Tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng: Một mã tăng 21% sau 2 phiên, thanh khoản MB và VIB cao kỷ lục
Toàn bộ 27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM đóng cửa phiên 2/6 trong sắc xanh với thanh khoản tăng mạnh.
- 02-06-20232 cổ phiếu ngân hàng tăng kịch trần phiên sáng 2/6
- 01-06-2023Một cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 13% phiên 1/6
- 29-05-2023Cổ phiếu ngân hàng tràn ngập trong sắc xanh, EIB gây chú ý
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch cuối tuần đầy sôi động với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu “vua”. Theo đó, cổ phiếu ngân hàng đã bùng nổ với toàn bộ 27 mã tăng giá đi cùng thanh khoản cao đột biến.
Đóng cửa, KLB tăng hết biên độ trên thị trường UPCoM là 15%, đưa tổng mức sinh lời trong 2 phiên vừa qua lên tới 21%.
NVB trên sàn HNX cũng tăng kịch trần 9,6% lên 14.900 đồng/cp.
Nhiều mã ngân hàng giao dịch trên thị trường UPCoM và sàn HNX cũng ghi nhận mức tăng giá tốt như BVB (+7,3%), ABB (+5,8%), VAB (+4,9%), VBB (+4,8%), NAB (3,1%),…
Trên sàn HoSE, VIB tăng trần với thanh khoản đạt gần 21,3 triệu cổ phiếu – mức cao nhất kể từ khi niêm yết.
Cùng với VIB, các cổ phiếu ngân hàng khác trong nhóm VN30 cũng bật tăng mạnh như TCB (+6,3%), MBB (+4,8%), CTG (+2,5%), HDB (+2,4%), VPB (+2,3%), BID (+1,8%).
Trong đó, hôm nay HDB đã lấy lại toàn bộ số điểm đã mất trong phiên giao dịch 31/5 với thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 4.
Trước đó, HDBank đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt 10% vào ngày 30/5/2023. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1.000 đồng/cổ phiếu. Ngày thanh toán cổ tức cho cổ đông dự kiến là 12/06/2023. Ngoài ra, ngân hàng này cũng có kế hoạch chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu trong thời gian tới.
Trong nhóm nhóm cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ, OCB tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng khi tăng 2,5% lên 18.450 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này đã bật tăng gần 6,2% và là mã ngân hàng tăng giá mạnh nhất sàn HOSE trong phiên hôm qua (1/6). Tính chung 5 phiên giao dịch vừa qua, OCB đã tăng tổng cộng 9,8%.
Liên quan đến cổ phiếu này, vừa qua, Hội đồng quản trị OCB đã thông qua về triển khai thực hiện phương án tăng vốn điều lệ năm 2023. Cụ thể, OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương với tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu.
Cùng với diễn biến giá, thanh khoản nhóm ngân hàng hôm nay bùng nổ mạnh mẽ với nhiều mã có khối lượng giao dịch khớp lệnh cao đột biến.
Trong đó, dẫn đầu là SHB với hơn 46,1 triệu cổ phiếu được mua – bán trực tiếp trên sàn, giá trị hơn 556 tỷ đồng. Mức thanh khoản này gấp hơn 2 lần khối lượng giao dịch phiên trước đó và là mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 4.
MBB cũng gây ấn tượng với gần 33 triệu cổ phiếu được sang tay, gấp 4 lần phiên hôm qua và là mức cao nhất trong gần 1 năm trở lại đây.
Một loạt ngân hàng khác cũng ghi nhận khối lượng giao dịch khớp lệnh ở mức cao như VPB (24,5 triệu cp), VIB (21,5 triệu cp), STB (17,8 triệu cp), ACB (15 triệu cp), TCB (13,8 triệu cp),…
Theo ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT HĐQT CTCP AZfin Việt Nam, từ cuối năm 2023 đến năm 2024 cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền và có diễn biến tích cực nhờ vào sức khoẻ tài chính của ngành ngân hàng vẫn được duy trì ổn định, định giá rẻ.
"Đây sẽ là 1 trong các ngành có sự phục hồi sớm nhất”, ông Đặng Trần Phục đánh giá .
Tuy nhiên, ông Phục cũng cho rằng, mặc dù cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn nhưng do lượng cung cổ phiếu tương đối lớn, điều này đòi hỏi phải có dòng tiền lớn tham gia thị trường thì cổ phiếu ngân hàng mới có thể tăng trưởng mạnh. Vì thế nhà đầu tư ngoài chú ý đánh giá nợ xấu, lợi nhuận cần hết sức chú ý đến các yếu tố quyết định đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Một số chỉ báo nhà đầu tư có thể theo dõi là lãi suất cho vay thực của các ngân hàng thương mại có đang giảm mạnh không; lượng tiền giao dịch ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán có gia tăng không; số lượng tài khoản chứng khoán mở mới có đang tăng lên không… Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần quan sát thêm diễn biến thị trường tài chính toàn cầu cũng như sức khỏe các ngân hàng trên thế giới.
Nhịp sống Thị trường