Tiệm Thanh Xuân gần 80 năm "níu chân" người Sài Gòn sành ăn: Có gì đặc biệt trong những tô hủ tiếu “vỉa hè giá cao”?
(Tổ Quốc) - Một tô hủ tiếu đặc biệt tại đây có giá lên tới 85.000VNĐ, nhiều người cho rằng so với quán vỉa hè thì mức giá này có phần hơi cao.
Hủ tiếu có lẽ là món ăn đã quen thuộc đối với những người sống tại TP.HCM. Nói là hủ tiếu nhưng ở Sài Gòn cũng có nhiều phiên bản khác nhau, phổ biến nhất là hủ tiếu Nam Vang, ngoài ra còn có hủ tiếu nấu theo kiểu người Hoa như hủ tiếu nai sa tế, hủ tiếu thịt dê...
Còn món hủ tiếu mà chúng tôi nhắc đến hôm nay là hủ tiếu nấu theo kiểu Mỹ Tho của tiệm Thanh Xuân. Đúng như cái tên gọi của tiệm, đây là nơi gắn liền với thanh xuân của không ít người bởi lẽ quán ăn nhỏ nhưng đã tồn tại tới gần 80 năm.
Tiệm hủ tiếu vỉa hè nhưng giá lên đến 85.000VNĐ/tô, chất lượng liệu có xứng đáng?
Nằm ngay trên mặt đường Tôn Thất Thiệp, tiệm hủ tiếu Thanh Xuân nổi bật với một chiếc biển hiệu nhuốm màu thời gian. Cửa tiệm nằm nép mình bên con hẻm nhỏ, khu vực chế biến đồ ăn được đặt sát bên tường và mọi người vẫn đi qua con hẻm bình thường.
Ngày trước, bàn ghế cho khách ăn hủ tiếu được đặt sát bên hẻm nhưng nay đã chuyển ra phía ngoài mặt đường nên cũng rộng rãi và thoáng hơn. Nhưng về cơ bản thì đây vẫn là một tiệm hủ tiếu vỉa hè với phong cách bình dân, ngồi ăn sáng hoặc trưa sẽ hơi nóng một chút.
Menu tại tiệm hủ tiếu Thanh Xuân với tô đắt nhất lên đến 85.000VNĐ.
Thực đơn tại tiệm hủ tiếu có mức giá từ 50.000 - 85.000VNĐ/tô. Tô cơ bản với thịt heo thì có giá 50.000VNĐ, tô có hải sản như tôm cua thì lên đến 70.000 - 85.000VNĐ. Nhiều người cho rằng mức giá này hơi cao so với một quán vỉa hè, nhưng có người lại cho rằng giá ở trung tâm Quận 1 như vậy thì cũng hợp lý. Thật ra mà nói, ở Sài Gòn không thiếu những tiệm hủ tiếu có mức giá trên trăm nghìn một tô nên nếu dễ tính một chút thì mức giá này cũng vẫn chấp nhận được.
Chúng tôi gọi một tô hủ tiếu nước ăn cùng tôm và một tô hủ tiếu trộn thập cẩm. Hủ tiếu nước thì có phần nước dùng ngọt thanh, tôm khá tươi, nhưng tổng thể khá bình thường và không quá đặc sắc.
Hủ tiếu trộn khô thì đặc biệt hơn nhờ phần nước xốt đặc trưng của tiệm được nấu từ cà chua. Bên trong tô hủ tiếu thập cẩm gồm có các topping như tôm, cua, thịt băm, gan, thịt heo, trứng cút...
Tuy nhiên phần hủ tiếu dù đã trụng trước nhưng có kết cấu dính vào nhau nên khá khó trộn. Nước xốt đậm đà và thơm, còn các topping khác dừng lại ở mức ổn. Chưa kể việc ăn một tô hủ tiếu nóng hổi ở ngoài trời 35 - 40 độ cũng khiến cho trải nghiệm ăn uống bớt ngon đôi chút. Cũng bởi vậy, dù là một tiệm hủ tiếu lâu đời và nổi tiếng là thế, nhưng vẫn nhiều ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, cảm nhận về đồ ăn của mỗi người là khác nhau, nên cũng khó có thể đánh giá theo ý kiến chủ quan của mỗi người được. Chỉ có thể nói rằng hương vị hủ tiếu ở đây sẽ phù hợp với những ai thích khẩu vị "ngọt", bởi nước dùng hay nước xốt đều có độ ngọt. Cô Tươi, chủ tiệm hủ tiếu, chia sẻ: "Khách quen ở đây toàn người thích ăn ngọt không hà, cô mà nấu thiếu ngọt chút là họ biết liền".
Hủ tiếu trộn khô là món ăn đặc trưng tại đây nhờ nước xốt gia truyền được nấu từ cà chua.
Nhưng đối với nhiều người, đó đơn giản là tiệm hủ tiếu của thanh xuân
Có lẽ chỉ cần nhìn vào chiếc biển hiệu của tiệm hủ tiếu Thanh Xuân thì ai cũng thấy được sự lâu đời của nơi đây. Chiếc biển hiệu được vẽ hoàn toàn bằng tay với màu sắc đã phai dần theo năm tháng. Trên chiếc biển hiệu chúng ta còn thấy viết chữ "Chùa Chà". "Hủ tiếu Chùa Chà" là một cái tên dân dã mà nhiều khách quen thường gọi, đơn giản bởi tiệm nằm ngay bên ngôi chùa Ấn Giáo do cộng đồng người Chà Và lập nên.
Cô Tươi, chủ tiệm hủ tiếu Thanh Xuân.
Với chúng ta thanh xuân có thể gắn liền với những câu chuyện buồn vui trong cuộc đời, còn Thanh Xuân ở đây lại là một tiệm hủ tiếu có tuổi đời gần 80 năm. Nhưng cũng bởi thế mà tiệm hủ tiếu đó cũng gắn liền với thanh xuân của không ít người. Giữa trung tâm Sài Gòn tấp nập, có một tiệm hủ tiếu vỉa hè nhưng lại mang hương vị của tuổi thơ, của thanh xuân khiến biết bao người vẫn còn vương vấn.
Tuy giá có phần hơn nhỉnh hơn so với các tiệm hủ tiếu vỉa hè nhưng tô hủ tiếu tại đây được nhiều người đánh giá là khá đầy đặn.
"Giờ mình được ăn nhiều món ngon, món lạ hơn nhưng lâu lâu mình vẫn quay về Thanh Xuân ăn hủ tiếu bởi đơn giản đây là quán ăn gắn liền với mình thời đi học. Có thể chất lượng ở đây phần nào không được như xưa nhưng mình vẫn thích cái hương vị nước xốt đậm đà của tô hủ tiếu đấy" - Chị Thu Uyên, một khách quen tại tiệm hủ tiếu Thanh Xuân tâm sự.
Nồi nước dùng gia truyền là nên thương hiệu hủ tiếu Thanh Xuân.
Bên cạnh khách quen, tiệm hủ tiếu Thanh Xuân còn là địa chỉ được dân văn phòng xung quanh yêu thích cũng như là một nơi được khách nước ngoài thường xuyên ghé ăn. Ngồi ăn một tô hủ tiếu ngon ngay giữa phố xá trung tâm Sài Gòn, xung quanh toàn là những hàng quán sang trọng, có lẽ cũng là một trải nghiệm thú vị.
Những người nhà cô Tươi cùng nhau phụ giúp làm hủ tiếu.
Mấy năm trước mọi người ghé qua tiệm Thanh Xuân ăn hủ tiếu sẽ gặp hai vợ chồng cô Tươi cùng bán. Cái tên Thanh Xuân thật ra cũng bắt nguồn từ người chồng quá cố của cô Tươi, vốn tên là Đỗ Xuân Thanh. Giờ chú Thanh mất, cô Tươi tiếp tục duy trì cửa tiệm cùng với con cái. Bởi đó là tâm huyết của cả gia đình cô trong suốt nhiều năm qua. Tiệm hủ tiếu nhỏ bên hẻm nhưng là nơi giữ truyền thống của gia đình và cũng là nơi lưu giữ kỷ niệm của biết bao khách đến ăn.
Khách ghé tiệm hủ tiếu Xuân Thanh có nhiều dân văn phòng và người nước ngoài.
Vì thế, nếu chưa từng ăn hủ tiếu ở đây thì bạn hãy thử ghé một lần xem sao. Biết đâu bạn lại thích thú với hương vị hủ tiếu ở đây cũng như tận hưởng cái cảm giác ngắm đường phố Sài Gòn tấp nập bên tô hủ tiếu. Đừng quên gọi thêm một chiếc bánh paté chaud (pa tê sô) ăn kèm bởi lẽ mỗi ngày tiệm chỉ bán có 100 chiếc mà thôi.
Tổ Quốc