MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉ lệ nghịch giữa “Cái tôi” và Thành công: Biết càng nhiều thì đầu bạn càng thấp, hạ cái tôi xuống thì cơ hội thành công mới tăng

18-06-2022 - 09:30 AM | Sống

Tỉ lệ nghịch giữa “Cái tôi” và Thành công: Biết càng nhiều thì đầu bạn càng thấp, hạ cái tôi xuống thì cơ hội thành công mới tăng

Ai cũng mang trong mình cái tôi, nhưng không phải lúc nào cái tôi của bạn cũng đúng.

Albert Einstein từng nói: “Cái tôi và sự hiểu biết tỉ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng nhỏ. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng lớn”.

Cái tôi tồn tại như một lẽ đương nhiên, chính là những cá tính và bản chất thật sự của mỗi con người. Nhờ có điều đó mà chúng ta mới trở nên khác biệt, tìm ra những lẽ sống cho bản thân, khiến con người sẽ không trở nên hoang mang trước những mục tiêu lớn của cuộc đời. 

Tuy nhiên, việc có cái tôi quá lớn đôi khi sẽ khiến chúng ta gặp những phiền phức trong cuộc sống công việc. Điển hình là 4 sai lầm sau đây:

Luôn cho rằng mình đúng

Cái tôi quá lớn có thể khiến mọi người không chấp nhận những sai lầm về mình. Trong bất kỳ một công việc nào, họ luôn cho bản thân mình là người đúng. Do đó, họ chẳng bao giờ chịu lắng nghe người khác.

Điều này sẽ khiến cuộc sống họ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, khi bản thân chẳng có được một tư duy mở để có thể lắng nghe một cách tích cực những góp ý từ người khác.

Đặc biệt, nếu luôn ôm tâm lý hơn thua, không chịu cúi đầu khi cần thì bạn sẽ thể hiện một bản tính đầy cố chấp cho những người xung quanh. Dần dần, nó sẽ khiến tất cả các mối quan hệ dần rời xa. Sự bền vững của tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống cũng đến từ thái độ tôn trọng lẫn nhau.

Tỉ lệ nghịch giữa “Cái tôi” và Thành công: Biết càng nhiều thì đầu bạn càng thấp, hạ cái tôi xuống thì cơ hội thành công mới tăng - Ảnh 1.

Chẳng bao giờ chịu nhường nhịn

Với những người không chịu cúi đầu thì việc chấp nhận mình thua kém người khác cũng là việc vô cùng khó khăn. Sự kiêu hãnh trong bản tính của họ sẽ dẫn đến những xung đột khi người xung quanh giỏi giang, xuất chúng hơn. 

Để bảo vệ quan điểm cá nhân, họ thậm chí cố tình tình hạ thấp quan điểm của người khác. Đại đa số những người có cái tôi lớn cũng đến từ những mong muốn khẳng định những giá trị và cống hiến của bản thân.

Đôi khi, họ cho rằng “nhường nhịn” đồng nghĩa với “thua thiệt” nên luôn cố gắng bảo vệ những quyền lợi dù là nhỏ nhất của bản thân. Tuy nhiên, nếu không học được điều này, họ có thể sẽ còn đánh mất đi nhiều thứ hơn.

Người biết nhún nhường không cảm thấy mất mặt hay dại dội. Bản chất đằng sau hành động này chính là chìa khóa cho những thành công vì nó góp phần tạo nên sự hòa hợp trước mọi vấn đề của cuộc sống. Từ đó việc hợp tác trở nên dễ dàng để con người có những điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân. 

Tỉ lệ nghịch giữa “Cái tôi” và Thành công: Biết càng nhiều thì đầu bạn càng thấp, hạ cái tôi xuống thì cơ hội thành công mới tăng - Ảnh 2.

Dễ dàng mất đi sự bình tĩnh

Có cái tôi quá lớn cũng là nguyên nhân của những sự ganh tị và đố kị. Họ quá tự tin nên cũng dễ tự ái, dễ nóng giận khi người khác nhắc đến những khuyết điểm của họ. 

Cho dù nhắc nhở với ý tích cực cũng trở nên “chói tai” đối với tuýp người này. Điều này chính là rào cản lớn nhất đối với sự thành công khi họ đánh giá rất cao khả năng của bản thân và nghĩ rằng đã đủ. 

Họ sẽ chẳng đủ kiên nhẫn để chú ý đến từng lời nói, suy nghĩ, hành động của mình và người khác trong tất cả các vấn đề. Mọi thứ của họ đều được bộc lộ một cách rất bản năng.

Sẽ chẳng có ai lại đi muốn hợp tác hay xây dựng mối quan hệ với một người mà khi xảy ra những bất đồng họ liền mất đi sự bình tĩnh, tức giận, thậm chí là dùng những lời lẽ xúc phạm nhau.

Tỉ lệ nghịch giữa “Cái tôi” và Thành công: Biết càng nhiều thì đầu bạn càng thấp, hạ cái tôi xuống thì cơ hội thành công mới tăng - Ảnh 3.

Luôn so sánh bản thân với người khác

Bất kỳ mọi sự so sánh đều có những mặt tích cực và tiêu cực. Ở những người lạc quan và mong muốn phát triển, họ so sánh để nhìn nhận những sai sót của bản thân trước hết. 

Nhưng ở những người có cái tôi lớn, sự so sánh thường khiến họ bỏ qua khuyết điểm của mình, chỉ tập trung vào thiếu sót của người khác. Những lời so sánh như vậy sẽ khiến họ “tô đậm” hình ảnh một con người tự cao trong mắt mọi người xung quanh. 

So sánh quá nhiều chỉ khiến họ mất phần lớn thời gian vào việc quan tâm đến những lợi ích, cá tính và quan điểm bản thân. Điều này khiến một số người luôn đẩy mình vào tình trạng liên tục bất an và căng thẳng. Tâm trí chỉ quanh quẩn trong những điều trước mắt thì rất dễ bỏ qua tất cả các cơ hội thăng tiến.

Những người như vậy cũng rất khó để thực sự tiến xa trong cuộc sống vì họ chỉ nhìn nhận được giá trị của bản thân, và chẳng thấy được những giá trị của người xung quanh. 

Tâm lý hơn thua sẽ giúp những người biết kiểm soát cái tôi có thêm những động lực để phát triển, còn việc cá nhân chỉ suốt ngày tìm cách so sánh sẽ khiến bản thân mất đi khoảng thời gian để hoàn thiện mình.

Lời kết

Rõ ràng, bản chất của việc duy trì cái tôi không xấu. Tuy nhiên, người khôn ngoan là người biết điều tiết cảm xúc trong mọi hoàn cảnh. Như vậy, họ sẽ biến cái tôi thành chất xúc tác để không ngừng nâng cao bản thân. 

Nên nhớ rằng, việc hạ thấp cái tôi không đồng nghĩa với việc ta hy sinh toàn bộ lợi ích bản thân mà sẽ là đặt những lợi ích của bản thân cùng với lợi ích của mọi người. Trên con đường tìm kiếm thành công, người nào chịu cúi đầu để lắng nghe và đón nhận những góp ý từ người khác sẽ luôn là người có thể đi nhanh, đi xa nhất. 

Do đó, hãy tự hạ cái tôi bản thân xuống để nhìn được xa hơn.

*Theo NetEase


https://cafef.vn/ti-le-nghich-giua-cai-toi-va-thanh-cong-biet-cang-nhieu-thi-dau-ban-cang-thap-ha-cai-toi-xuong-thi-co-hoi-thanh-cong-moi-tang-20220617165958558.chn

Phương Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên