Tiềm năng kinh tế số mở cơ hội phát triển cho logistics Việt Nam
Thị trường kinh tế số của Việt Nam lên tới hơn 50 tỷ USD mang lại cơ hội to lớn cho lĩnh vực logistics. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong tuần qua, nhiều tờ báo đã có những đánh giá về triển vọng, thách thức của lĩnh vực logistics và nông thôn thông minh tại Việt Nam.
- 21-08-2022Facebook, TikTok, và Truth Social bị ‘soi’ vì tràn lan các ‘tút’ đe dọa FBI
- 21-08-2022Người dùng Mac nên cập nhật Zoom ngay để không bị hacker xâm nhập
- 21-08-2022Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ
Một số tờ báo cho rằng, với tiềm năng của kinh tế số, dân số trẻ, Internet mở rộng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng thế giới đang mở cơ hội phát triển mới cho các lĩnh vực này tại Việt Nam
Trong tuần qua, tờ Nikkei Asia đã đăng tải thông tin: "Việt Nam lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook". Tờ báo này đánh giá, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, sản xuất một loạt các sản phẩm chủ lực cho công ty của Mỹ, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods.
Tờ Fibre2fashion đánh giá, thị trường kinh tế số của Việt Nam lên tới hơn 50 tỷ USD, mang lại cơ hội to lớn cho lĩnh vực logistics . Tuy nhiên tờ báo này cũng chỉ ra rằng, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ và phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường bộ.
Theo báo cáo của nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng toàn cầu Aligity, chi phí logistics tại Việt Nam cao gần gấp đôi so với mức trung bình của thế giới.
"Việt Nam là nước được hưởng lợi khi nhiều nước chuyển dịch khỏi Trung Quốc. Việt Nam đang trở thành 1 điểm đến có vị trí chiến lược. Với vị trí đó, cơ sở hậu cần là rất quan trọng. Điều đó có nghĩa là cảng, cơ sở hạ tầng cho đường sắt, hàng không là rất cần thiết để đảm bảo rằng nền tảng của Việt Nam có thể kết nối với phần còn lại của thế giới. Cơ sở hạ tầng chi phí thấp của thị trường này khiến nó trở nên cực kỳ hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài", ông Kevin Burrell, Tổng Giám đốc khu vực, Tập đoàn Maersk, đánh giá.
Tờ Opengovasia đã đăng tải thông tin, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình quốc gia về phát triển nông thôn thông minh. Chương trình sẽ tập trung vào xây dựng nông thôn mới, hiện đại thông qua chuyển đổi số.
Tờ báo này nhấn mạnh, đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 90% văn bản công ở cấp trung ương, 80% cấp huyện và 60% văn bản công cấp xã được xử lý trực tuyến và có ít nhất 97% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới về thông tin, viễn thông.
"Dân số Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua con số 100 triệu người, người trẻ nhiều, môi trường Internet rộng mở. Đó là thế mạnh của Việt Nam mà Nhật Bản không có, không chỉ không chỉ đối với lĩnh vực nông thôn thông minh, mà còn nhiều lĩnh vực khác. Hơn nữa năm nay, dự báo kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 6,5% và kể từ năm sau tốc độ tăng trưởng còn cao hơn nữa", ông Hiroyuki Moribe, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản, nhận định.
Các tờ báo đều có chung nhận định, tiềm năng là rất lớn, nhưng thách thức đối với Việt Nam cũng không hề nhỏ nhằm phát triển logistics và nông nghiệp thông minh, trong đó có thách thức về cạnh tranh, khi đây đều là các ngành nhiều quốc gia khác trong khu vực quan tâm ưu tiên.
VTV