Tiệm làm đẹp dịp Tết kín khách từ sáng tới đêm khuya
Cận kề Tết Nguyên đán, trong khi nhiều ngành nghề, dịch vụ đã nghỉ lễ thì nhiều tiệm làm tóc, nối mi, làm móng tay vẫn “chạy” hết công suất. Nhiều nơi làm tới khuya, tuyển thêm thợ phụ, huy động người nhà nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu làm đẹp của khách hàng.
- 20-01-2023iPhone 14 Pro Max "sập giá", bản màu Tím giờ có giá rẻ nhất
- 19-01-2023Cận Tết nhà vườn Tiền Giang phấn khởi vì nhiều loại trái cây sốt giá
- 19-01-2023Khuyến mãi tạo đà, sức mua hàng Tết tăng vọt
Nhiều chủ tiệm bắt đầu nhận lịch làm Tết từ đầu tháng 1 và cho biết sẽ làm tới chiều 30 Tết.
Theo chủ một tiệm làm tóc nữ (Đống Đa, Hà Nội), lượng khách tới bắt đầu tăng nhẹ từ cuối năm dương lịch, đặc biệt sau rằm tháng Chạp (15/12 Âm lịch) thì không lúc nào ngơi khách. Cao điểm, cả 10 ghế tại salon kín khách, nhiều khách phải ngồi trên giường gội. Tiệm mở cửa từ 8 giờ sáng, và làm tới khi hết khách, thường xuyên tới 12 giờ đêm.
“Mình nhận khách muộn nhất là 7 giờ tối, nếu khách làm từ 2 dịch vụ trở lên, uốn nhuộm hoặc ép nhuộm, tốn 4-5 tiếng/người. Chưa kể, một số khách làm mẫu phức tạp, màu nhuộm cần tẩy thì có thể lâu hơn”, chị Huệ, chủ tiệm tóc cho hay.
Salon tóc kín khách những ngày cận Tết
Thường ngày, tiệm chỉ có 5-6 thợ chính, nhưng tới Tết thì phải tuyển thêm, cho học viên học nghề làm phụ. Tổng số nhân viên tăng gấp đôi, mỗi ngày có thể nhận khoảng 30-40 lượt khách.
Chủ tiệm cho biết, vì khách đông, nên nếu mỗi người trễ hẹn 1 chút, người sau phải đợi cả tiếng đồng hồ. Dù vậy, khách hàng vẫn kiên nhẫn chờ đợi, không có tình trạng huỷ lịch.
Dịch vụ gội đầu cũng rất đắt khách, giá gội nhiều nơi tăng gấp 2 ngày thường. Các cửa hàng chỉ nhận gội sạch, khoảng 15-20 phút, chứ không kèm mát-xa như thường lệ. Chị Thu Quỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngày 28 Tết vừa chi 150.000 đồng để gội đầu cho 2 mẹ con. Thường ngày, chị Quỳnh chỉ phải trả 70.000 đồng. Dù đã đặt lịch trước, nhưng chị vẫn phải chờ gần 30 phút mới tới lượt.
Tiệm nối mi hoạt động hết công suất ngày Tết
Không chỉ tiệm tóc, mà các hàng làm móng, nối mi cũng kín khách cả ngày. Nhiều cửa hàng không nhận lịch, mà phải phát số xếp hàng cho khách.
Tại một cửa hàng nối mi ở Hoàng Cầu (Hà Nội), các thợ nối mi cho biết, mỗi ngày nối trung bình 10-12 bộ mi. Cửa hàng phụ thu 50.000 đồng/bộ mi dịp Tết, nâng giá dịch vụ trung bình lên khoảng 400.000 đồng bộ. Dịp Tết, một thợ nối mi có thể mang về doanh thu trên dưới 5 triệu đồng/ngày cho cửa hàng.
Chị Phụng - thợ nối mi - cho hay, 10 ngày giáp Tết đều đặn làm việc khoảng 12-14 tiếng/ngày, từ 8h sáng tới đêm khuya, khi hết khách. Nối mi đòi hỏi sự chính xác, thực hiện dưới đèn độ sáng cao, cúi đầu cả ngày nên các kỹ thuật viên đều bị đau cổ, mỏi mắt.
“Trưa 30 Tết mình mới về nhà, thu nhập 10 ngày Tết bằng 2-3 tháng bình thường nên cố gắng, ra Tết nghỉ bù. Nối mi sau Tết thường vắng khách”, chị Phụng chia sẻ.
Tiệm làm đẹp phát số cho khách xếp hàng chờ lịch
Với dịch vụ làm móng, nhiều cửa hàng cũng làm tới trưa 30 Tết. Chị Quỳnh Nga, chủ tiệm làm móng ở Tôn Thất Tùng (Hà Nội) cho biết, từ ngày 25 Tết, cửa hàng thường xuyên đóng cửa sau 12 giờ đêm. Muộn nhất, chị Nga làm tới 2 giờ đêm.
“Một giờ đêm vẫn có khách chờ lịch, nhưng mình phải từ chối vì quá mệt. Một khách làm móng thường tốn 40 phút đến 1 tiếng, một ngày mình có thể làm khoảng 10 bộ móng, xen kẽ uốn, nối mi”, chị Nga chia sẻ.
Hết 28 Tết, cơ quan, công sở mới chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nên không ít khách hàng bận rộn phải làm đẹp muộn, trả phụ phí. Nhiều khách nữ chia sẻ tốn 3-5 triệu đồng để hình thức đẹp hơn đón Tết.
Tiền Phong