MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiềm lực tài chính yếu ớt, xe ôm công nghệ của Mai Linh khó có thể đối đầu với Uber, Grab

03-10-2017 - 07:38 AM | Doanh nghiệp

Với cơ thể 'yếu ớt', dám chấp nhận lỗ và đủ khả năng chịu lỗ thêm để 'ra gió' thôi đã là một điều không hề đơn giản với Mai Linh lúc này.

Sau khi chứng kiến tình hình kinh doanh vận tải taxi bị tổn hại nghiêm trọng từ khi 2 hãng đặt xe công nghệ Uber, Grab đặt chân đến Việt Nam, cuối cùng thì Mai Linh cũng không thể ngồi yên nhìn đối thủ cứ ngày một lớn mạnh. Ban lãnh đạo Mai Linh Miền Bắc (MLN) – một công ty thành viên của Tập đoàn Mai Linh mới đây đã quyết định trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề vận chuyển bằng xe máy.

Mai Linh đã đặt tên cho dịch vụ xe ôm công nghệ của mình là M.Bike. Mức cước mà Mai Linh đưa ra ngang ngửa với mức cước hiện tại của UberMOTO và GrabBike. Điều này cho thấy, Mai Linh đã quyết định ‘đấu’ trực diện với Uber và Grab, thay vì nằm chờ 2 hãng đặt xe công nghệ cứ lấy dần công việc của mình.

Có thể nói, sự tham gia của Mai Linh Miền Bắc sẽ góp phần tăng mức độ cạnh tranh trong ngành và người tiêu dùng sẽ được lợi khi mặt bằng giá thấp được thiết lập. Tuy nhiên, liệu quyết định này có giúp Mai Linh tạo ra sự thay đổi tích cực hay không vẫn là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ.

Bởi hiện nay, Grab và Uber đã ở vị thế khiến các hãng đi sau khác khó có thể đuổi kịp. Nếu như Uber đang chững lại do một số vấn đề nội bộ thì sức mạnh tài chính và sự tin tưởng của các nhà đầu tư khiến Grab đang như một ngôi sao sáng trên bầu trời phương đông.

Riêng đối với GrabBike, hiện toàn hệ thống Grab đang có tới 50.000 lái xe. Một tốc độ tăng trưởng số lượng tài xế GrabBike rất cao khi đầu năm 2017 mới chỉ có 20.000 người. Để làm được điều này không phải là bất cứ một doanh nghiệp ‘yếu lực’ nào có thể làm. Grab chấp nhận một mặt bơm tiền hỗ trợ để tăng số lượng tài xế. Mặt khác là sự đầu tư chất lượng dịch vụ thông qua nâng cấp ứng dụng, tăng cường các hoạt động khuyến mãi để tăng khách hàng.

Với chiến lược đánh chiếm thị phần của mình, Grab chấp nhận lỗ lớn trong năm 2016. Theo thông tin của Tổng cục Thuế, Công ty TNHH Grab Việt Nam đạt doanh thu 192 tỷ đồng trong năm tài chính 2016 nhưng lỗ tới 443 tỷ đồng - tức các khoản chi phí lên đến 635 tỷ đồng. Với lượng xe tăng lên mạnh từ đầu 2017 đến nay, nhiều khả năng Grab vẫn tiếp tục chịu lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm nay.

Song, nhìn về thực trạng hiện nay của Mai Linh là một điều đáng ngại. Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 sau soát xét của Tập đoàn Mai Linh cho thấy, không những hoạt động kinh doanh taxi của Tập đoàn này tiếp tục thua lỗ 47,5 tỷ đồng mà tình hình tài chính của Công ty này cũng đang rất yếu ớt. Tính đến 30/6/2017, Mai Linh Group đang lỗ lũy kế 795 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến của đơn vị kiểm toán thì nếu ghi nhận đúng quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam, lỗ lũy kế của Mai Linh Group đã ở mức 1.400 tỷ đồng, vượt so với vốn điều lệ 1.017 tỷ đồng.

Với tình hình kinh doanh chưa có điểm sáng, cộng với tình hình tài chính căng thẳng. Hiện nợ phải trả của Mai Linh đã chiếm gần 90% tổng tài sản. Trong đó, các khoản nợ phải trả ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 1.262 tỷ đồng là một rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sự hoạt động liên tục của Mai Linh.


Cơ cấu tài sản của Mai Linh cho thấy rủi ro mất thanh khoản rất lớn

Cơ cấu tài sản của Mai Linh cho thấy rủi ro mất thanh khoản rất lớn

Đối với Mai Linh Miền Bắc (MLN), dù tình hình tài chính chưa đến mức rủi ro như tập đoàn, nhưng thực trạng kinh doanh cũng không khác nhiều so với Mai Linh Group, hoạt động kinh doanh chính của MLN cũng đều thua lỗ những năm gần đây. Cụ thể năm 2014, Mai Linh Miền Bắc lỗ 5 tỷ đồng, sang năm 2015 số lỗ lên đến 13 tỷ đồng và năm 2016 vừa qua lỗ đến 45 tỷ đồng. Mới 6 tháng đầu năm 2017 Mai Linh Miền Bắc đã báo lỗ tiếp 37 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh taxi. Và cũng như Mai Linh Group, để không phải ghi nhận lỗ cũng như để không bị hụt dòng tiền, MLN phải bán bớt tài sản, thanh lý xe.

Với khó khăn tài chính hiện nay, liệu Mai Linh có đủ lực để tiếp tục chịu lỗ để đấu với Uber, Grab? Việc đấu với Uber, Grab giờ đây đã không còn cân sức. Bởi hiện cả Uber và Grab đã lớn mạnh nhờ sự hậu thuẫn rất lớn từ giới đầu tư quốc tế. Grab mới đây còn cho biết sẽ huy động 2,5 tỷ USD trong vòng gọi vốn start-up lớn nhất từ trước tới nay ở Đông Nam Á để cạnh tranh với đối thủ Uber Technologies Inc. Startup này sẽ dùng số vốn đầu tư này để mở rộng thị phần và phát triển mảng thanh toán qua di động. Trong khi đó, nếu mâu thuẫn nội bộ được giải quyết ổn thỏa, Uber cũng dự kiến sẽ huy động một nguồn lực lớn để tiếp tục cùng Grab tranh ngôi đầu.

Trong khi đó, Mai Linh không phải là một start up mới mẻ mang lại sự hào hứng mà là một doanh nghiệp đang vật lộn trên lằn ranh sống còn, việc huy động vốn từ giới đầu tư bên ngoài là không đơn giản. Trước mắt, Mai Linh đang phải tập trung để thoát khỏi vũng lầy và tài chính kiệt quệ hiện nay. Còn việc đấu ngang ngửa với Uber, Grab còn phải xem khả năng chịu lỗ thêm để 'ra gió' của Mai Linh đến mức nào.


Tiềm lực tài chính của Mai Linh Miền Bắc vốn không mấy dư giả khi phải cạnh tranh cùng lúc tại gần 20 tỉnh thành

Tiềm lực tài chính của Mai Linh Miền Bắc vốn không mấy "dư giả" khi phải cạnh tranh cùng lúc tại gần 20 tỉnh thành

Hoàng Trung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên