MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 160.000 tỷ đồng làm hai tuyến "siêu vành đai": Tiền ở đâu?

Hơn 160.000 tỷ đồng làm hai tuyến "siêu vành đai": Tiền ở đâu?

Sáng 4/5, tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" đã được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với sự tham dự của các bộ ngành liên quan và nhiều chuyên gia.

Dự án xây dựng Vành đai 4 vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư lớn. Để đảm bảo cấn đối nguồn lực thực hiện trong giai đoạn này, dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công kết hợp với đầu tư PPP để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, đây là mô hình đầu tư giữa Nhà nước và xã hội rất hiệu quả và hợp lý. 

Để triển khai dự án quan trọng quốc gia của khu vực Vùng Thủ đô, hiện nay tổng mức đầu tư của dự án rất lớn, 85.813 tỷ đồng (hơn 3,7 tỷ USD), chia thành 3 nhóm dự án thành phần. Trong đó nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng ứng với 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp cho 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 3 là dự án xã hội hóa (chỉ 1 dự án) theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận. Vốn đầu tư nhóm 1, 2 thì ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận; nhóm dự án 3 thì nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỷ đồng, quy mô rất lớn.

"Chúng tôi nhận thức khó khăn cho cả 2 khu vực vốn ngân sách Trung ương và địa phương nay đã được cân đối tương đối hoàn chỉnh của đầu tư công trung hạn Trung ương 2021-2025; đối với Chính phủ, dự kiến cân đối trên 28.000 tỷ đồng; đối với 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh cũng phải cân đối trên 28.000 tỷ đồng, cơ cấu tương đương Trung ương, trong đó Hà Nội là chủ yếu, tiếp đó đến Bắc Ninh và Hưng Yên" - ông Tuấn cho hay.

Đối với 3 địa phương triển khai dự án đường song hành dưới thấp, có khả năng vốn phải tính đến năm 2026 và tiến độ đầu tư phù hợp với quá trình hình thành cấu trúc toàn tuyến.

Đối với dự án PPP-BOT quy mô 29.410 tỷ đồng, phải triển khai xong vào năm 2025.

Khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng

Khó khăn lớn nhất của Dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4 Vùng Thủ đô, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, là công tác giải phóng mặt bằng. Cơ chế đặc thù tạo lập từ các phương pháp chia nhóm dự án thành phần để tách riêng dự án giải phóng mặt bằng. 

Vành đai 3 TP HCM cơ bản không có đường sắt nhưng với Vành đai 4 Vùng Thủ đô là giải phóng mặt bằng dự trữ cho hành lang phát triển đường sắt 30 m trong tổng lộ giới giao động từ 90-135 m, trung bình là 125 m. Vì vậy nhóm dự án 1 là chìa khóa mở cho dự án 2, 3; đồng thời đây là quyết đáp của Chính phủ cho các địa phương, sau đây cũng sẽ được Quốc hội thống nhất là giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước, tạo lập sự đồng bộ đồng thời.

Kinh nghiệm cho thấy về giải phóng mặt bằng, ngay như đối với Vành đai 4 Vùng Thủ đô hiện nay, cơ cấu tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng chiếm chưa tới 25%. Nhưng đối với Vành đai 3 TP HCM có khả năng chiếm trên 50%. Do đó việc giải phóng mặt bằng càng để chậm càng nguy cơ. Chắc chắn việc giải phóng mặt bằng không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi. Đây là bài học kinh nghiệm.

Khó khăn này được xác định phải thực hiện theo chủ trương đầu tư tới đây trong năm 2022 đến năm 2024, chuẩn bị đầu tư là từ năm 2022 đến năm 2023. Hiện nay quy mô giải phóng mặt bằng đối với Vành đai 4 tương đối lớn, 1.341 ha cho cả 3 tỉnh, thành phố; chiếm 19.000 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, dưới 25%.

Riêng TP. Hà Nội phải có một phương án bồi thường tái định cư cho khoảng 14.647 hộ và tái định cư cho 2.203 hộ, đã chuẩn bị 9 khu tái định cư quy mô khoảng 36,3 ha. Khi vượt qua khó khăn này thì các dự án thành phần kế tiếp như dự án nhóm 2 đường song hành đô thị sẽ diễn ra từ năm 2022-2026; đặc biệt dự án trung tâm PPP-BOT với 65% đi trên cao, 35% đi dưới thấp để tạo ra điều kiện phát triển đô thị hai bên tuyến sẽ phải hoàn thành trong năm 2025.

Chính vì thế đã thống nhất cao coi Vành đai 4 là dự án đầu tư tổng thể trên cơ sở chia làm 3 nhóm. Đối với giải phóng mặt bằng đã vượt qua khó khăn. Đây là chìa khóa quyết định để triển khai dự án này.

Bên cạnh đó, còn khó khăn nữa là Hà Nội thực hiện mô hình Nhà nước phối hợp với xã hội, tức là đầu tư công kết hợp đầu tư công tư. Đây là việc giảm tải ngân sách Trung ương, địa phương. Kinh nghiệm cho thấy việc triển khai cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, ngay cả giai đoạn 2, thì khả năng bảo đảm tính khả thi của BOT trong mô hình PPP là khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều dự án PPP-BOT phải chuyển đổi sang đầu tư công đáp ứng với từng thời kỳ khôi phục, phát triển của nền kinh tế. 

Nhưng Hà Nội được sự hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm triển khai dự án này theo hình thức PPP. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP cũng đã chia sẻ phần doanh thu tăng giảm, khả năng thu phí kín của vành đai đặc trưng theo km. Hay như Vành đai 4 cũng có tính hấp dẫn riêng có để bảo đảm phát triển. Đây là điều kiện để bảo đảm tính khả thi nhưng cũng là một khó khăn đối với Vành đai 4.

Về phía TP HCM, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Trần Quang Lâm cho hay vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối cảng hàng không quốc tế, cảng biển, đường thủy, tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong khu vực từ Đông sang Tây, hệ thống cao tốc kết nối với nước bạn. Việc xây dựng hệ thống đường Vành đai 3 cũng giúp tăng năng lực cạnh tranh về kinh tế.

Với vai trò "nhạc trưởng", từ tháng 11/2021, Chính phủ giao nhiệm vụ cho TP HCM là cơ quan chủ trì dự án, thành phố đã phối hợp các tỉnh thành nghiên cứu các hình thức đầu tư và được Chính phủ chấp thuận phương thức triển khai theo đầu tư công. Trên cơ sở đó kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đánh giá năng lực, tăng khả năng bố trí vốn với 50% từ địa phương...

Giám đốc Sở cho hay đến nay TP HCM và các tỉnh đã có nghị quyết cam kết với Chính phủ là các tỉnh thành đảm bảo bố trí nguồn lực triển khai dự án. Trên cơ sở rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung đầu tư trọng tâm trọng điểm, ưu tiên đường Vành đai 3, các địa phương sẽ thực hiện phát hành trái phiếu, vay Chính phủ...

Về dự án Vành đai 3 TPHCM, tổng mức đầu tư là 75.370 tỷ đồng (hơn 3,2 tỷ USD), dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2020-2025 là 81% tức 61.000 tỷ đồng.

Để bảo đảm giải ngân, sau khi có cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, linh hoạt vốn, thì phải chuẩn bị giải phóng mặt bằng. Thứ nhất, về bồi thường, tái định cư phải vào cuộc sớm, rà soát quy hoạch kế hoạch sớm, đo vẽ, thành lập các tổ công tác, triển khai các ban chỉ đạo, cả hệ thống chính trị vào cuộc, dân vận, tuyên truyền triển khai các chính sách nhanh nhất, bảo đảm triển khai đúng tiến độ. Thứ hai là việc kiểm tra giám sát các khâu và từng công đoạn rất quan trọng.

Dự án Vành đai 3 thành công được hay không là công tác bồi thường, thứ hai là vật liệu.

Với TP HCM, rút kinh nghiệm trước đây triển khai các dự án lớn, cùng với sự hỗ trợ, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GTVT, kinh nghiệm triển khai các tuyến cao tốc, TPHCM và các tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, cơ chế điều phối chuẩn bị kỹ, chuẩn bị các nguồn vật liệu chất lượng, đủ trữ lượng, tổ chức kiểm tra giám sát từng mỏ, tổ chức thí nghiệm vật liệu trên công trường có tham vấn của chuyên gia, cũng như Bộ GTVT.

"Rất nhiều giải pháp, cách làm phải đổi mới và đồng bộ, với cơ chế đặc thù. Nếu Quốc hội thông qua, chúng tôi tin tưởng bằng sự quyết tâm của các địa phương, sự hỗ trợ từ các bộ ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Quốc hội, tiến độ dự án Vành đai 3 đáp ứng theo kỳ vọng. Tiến độ các địa phương đã báo cáo cơ bản kết thúc năm 2025, năm 2026 hoàn thành toàn bộ, 2027 quyết toán. Như vậy, vốn trải qua 2 giai đoạn 2020-2025 là 81%, giai đoạn tiếp theo là 19%, đáp ứng dùng vốn hiệu quả, đúng như tiến độ đã cam kết" - ông Lâm khẳng định.

'Đầu tiên là tiền đâu'?

Giải đáp câu hỏi "đầu tiên là tiền đâu" của TS. Nguyễn Sĩ Dũng về việc tìm nguồn, cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án vành đai, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức cho hay, rất may mắn khi 2 tuyến đường này đi qua 2 vùng kinh tế trọng điểm. Chỉ duy nhất có tỉnh Long An nhận ngân sách Trung ương.

Nghị quyết 29 của Quốc hội giao kế hoạch đầu tư công trung hạn có tổng vốn là 2,870 triệu tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 1,5 triệu tỷ đồng, ngân sách địa phương là 1,34 triệu tỷ đồng. Ở mức độ ngoài 10%, đã phân bổ cho bộ ngành và địa phương, ngoài ra có phần để lại chưa sử dụng, vừa rồi đã tập trung cho 2 tuyến đường này. Ở đây, đã cam kết đối với phần ngân sách Trung ương, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sử dụng nguồn vốn này theo chủ trương.

Thứ hai, về cơ chế lồng ghép giữa ngân sách Trung ương và địa phương, theo ông Đức, Quốc hội sẽ cho cơ chế. Hiện nay, Khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách đã quy định rõ không dùng ngân sách cấp này chi cho cấp khác. Thực tế, Luật Ngân sách chúng ta đã ban hành trong thời gian quá dài, đến nay không còn phù hợp. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới, ngân sách Trung ương chủ đạo, ngân sách địa phương chủ động, và đã đề xuất một số nội dung mà Luật Ngân sách không còn phù hợp.

Trong quá trình triển khai, hiện nay Quốc hội cũng đã cho một số cơ chế đặc thù với các địa phương, cho các địa phương thực hiện quyết định đầu tư, nguồn vốn giao trực tiếp cho các địa phương thực hiện nguyên tắc tại chỗ.

Trong quá trình địa phương chủ động, từng hạng mục sẽ có vướng trong tổ chức thực hiện. Thực tế qua số thu ngân sách của 7 địa phương, đã có bức tranh rất sáng, hết tháng 4 cơ bản các địa phương đều đạt và vượt. Điều này thể hiện sự đồng thuận trên Trung ương và các địa phương.

Hiện nay có kiến nghị của địa phương, giao tăng phần cân đối địa phương, đây là điều đáng mừng. Các địa phương đều có quyết tâm, ý chí chính trị để tăng nguồn vốn chia cho đầu tư.

Nghị quyết 29 Khoản 7 Điều 6 đã cho cơ chế các địa phương giao kế hoạch theo ngân sách thực tế, không làm ảnh hưởng bội chi, để đến cuối kỳ họp sẽ cộng lại. Trong Điều 59 Luật Ngân sách cũng cho phép tăng thu ngân sách địa phương, bố trí cải cách tiền lương, có chi cho đầu tư. Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho các địa phương chủ động tăng nguồn ngân sách địa phương.

Đối với kiến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu trung hạn, Phó vụ trưởng Dương Bá Đức nhấn mạnh, trong Luật Quản lý nợ vay và nợ công không quy định Chính phủ phát hành cho vay. Vì sức ép trong giai đoạn trung hạn phải hoàn thành, nguồn vốn chúng ta phải tập trung. Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nếu khả thi thì khả năng có Hà Nội, TP HCM. 

"Các tỉnh khác truy thu hơi khó. Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ chung cho các địa phương cũng là hợp lý. Và việc này bắt buộc vẫn phải tính trong bội chi ngân sách" - ông Đức cho hay.

https://cafef.vn/tien-dau-lam-cac-tuyen-duong-vanh-dai-ty-usd-o-tp-hcm-ha-noi-20220504163938892.chn

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên