Thủy triều đỏ khiến cá biển chết là do con người gây ô nhiễm?
Trao đổi với Dân Việt về một trong 2 nguyên nhân chính được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xác định gây ra tình trạng cá biển chết hàng loạt ở miền Trung, các nhà khoa học đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.
- 28-04-2016Tảo độc thủy triều đỏ “nở hoa” gây chết cá như thế nào?
- 27-04-2016Thủy triều đỏ xuất hiện ở Nghệ An
Tối 27.4, tại cuộc họp do Bộ TNMT tổ chức, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân công bố thông tin về vụ cá chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung, cho biết các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ như sau: Có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng "thủy triều đỏ".
Trao đổi với Dân Việt về thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Cục phó Tổng cục Biển và Hải đảo - cho rằng, việc đưa ra kết luận do thủy triều đỏ như cơ quan chức năng xác định và họ phải chịu trách nhiệm với kết luận đã đưa ra. Tuy nhiên, theo ông cần phải giải thích được rõ hơn nguồn gốc do đâu mà dẫn tới thủy triều đỏ, là do tự nhiên hay có cả sự tác động của con người.
Ông Hồi đặt nghi vấn, việc cá chết nhiều và trên một diện rộng như thế thì việc cho rằng do thủy triều đỏ liệu có chắc chắn không? Ông cho rằng "nói đó là thủy triều đỏ, nhưng cũng phải có bằng chứng cụ thể thì người dân mới tin được".
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.
“Nếu Nhà nước đưa ra giải thích cá chết hàng loạt là do thủy triều đỏ hoặc ai kết luận như vậy thì phải chịu trách nhiệm về kết luận đó. Nếu sau này doanh nghiệp ở đó vẫn có ống xả thải của nhà máy chĩa ra biển, cá vẫn chết và không phải thủy triều đỏ thì sao?” - ông Hồi nhấn mạnh.
PGS Hồi cho rằng, khi đã có kết luận rồi thì phải đưa được ra những khuyến cáo, có cho dân tiếp tục đánh bắt, nuôi trồng và ăn cá không… Các cơ quan chức năng phải có giải pháp cụ thể chứ không chỉ nói chung chung được.
TS Trần Đình Lân - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển: "Thủy triều đỏ" là gì?
Tên gọi “thủy triều đỏ” hay “thủy triều xanh” là những thuật ngữ được gọi cho hiện tượng bung nở hoa tảo, từ đó gây chết nhiều loài sinh vật trên biển, trong đó phổ biến và dễ nhìn thấy nhất và chết nhiều nhất chính là cá biển.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “thủy triều đỏ” hiện nay đối với các nước trên thế giới vẫn còn là bí ẩn nhưng theo công bố của các nghiên cứu trên thế giới và kết quả nghiên cứu của một dự án do ông cùng đồng nghiệp thực hiện với sự tài trợ của Đan Mạch cho thấy có một số nguyên nhân như: Từ tự nhiên, tức là không giải thích được, có thể do tự nó xảy ra hiện tượng “thủy triều đỏ”; nguyên nhân do ni tơ, phốt pho tăng đột biến hay còn gọi là “phú dưỡng” và thường xuất hiện ở vùng biển kín và nửa kín, làm cho tảo phát triển bất thường nên bung nở hoa. Hai chất ni tơ và phốt pho này cũng có thể do tự nhiên và có thể do con người tác động, tức là đưa vào nước biển các chất “dinh dưỡng” làm cho tảo phát triển đột biến.
TS Lân cũng cho biết, theo kết quả nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, ở Việt Nam từng xuất hiện hoa tảo nở hay gọi là “thủy triều đỏ” ở Cát Bà, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận. Việc cá chết xuất hiện trên cả một diện rộng ở miền Trung lần này với số lượng hàng chục tấn cá bị chết nếu đúng do “thủy triều đỏ” là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam với mức độ rộng lớn đến như vậy.
Cũng theo ông, hiện tượng “thủy triều đỏ” ở trên thế giới rất phổ biến, gần chúng ta nhất có Philippines. Đặc biệt cách đây 10 năm Hong Kong cũng có hàng chục vụ “thủy triều đỏ”, trong đó cũng có những vụ cá chết lên tới hàng chục tấn.
Nói về nguyên nhân cá chết khi xuất hiện “thủy triều đỏ”, TS Lân giải thích, có 2 nguyên nhân có thể xảy ra gồm: Cá ở tầng nước mặt bị thiếu ôxy do tảo phát triển, nở hoa chiếm hết ôxy và nguyên nhân còn lại là do cá ăn phải tảo độc. Do đó, trường hợp nếu là cá chết do thiếu ôxy thì thường là tảo không độc nhưng cũng không thể khẳng định là người ăn cá chết ở trường hợp này sẽ an toàn vì tảo đó có thể không độc với cá nhưng lại độc với con người. Còn trường hợp thứ 2, nếu cá chết do ăn tảo độc thì người ăn cá chết đó chắc chắn là sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nói về giải pháp khi kết luận cá chết là do “thủy triều đỏ”, ông Lân cho biết, cần phải biết rõ được nguyên nhân, nếu là do con người tác động tới thì phải giảm ni tơ và phốt pho để hạn chế sự phát triển của tảo.
PGS.TS Đoàn Văn Bộ: Phải làm lại bộ tiêu chuẩn mới
PGS.TS Đoàn Văn Bộ - Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học (Đại học Khoa học Tự nhiên) cho hay, năm 1995, Việt Nam đã có tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước biển và đến năm 2008 ban hành lại, có bổ sung thêm một số tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn này gần như là “copy” lại của các nước ASEAN, Úc hay Canada.
Ông Bộ nêu ý kiến: “Tôi đề nghị phải làm lại bộ tiêu chuẩn này bởi gần như không có cơ sở khoa học nào về địa lý, môi trường của Việt Nam cả. Có những vùng, theo tiêu chuẩn đấy là an toàn về môi trường nhưng lại có vấn đề. Có những khu vực bảo là bị ô nhiễm rồi nhưng hệ sinh thái vẫn đẹp đẽ, sinh vật vẫn sống tốt. Nghĩa là tiêu chuẩn đấy rất vô lý, không đúng với thực tế ở Việt Nam”.
Từ đó, chiếu vào vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung, TS Bộ cho rằng có thể do lỗi tiêu chuẩn chưa sát, có thể là kẽ hở để doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường nước biển.
“Chắc chắn là có chất độc trong nước biển cá mới chết nhiều như thế. Trong vụ việc này, tôi thấy có thể do ảnh hưởng từ con người ” - ông Bộ nhận định.
Trước thông tin Sở TNMT phát hiện có kim loại nặng trong nước biển, ông Bộ cho rằng chỉ có những thủy ngân, asen là có độc lực mạnh gây chết cá ngay, còn các loại như đồng, sắt, chì thì ảnh hưởng lâu dài.
Dân việt