MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiềm năng nào cho cổ phiếu BHS?

Những quan tâm xung quanh câu chuyện sáp nhập hai doanh nghiệp mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) và Biên Hòa (BHS) và đã chính thức sáng tỏ khi Đại hội cổ đông bất thường niên độ 2016-2017 của hai doanh nghiệp đã thông qua phương án hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của BHS theo Hợp đồng sáp nhập, để nhận cổ phiếu SBT.

Theo chủ trương sáp nhập, cổ đông của BHS sẽ nhận được lượng cổ phiếu tương ứng của SBT theo tỷ lệ hoán đổi 1:1,02. Sau khi hoàn tất thủ tục, trong vài tháng tới, cổ phiếu BHS sẽ chính thức giao dịch với mã SBT. Sau sáp nhập SBT sẽ thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của BHS. BHS sẽ được chuyển đổi mô hình hoạt động và đăng ký lại với tên gọi mới là Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Đồng Nai.

Kế hoạch doanh thu hợp nhất niên độ 2017-2018 của SBT ước đạt 8.400 tỷ đồng, trong đó BHS ước đạt 4.700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt gần 680 tỷ đồng và 330 tỷ đồng. Sau sáp nhập, quy mô của SBT sẽ tăng mạnh với hơn 5.570 tỉ đồng vốn điều lệ, tổng tài sản 15.900 tỉ đồng, trở thành công ty mía đường có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để SBT đáp ứng các điều kiện tiên quyết về tiêu chí “vốn hóa” nhằm tiệm cận kế hoạch niêm yết tại thị trường quốc tế, vốn đang được triển khai.

Trước đó, ngày 19/05, HĐQT của SBT và BHS cũng quyết định mua lại 100% vốn Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai và được đổi tên là TTC Attapeu với tổng giá trị 1.330 tỷ đồng. Đây cũng là bước đi chiến lược trong mục tiêu cải cách, sắp xếp, tổ chức lại ngành đường TTC trên cơ sở tăng cường ba mắt xích gồm: vùng nguyên liệu, phương thức sản xuất, và thị trường như tuyên bố của Ban lãnh đạo Công ty.

Như vậy, bên cạnh các lợi thế về vùng nguyên liệu sau M&A với diện tích gần 50.000 ha và công suất ép 30.000 tấn mía ngày, chưa kể TTC Attapeu, thì các vấn đề về tối ưu năng lực vận hành từ điều phối sản xuất đến công tác thị trường trên cơ sở tiết giảm chi phí quản lý, cắt giảm các khâu trung gian… là khả năng lớn cho câu chuyện hạ giá thành sản phẩm, gia tăng hiệu quả lợi nhuận. Trong ngắn hạn, việc sáp nhập mang lại lợi ích cho cổ đông BHS nhiều hơn và trong dài hạn thì cả 2 bên cùng có lợi.

Nhiều cổ đông BHS trông chờ vào hiệu ứng sáp nhập này rất yên tâm khi trong quá khứ, diễn biến tương tự vào tháng 9/2015 khi SBT chính thức sáp nhập Công ty Cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC, hiện nay là TTCS - Gia Lai) với tỉ lệ hoán đổi 1:1,05, Khi đó thị giá của TTCS là 15.000, SEC là 11.000, cũng trên cơ sở hiệu quả về tiết giảm giá thành sản xuất, nâng cao công suất, sản lượng tiêu thụ, mở rộng thị phần, đa dạng sản phẩm và gia tăng lợi nhuận, mức tăng trưởng thị giá cổ phiếu SBT đạt hơn 200% (từ 15.000 đồng năm 2015 lên mức giá hơn 30.000 đồng ở thời điểm hiện tại), thì cổ đông SEC được lợi nhất. Đây được xem là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc sáp nhập đối với hoạt động doanh nghiệp.

Có thể thấy, việc cộng hưởng toàn diện các giá trị từ quy mô, thị phần, thương hiệu… thể hiện bước đi chủ động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường TTC và từng bước tiệm cận các tiêu chí của sân chơi lớn thế giới. Đến nay, mối quan tâm khác cũng đang đổ dồn vào cổ phiếu BHS, trong ngắn hạn, thị giá BHS đang chờ đợi diễn biến từ việc niêm yết bổ sung 168 triệu cổ phiếu do phát hành thêm.

Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu này sau hoàn tất sáp nhập với SBT… Nếu chưa tính sức bật sau M&A, mà chỉ so sánh tương quan thị giá BHS so với SBT tại thời điểm hiện nay, thì với tỉ lệ hoán đổi như đã được công bố, mức lợi nhuận từ việc đầu tư và nắm giữ cổ phiếu BHS trong vòng vài tháng tới… hoàn toàn là một “mức giá rất hời”.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên