Tỉ giá hạ nhiệt, cơ hội nới room tín dụng
Giá USD trong ngân hàng và trên thị trường tự do cùng bớt nóng và lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt là cơ hội để duy trì mặt bằng lãi suất, nới hạn mức tín dụng
- 18-11-2022Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm giá bán USD
- 18-11-2022Thủ tướng: Nghiên cứu việc nới room tín dụng hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng
Ngày 18-11, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng (NH) Nhà nước niêm yết 23.675 đồng/USD, giảm 2 đồng/USD so với hôm trước. Như vậy, tỉ giá trung tâm đã giảm khoảng 23 đồng/USD so với mức "đỉnh" trong khoảng 2 tuần qua.
Nhu cầu giảm, nguồn cung dồi dào hơn
Cùng ngày, giá USD tại các NH thương mại được giao dịch quanh 24.608 đồng/USD mua vào, 24.858 đồng/USD bán ra - giảm 2 đồng/USD so với hôm trước. So với mức "đỉnh" trong thời gian qua, giá USD trong NH thương mại đã giảm khoảng 30 đồng/USD.
Tương tự, trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục được duy trì dưới mốc 25.000 đồng/USD. Tại một số điểm thu đổi ngoại tệ, USD được giao dịch ở 24.930 đồng/USD mua vào, 24.990 đồng/USD bán ra.
Chuyên gia tài chính Trần Duy Phương xác nhận giá USD trong NH lẫn trên thị trường tự do những ngày qua đều hạ nhiệt trong bối cảnh nhu cầu giảm và nguồn cung dồi dào hơn. Đáng chú ý, trên thị trường vàng - vốn có mối liên hệ chặt chẽ với giá USD, biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục thu hẹp. Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại hiện chỉ cao hơn thế giới khoảng 1,3 triệu đồng/lượng.
Nếu mở thêm hạn mức tín dụng, sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp dịp cuối năm Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều chuyên gia nhận định chênh lệch giá vàng nguyên liệu 24K trong nước và thế giới thu hẹp đã góp phần hạn chế việc mua gom USD để nhập vàng qua đường biên mậu. Từ đó, sức ép lên giá USD tự do giảm, giúp tỉ giá hạ nhiệt đáng kể trong những ngày qua.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường tài chính thế giới có nhiều cải thiện trong tuần qua khi lạm phát tháng 10-2022 của Mỹ đã hạ nhiệt. Sau khi số liệu lạm phát được công bố, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thu hẹp biên độ nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 12 sắp tới với khả năng chỉ tăng 0,5 điểm phần trăm. Từ đó, chỉ số đồng USD (DXY - chỉ số đo lường sức mạnh của USD với các đồng tiền chính khác) cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất theo tuần trong vòng 6 tháng qua - giảm tới 3,1%, về 106,54 điểm vào ngày 18-11.
Sẽ nới hạn mức tín dụng?
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định việc tỉ giá USD/VNĐ khoảng 2 tuần qua hạ nhiệt trong bối cảnh chỉ số đồng USD có dấu hiệu tạo đỉnh và đang giảm sẽ là cơ hội để lãi suất không tăng thêm. Diễn biến này cũng đồng thời tạo dư địa cho NH Nhà nước cân nhắc nới hạn mức (room) tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường dịp cuối năm.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng tỉ giá USD/VNĐ từ nay tới cuối năm dự kiến không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua và room tín dụng có cơ hội được nới. "Chưa rõ NH Nhà nước sẽ nới room tín dụng ngay trong năm nay hay chờ đến đầu năm 2023. Nhu cầu vốn dịp cuối năm rất lớn nên việc cấp thêm vốn là rất cần thiết nhằm tránh nguy cơ nợ xấu tăng cao khi doanh nghiệp (DN) không trả được nợ cũ" - TS Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận.
Cũng theo TS Huân, tỉ giá bớt "nóng" sẽ làm giảm sức ép tăng lãi suất cho vay lên nền kinh tế bởi lạm phát trong năm nay vẫn được kiểm soát tốt. Khi tỉ giá hạ nhiệt, NH Nhà nước thuận lợi hơn trong việc cân nhắc không tăng tiếp lãi suất điều hành dù FED tiếp tục dự kiến tăng lãi suất trong năm 2023.
Về phía DN, trong bối cảnh room tín dụng bị siết, việc tiếp cận vốn để duy trì sản xuất - kinh doanh và nhiều hoạt động khác gặp không ít khó khăn. Theo ghi nhận của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), DN hiện thiếu vốn cho cả việc duy trì sản xuất - kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho giai đoạn sắp tới lẫn duy trì công ăn việc làm cho người lao động hiện tại. Dòng tiền của DN đã cạn kiệt sau hơn 2 năm chống chọi với dịch COVID-19 và nay càng eo hẹp hơn.
Ban IV dẫn chứng DN ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng giờ không thể ký kết hợp đồng mới bởi các NH chịu áp lực về room tín dụng nên không giải ngân. Trong khi đó, nhiều thị trường đối tác khó tính đòi hỏi DN Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới để đáp ứng cam kết về môi trường và chất lượng sản phẩm. Do thiếu vốn phục vụ đầu tư đáp ứng cam kết này, DN trong nước có nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng.
Tại "Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng DN vượt sóng" do Tạp chí Diễn đàn DN tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), cho biết không chỉ DN mà NH cũng gặp khó khăn. Việc trái phiếu chưa đến hạn đã phải thanh toán trước hạn đã khiến DN rơi vào tình cảnh phải lấy nguồn tiền sản xuất - kinh doanh, thậm chí cả vốn vay NH để trả, dẫn tới nhu cầu được NH tăng room để bổ sung vốn rất lớn.
"Dư nợ tín dụng tính đến nay là 11,8 triệu tỉ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động vốn chỉ 4,8%. Với tình hình này, dù NH Nhà nước có nới thêm room tín dụng thì NH thương mại cũng không có vốn để cho vay tiếp thêm bởi tốc độ tăng trưởng huy động vốn quá thấp. Chưa kể, vấn đề an toàn hệ thống cũng cần được tính đến. Nếu mở room tín dụng quá 14% thì có "tràn" ra kênh trái phiếu không?" - ông Nguyễn Quốc Hùng đặt vấn đề.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thông tin từ nay tới cuối năm sẽ có thay đổi lớn về room tín dụng, bởi nếu không có động thái chuẩn bị sớm thì nền kinh tế trong bối cảnh hiện tại sẽ rất khó khăn.
Người lao động