, xây dựng và khai thác thủy điện phát sinh nhiều vấn đề hạn chế gây bức xúc, lo lắng cho nhân dân khu vực có dự án thủy điện. Qua rà soát có 424 dự án bị loại bỏ, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, vào thời điểm đó cả nước còn 815 dự án, công trình thủy điện đang vận hành 268 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác đến năm 2017 là 205 dự án. Bà An cũng thừa nhận, mặc dù có loại nhưng chỉ là “tạm thời nên không hết được”.

Theo N. Huyền

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên